Thị trường phái sinh, cụ thể là hợp đồng tương lai chỉ số ra đời vào tháng 08/2017 đánh dấu một bước phát triển mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Sự ra đời của sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số ban đầu đã được sự đón nhận rộng rãi của cộng đồng nhà đầu tư.

Thực trạng hoạt động của thị trường phái sinh
Ngày 10/08/2017 đánh dấu sự kiện sản phẩm phái sinh hợp đồng tương lai chỉ số VN30 được ra mắt. Đây là sản phẩm phái sinh đầu tiên được giao dịch chính thực trên sàn chứng khoán. Nhưng thực tế, trong giai đoạn 2007-2009, một số sản phẩm phái sinh đầu tiên mà chủ yếu là quyền chọn cổ phiếu đã được công ty chứng khoán giao dịch trực tiếp với khách hàng. Ngoài phái sinh chứng khoán, các sàn giao dịch hàng hóa ở Việt Nam cũng đã hình thành và phát triển trong quá khứ như sàn giao dịch điều thô (2002), sàn giao dịch thủy sản (2004), sàn giao dịch cà phê (2004) … chứng tỏ nhu cầu thực tế về các sản phẩm phái sinh, mặc dù mới chỉ được giao dịch trên sàn phi tập trung.

Dựa vào kinh nghiệm triển khai của thị trường phái sinh quốc tế, sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số là sản phẩm đầu tiên được chọn. Điều này tương tự như kinh nghiệm ở Thái Lan khi hợp đồng tương lai chỉ số là sản phẩm được triển khai đầu tiên và rất thành công.

Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam liên tục ghi nhận các kỷ lục mới, nếu phiên giao dịch đầu tiên vào ngày khai trương thị trường, khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 487 hợp đồng. Tính đến nay, thanh khoản trung bình trong vòng 50 phiên gần nhất đạt hơn 88.000 hợp đồng.

Hiện có trên 90% nhà đầu tư trên thị trường cơ sở là nhà đầu tư cá nhân, trong khi con số này trên thị trường phái sinh lên tới trên 95%. Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh mới liên tục tăng, trung bình mỗi ngày có 153 tài khoản mới. Tính đến ngày 31/7/2018, đã có 39.631 tài khoản giao dịch phái sinh được mở, trong đó số tài khoản có giao dịch là 11.225 tài khoản.

Trong khi các nước trong khu vực thường mở cửa thị trường chứng khoán phái sinh sau khoảng 30 năm kể từ ngày mở cửa thị trường chứng khoán cơ sở, thì tại Việt Nam, thời gian đã được rút ngắn chỉ sau hơn 17 năm.

Phát triển thị trường chứng khoán phái sinh sẽ không chỉ làm tăng tính thanh khoản của thị trường và cung cấp các phương tiện để phòng ngừa rủi ro cho những nhà đầu tư, mà còn giúp thị trường trở nên hiệu quả hơn thông qua các hoạt động kinh doanh chênh lệch giá liên thị trường.

Thuận lợi thị trường phái sinh Việt Nam
Quy mô của thị trường chứng khoán cơ sở liên tục gia tăng. Sự gia tăng về quy mô của thị trường chứng khoán cơ sở được thể hiện rõ nét thông qua sự gia tăng về giá trị vốn huy động, số lượng chứng khoán niêm yết và nhà đầu tư tham gia thị trường.

Nhu cầu sử dụng chứng khoán phái sinh để phòng ngừa rủi ro ngày càng rõ rệt. Sự trồi sụt của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian vừa qua đã gây ra những tổn thất không nhỏ cho các nhà đầu tư, nhu cầu sử dụng các chứng khoán phái sinh đơn giản để phòng vệ rủi ro chính vì thế lại được dấy lên mạnh mẽ.

Khung pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh đã được xây dựng dựa trên điều kiện thị trường và đảm bảo được các thông lệ quốc tế.

Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đã có những bước phát triển mạnh trong giai đoạn vừa qua.

Phát triển thị trường chứng khoán phái sinh là một nội dung hết sức quan trọng và cần thiết trong Chiến lược phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đó chỉ rõ: Tái cấu trúc mô hình tổ chức thị trường chứng khoán Việt Nam theo hướng: (i) Tổ chức việc giao dịch chứng khoán theo hướng cả nước chỉ có một Sở giao dịch Chứng khoán; (ii) Phân định các khu vực thị trường thành thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh.

Nguồn:
https://online.hsc.com.vn/tin-tuc/d...hi-truong-chung-khoan-phai-sinh-viet-nam.html