Chỉ báo RSI là một trong những công cụ phân tích kỹ thuật phổ biến và hữu ích nhất trong giao dịch Forex. Chuỗi bài viết này của Exness sẽ cung cấp thông tin về chỉ báo RSI một cách chi tiết, bao gồm:
  • Những thông tin cơ bản về chỉ báo RSI
  • 3 cách phổ biến để sử dụng chỉ báo RSI trong giao dịch Forex
  • 2 phương pháp khác để sử dụng chỉ báo RSI
  • Một vài mẹo khi sử dụng chỉ báo RSI
Chúng ta hãy cùng bắt đầu với phần 1: Những thông tin cơ bản về chỉ báo RSI.

Chỉ Báo RSI Là Gì?


RSI là viết tắt của “Relative Strength Index” - Chỉ số sức mạnh tương đối. Đây là một chỉ báo kỹ thuật dẫn dắt (Leading indicator), thường được sử dụng để nhận biết tình trạng quá mua hoặc quá bán đối với giá của một tài sản.

Trên biểu đồ, chỉ báo RSI hoạt động như một “máy dao động” đo cường độ biến động giá.




Chỉ báo RSI. Nguồn: MetaTrader 4 Exness
Chỉ Báo RSI Ra Đời Như Thế Nào?


Chỉ báo RSI được giới thiệu lần đầu vào năm 1978 bởi J. Welles Wilder. Ông vốn là một kỹ sư cơ khí, nhưng sau đó dấn thân vào lĩnh vực bất động sản ở thập niên sáu mươi. Năm 1972, sau khi bán hết cổ phần của mình cho các cộng sự, ông thu về khoản lợi nhuận hơn 100.000 USD và bắt đầu giao dịch trên thị trường chứng khoán. Chính trong khoảng thời gian này, J. Welles Wilder bắt đầu nghiên cứu và tạo ra một số công cụ dùng để xác định xu hướng giá cổ phiếu, sau đó biên soạn thành các công thức và chỉ số toán học mà các nhà giao dịch có thể sử dụng. RSI là một trong những chỉ số đó.

Chỉ Số RSI Được Tính Toán Và Sử Dụng Như Thế Nào?


Trên đồ thị, chỉ số RSI được biểu thị bằng một đường chạy trong biên độ từ 0 đến 100. Đường này được cấu tạo bởi nhiều điểm liên tục với mỗi điểm được tính toán theo công thức sau:

RSI = 100 – 100 / (1 + RS)

Trong đó:
  • RS = Trung bình X kỳ tăng giá / Trung bình X kỳ mất giá
  • X mặc định là 14, nhưng con số này có thể được thay đổi tùy theo nhu cầu của các nhà giao dịch
Lưu ý: Bạn không cần phải nhớ công thức này, vì phần mềm giao dịch đã có chức năng tự động tính toán và phác họa chỉ số RSI trên biểu đồ.

Như đã đề cập, chỉ báo RSI được dùng để nhận biết liệu giá của một loại tài sản có đang rời xa khỏi giá trị “thật” của nó. Chỉ báo này đánh giá giá tài sản trên thang điểm từ 0 đến 100 trong một giai đoạn nhất định (mặc định là 14 ngày). Khi đường RSI nằm dưới mức 30, tài sản bị coi là quá bán và giá của nó có khả năng sẽ bật tăng trở lại. Ngược lại, khi đường RSI nằm trên mức 70, tài sản bị coi là quá mua và giá của nó có khả năng sẽ hồi trở lại.




Vùng chữ nhật màu xanh thể hiện giai đoạn quá bán, trong khi vùng chữ nhật màu đỏ thể hiện giai đoạn quá mua của tỷ giá EUR/JPY trên đồ thị 1 giờ. Nguồn: MetaTrader 4 Exness​

Làm Thế Nào Để Cài Đặt Chỉ Báo RSI Trong Phần Mềm Giao Dịch MetaTrader 4?


MetaTrader 4, hay MT4, là một trong những phần mềm giao dịch Forex phổ biến nhất hiện nay. Phần mềm này đã được tích hợp hàng loạt công cụ phân tích kỹ thuật thông dụng, trong đó có chỉ báo RSI.
  • Để cài đặt RSI lên biểu đồ, bạn hãy làm theo các bước sau đây:
  • Mở phần mềm MT4.
  • Nhấn đúp chuột trái vào Relative Strength Index trong phần Indicator / Oscillators (phía bên trái màn hình).
  • Lựa chọn các thông số theo nhu cầu, sau đó nhấn Ok.




Nguồn: MetaTrader 4 Exness



Vậy là bạn đã nắm được những thông tin cơ bản về chỉ báo RSI. Trong phần 2, Exness sẽ giới thiệu với bạn 3 cách phổ biến để sử dụng chỉ báo này trong giao dịch ngoại hối.

Theo tác giả Phạm Hải (
Exness
)