Đầu xuân Kỷ Hợi 2019, chúng tôi muốn chọn ra một cổ phiếu có thể khuyến nghị mua vào cho các độc giả để đi kèm lời chúc mọi người một năm mới tấn tài tấn lộc. Nhìn lại portfolio, chúng tôi cân nhắc một hồi, và quyết định tiếp tục lựa chọn MBB khi luôn cảm thấy rằng thị trường vẫn còn đang bỏ qua một món hời rất lớn tại một ngân hàng TMCP đầy triển vọng. Mặc dù chưa có kết quả kiểm toán cuối cùng nhưng năm kinh doanh 2018 cũng coi như đã khép lại khi MBB công bố báo cáo tài chính quý 4. Ngân hàng đã làm tốt hơn so với dự báo của chúng tôi khi đi theo một chiến lược khác, và sau một bước tiến mạnh mẽ như vậy dư địa phát triển còn lại của MBB 2019 năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái. Tuy nhiên có nhiều lý do để chúng tôi tin rằng kế hoạch tăng trưởng 20% trong năm 2019 này vẫn là hoàn toàn khả thi.

1. ĐỘNG LỰC
- Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi) tiếp tục tăng mạnh: Một trong những lợi thế cạnh tranh lớn nhất của MBB chính là có mối quan hệ rất sâu rộng với nhiều doanh nghiệp Nhà nước (hay gốc Nhà nước), từ đó giúp ngân hàng huy động được một lượng vốn lớn với chi phí rẻ. Cũng nhờ lợi thế này mà tỷ lệ CASA của MBB thuộc hàng cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết, và không ngừng tăng lên theo sự phát triển của các doanh nghiệp. Đến thời điểm cuối năm 2018, tỷ lệ này đã đạt khoảng 36%, tăng mạnh so với mức 26% của thời điểm cuối năm 2017 (theo BCTC chưa kiểm toán, tính trên tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi vốn chuyên dùng). CASA cao thì có lợi ích gì? Thứ nhất nó cho thấy được nguồn tiền dồi dào của MBB – một yếu tố rất quan trọng làm nên uy tín và vị thế của ngân hàng. Thứ hai, nó giúp MBB thu được chênh lệch lãi suất trên thị trường liên ngân hàng khi kinh doanh vốn ngắn hạn với mức lãi suất cao hơn, trong khi chi phí vốn phải trả cho loại tiền gửi này là rất thấp.

- MCredit và triển vọng phát triển mảng khách hàng cá nhân: Bên cạnh tỷ lệ CASA cao, MCredit (tức Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei) chính là một yếu tố quan trọng khác để giúp MBB cải thiện NIM. Cuối năm 2018, MCredit đang có dư nợ tín dụng khoảng 3.800 tỷ đồng, tức chiếm tỷ trọng khoảng 2-3% mà thôi. Tuy nhiên, ban lãnh đạo của công ty này cho biết MCredit đã tăng trưởng hơn 200% trong năm 2018 và sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng này cả về qui mô và lợi nhuận trong năm 2019. Ước tính, hiện tại MCredit đứng ở vị trí thứ 6 trên thị trường tài chính tiêu dùng sau hai năm hoạt động. Hiện MBB đang sở hữu 50% cổ phần tại công ty này (sau khi bán lại 49% cho Tập đoàn Shinsei Finance của Nhật). Tỷ trọng tín dụng khách hàng cá nhân của MBB hiện cũng đã tăng lên 38% so với mức 33% của năm trước, góp phần giúp NIM đạt mức 4,6%, cao hơn đáng kể so với mức 4,3% của 2017.

- Mua lại 108 triệu cổ phiếu quỹ trong giai đoạn đầu năm 2019: HĐQT MBB đã ra quyết định sẽ dùng nguồn tiền từ LNST chưa phân phối và nguồn vốn chủ sở hữu khác mua lại 108 triệu cổ phiếu quỹ nhằm tối ưu hóa giá trị dài hạn cho cổ đông (tương ứng với 5% vốn điều lệ của doanh nghiệp, thời gian thực hiện giao dịch dự kiến trong thời gian từ ngày 29/01/2019 đến ngày 27/02/2019). Tính đến hiện tại (16/02/2019), MBB đã mua được khoảng 16 triệu cổ phiếu quỹ, và hiện vẫn đang tiếp tục thực hiện theo những gì đã cam kết. Liệu có phải lời than khóc rằng cổ phiếu MBB “nặng mông” đã đến tai ban lãnh đạo doanh nghiệp nên mới có quyết định này? Cái đó chúng tôi cũng không rõ, tuy nhiên có thể chắc chắn một điều rằng động thái này cho thấy được sự tự tin, lẫn nhận định của ban lãnh đạo MBB rằng giá cổ phiếu của MBB đang hấp dẫn, và thấp hơn nhiều so với giá trị thực của nó.

2. RỦI RO
- Có thể hạn chế tăng trưởng tín dụng lại để giảm hệ số LDR (Cho vay/huy động): Chúng tôi tiếp tục giữ lại nhận định rủi ro này từ bài phân tích trước, khi tính đến hết năm 2018 LDR của MBB đã đạt mức 88%, càng cao và càng xa hơn so với mức quy định trần của NHNN dành cho NHTM cổ phần là 80%. Hiện tại NHNN vẫn chưa siết chặt quy định này, tuy nhiên theo chúng tôi việc các ngân hàng phải control việc tăng trưởng tín dụng cao là điều khó tránh khỏi. Đây có thể là một tín hiệu cho thấy triển vọng tăng trưởng của ngành ngân hàng trong những năm tới sẽ giảm tốc, chứ không còn mạnh mẽ như hai năm trước.

- Nợ xấu: Gần đây có một số ý kiến cho rằng với việc tăng trưởng mạnh mẽ của MCredit, nợ xấu của MBB sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, tương tự như câu chuyện tại VPB. Điều này, theo chúng tôi thì vẫn còn xa, phải cho tới khi MCredit lớn hơn và có ảnh hưởng nhiều hơn tới MBB. Đồng thời, xưa nay MBB luôn nổi tiếng với việc có chất lượng tài sản tốt, trích lập dự phòng đầy đủ (những năm qua tỷ lệ bao nợ xấu luôn xoay quanh ngưỡng 1), tăng trưởng bền vững nên rủi ro này sẽ không phải là lớn.

3. GIÁ TRỊ CỔ PHIẾU
Sau quá nhiều hiểu nhầm hài hước của một số độc giả, chúng tôi đành phải thay đổi format trong năm mới này và sửa cụm từ “giá cổ phiếu” bằng “giá trị cổ phiếu”. Theo chúng tôi, với các triển vọng nêu trên, MBB nhiều khả năng sẽ hoàn thành kế hoạch mà ban lãnh đạo phác thảo ra cho năm 2019 là tăng trưởng 20%. Theo đó, EPS F2019 sẽ đạt khoảng 3.400 đồng, cũng đồng nghĩa với việc dù định giá thận trọng hơn, giá trị hợp lý của cổ phiếu MBB năm 2019 cũng sẽ ở khoảng 34.000 đồng/cổ phiếu (lưu ý: trước phát hành). Với mức giá trị mục tiêu này, vùng giá hiện tại vẫn đang là rẻ cho các nhà đầu tư, và đặc biệt là cho ban lãnh đạo doanh nghiệp khi họ đang cần mẫn mua vào cổ phiếu quỹ trong những ngày qua theo kế hoạch đã đề ra.

#MBB_TrueValueCapital