Trong Phân tích Kỹ thuật (PTKT), xác định đỉnh đáy là mục tiêu vô cùng quan trọng vì nó đồng nghĩa với khả năng tìm kiếm điểm ra vào với thị trường hay điểm mua và bán với cổ phiếu có xác suất thành công cao nhất.

Các điểm đỉnh và đáy được hình thành khi tâm lý mua vào hoặc bán ra bị đảo ngược. Ví dụ trong xu hướng tăng giá, hiện tượng tạo đỉnh sẽ xảy ra khi tâm lý mua vào yếu dần và kết thúc bằng hiện tượng chốt lời ồ ạt. Tại một mức giá cao và khả năng chấp nhận mua vào bị suy yếu, vùng đỉnh sẽ sớm hình thành. Ngược lại, khi giá giảm về mức mà lực cung yếu dần và ở góc nhìn của một nhà đầu tư đang canh mua thì đây chính là thời điểm vàng để tích lũy dần cổ phiếu tại mức giá hời. Đây chính là vùng giá có xác suất tạo đáy rất cao của một xu hướng giảm.

PTKT cho thấy rằng tiền đề cho việc hình thành vùng đỉnh đáy của một xu hướng có xác suất cao xảy ra tại các vùng hỗ trợ và kháng cự trong đồ thị giá. Như vậy, nếu xác định chính xác điểm hỗ trợ và kháng cự sẽ làm tăng xác suất thành công khi xác định được vùng giá có khả năng xảy ra đảo chiều hoặc bứt phá.

PTKT có nhiều công cụ, chỉ báo giúp khoanh vùng các khu vực có thể xuất hiện các mức hỗ trợ và kháng cự trong một xu hướng giá. Trong bài viết này, phương pháp quan sát và phân tích trực quan biến động của đồ thị nến sẽ được giới thiệu như một trong những cách tiếp cận đơn giản nhất và dễ áp dụng nhất của PTKT.

Vùng giá hỗ trợ / Kháng cự

Thông thường nhà đầu tư luôn cố gắng tìm một mức giá cụ thể để xác định mức hỗ trợ hoặc kháng cự tuy nhiên trên thực tế quan niệm này có độ chính xác không cao và sẽ càng khó khăn hơn khi mức hộ trợ kháng cự lại được tạo bởi liên tiếp các phiên giao dịch có biến động lớn và trong khoảng thời gian dài. Để giải quyết vấn đề này, phương pháp xác định” Vùng” hỗ trợ/ kháng cự đem lại hiệu quả tích cực.

Với trường hợp cổ phiếu SHB, vùng kháng cự được hình thành trong suốt giai đoạn 2014-2015 tại vùng giá từ 6.000-8.000 đồng. Khi SHB hồi phục tích cực từ mức đáy 4.000 đồng và đối diện vùng kháng cự này, SHB đã phải trải qua 8 tháng điều chỉnh, đi ngang tích lũy mới có thể vượt khỏi vùng giá này.

Như vậy, nhờ sử dụng khái niệm vùng giá, nhà đầu tư hoàn toàn có thể thoát ra khỏi SHB rồi tìm điểm vào hiệu quả khi giá vượt khỏi vùng 6.000-8.000 đồng, tránh phải nắm giữ trong hơn 8 tháng mã vẫn có thể hưởng lợi suất vượt trội bởi một nhịp đảo chiều tăng mạnh từ 8.000 lên mức 13.000 đồng chỉ trong vòng 01 tháng. Đây là mức lợi suất tuyệt vời (65%) và có ý nghĩa rất quan trọng đối với các giao dịch ngắn hạn, giúp tối ưu chi phí cơ hội về thời gian và nguồn vốn.

Nguồn: https://online.hsc.com.vn/tin-tuc/d...tich-cac-vung-gia-dao-chieu-de-hanh-dong.html