1. Chiến lược phòng ngừa rủi ro cho danh mục nắm giữ
Đây là chiến lược phù hợp cho nhà đầu tư đang sở hữu danh mục chứng khoán rộng và danh mục này có mức độ tương quan cao với chỉ số chung. Nhà đầu tư dự báo thị trường sẽ giảm tuy nhiên lại không muốn bán danh mục cổ phiếu đang nắm giữ (có thể do mục tiêu nắm giữ dài hạn hay do mỗi lần cơ cấu danh mục sẽ tốn nhiều chi phí). Khi đó, nhà đầu tư này sẽ bảo vệ danh mục bằng cách bán hợp đồng tương lai VN30. Như vậy, sự mất mát về giá trị của danh mục chứng khoán cơ sở sẽ được bù đắp bằng sự sinh lời từ hợp đồng tương lai.

Ví dụ, nhà đầu tư đang nắm giữ danh mục các cổ phiếu bao gồm: SSI, HPG, VCB, BID, VNM…với tổng giá trị danh mục là 10 tỷ đồng. Hiện tại chỉ số VN30F đang là 1.000 điểm, với hệ số nhân là 100.000 do đó giá trị của một hợp đồng tương lai là 100.000.000 (1.000x100.000). Với mức beta hiện tại của danh mục so với chỉ số chung là 1 và mức beta mà chúng ta mong muốn là 0.

Theo công thức:

Số lượng hợp đồng = (beta mong muốn – beta danh mục) x (giá trị danh mục/giá trị một HĐTL)

Nên số lượng hợp đồng mà nhà đầu tư này cần bán để bảo vệ danh mục giá trị 10 tỷ đồng là 100 hợp đồng.

Giả sử một tháng sau, đúng như dự báo của nhà đầu tư, chỉ số VN-Index giảm 10% từ mức 1000 điểm về 900 điểm, tương đương giá trị danh mục của nhà đầu mất 1 tỷ còn lại 9 tỷ. Trong khi đó, nhờ vị dự đoán đúng xu thế giảm của thị trường nên nhà đầu tư quyết định đóng vị thể bán bằng cách mua lại 100 hợp đồng tương lai, kết quả nhà đầu tư này lời được tương đương 1 tỷ đồng.

Như vậy, khoản lỗ của danh mục trên thị trường cơ sở đã được bù đắp bằng lợi nhuận có được thê thị trường tương lai và nhà đầu tư vẫn giữ nguyên được danh mục cổ phiếu ban đầu sau giai đoạn điều chỉnh của thị trường.

2. Chiến lược Spread
Chiến lược này được thực hiện bằng việc mua và bán các chứng khoán có cùng một tài sản cơ sở, do một tác động nào đó dẫn đến các giá của các chứng khoán này có mức sai lệch so với điểm cân bằng, nhà đầu tư sẽ thực hiện mua bán để kiếm lời.

Ví dụ hợp đồng tương lai kỳ hạn tháng 1/2018 (VN30F1801) đang ở mức 1.000 điểm và hợp đồng tương lai tháng 2/2018 (VN301802) đang ở mức 1.050 điểm. Trong khi đó, giá trị tại điểm cân bằng (Fair Value) của VN30F1801 đang là 1.040. Như vậy giá trị hiện tại của VN30F1801 đang có khoảng cách giá lớn so với giá trị hợp lý của nó, trong khi VN30F1802 có giá trị hiện tại ở mức tương đối hợp lý. Nhận thấy giá hợp đồng tháng 1 là quá hời, nhà đầu tư sẽ thực hiện chiến lược Mua 10 hợp đồng VN30F1801 và thực hiện Bán 10 hợp đồng VN30F1802. Qua ngày hôm sau, nếu giá hợp đồng VN30F1804 tăng từ mức 1.000 điểm lên mức 1.030 điểm thì nhà đầu tư thực hiện lệnh Bán 10 hợp đồng VN30F1801. Còn VN30F1802 chỉ tăng nhẹ từ 1.050 điểm lên 1.060 điểm thì nhà đầu tư sẽ Mua đối với VN301802 để đóng vị thế. Kết quả, ở hợp đồng VN30F1801, nhà đầu tư lời được 30 điểm, còn hợp đồng VN30F1802 nhà đầu tư lỗ 10 điểm. Nhưng vậy phần Spread mà chúng ta đạt được là 20 điểm.

3. Chiến lược giao dịch đầu cơ theo xu thế giá
Đây là chiến lược được sử dụng nhiều nhất vì tính đơn giản và mức độ hấp dẫn của nó nhưng cũng đi kèm với rủi ro cao hơn các chiến lược khác. Theo đó, nếu nhà đầu dự báo thị trường sắp tới tăng giá thì sẽ tiến hành mua hợp đồng tương lai và chờ bán để đóng vị thế khi giá tăng. Ví dụ, VN30F1801 đang ở mức 1.000 điểm, do dự báo chỉ số này sẽ tăng nên nhà đầu tư sẽ thực hiện lệnh mua tại mức giá hiện tại, có thể trong ngày hoặc vài ngày sau đó VN30F1801 tăng lên 1.020 điểm và nhà đầu quyết định chốt lãi bằng cách đặt vị thế bán tại mức giá này.

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư sẽ thực hiện bán hợp đồng tương lai khi dự báo thị trường sẽ giảm điểm và thực hiện vị thể Mua để đóng vị thế giao dịch.

Xem chi tiết bài viết tại:
https://online.hsc.com.vn/tin-tuc/d...-luoc-dau-tu-trong-chung-khoan-phai-sinh.html