1. Vốn thấp, chi phí giao dịch thấp
Giá giao dịch của chứng quyền thường khá thấp, vì vậy khi giao dịch chứng quyền, nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra một số tiền ít hơn khi giao dịch cổ phiếu. Như vậy với cùng một số tiền bỏ ra, nếu mua chứng quyền thì nhà đầu tư sẽ có thể lập được một danh mục với nhiều lựa chọn hơn.

Ví dụ, giá cổ phiếu hiện tại trên thị trường là 100.000đ, để mua 1.000 cổ phiếu, nhà đầu tư cần bỏ ra 100 triệu VND. Trong khi đó, với mức giá 10.000đ/chứng quyền, để mua 1.000 chứng quyền, nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra 10 triệu VND. Khi đó, nhà đầu tư vẫn có thể dùng 10 triệu cho chứng quyền và dành 90 triệu để giao dịch cổ phiếu khác.

Đồng thời, phí giao dịch được tính trên giá chứng quyền. Do giá của chứng quyền thường thấp, nên phí giao dịch theo đó cũng thấp hơn so với phí giao dịch cổ phiếu.

2. Lỗ giới hạn
Trường hợp giá chứng khoán cơ sở biến động ngược chiều với dự đoán của nhà đầu tư thì khoản lỗ tối đa mà nhà đầu tư phải chịu chính bằng khoản phí (giá) của chứng quyền có bảo đảm mà nhà đầu tư phải trả để sở hữu chứng quyền, có nghĩa là mức lỗ giới hạn trên vốn ban đầu thấp.

Ví dụ, nếu nhà đầu tư mua 1.000 cổ phiếu với giá 100.000đ, số tiền cần bỏ ra là 100 triệu VND. Khi đó số lỗ trên vốn tối đa sẽ là 100 triệu. Trường hợp nhà đầu tư mua 1.000 chứng quyền, giá mỗi chứng quyền là 10.000đ thì số tiền bỏ ra là 10 triệu VND. Khi đó mức lỗ giới hạn trên vốn chỉ là 10 triệu đồng.

3. Đòn bẩy cao
Như đã nói ở trên, giá chứng quyền thường khá thấp, nên số vốn nhà đầu tư phải bỏ ra khi giao dịch chứng quyền sẽ ít hơn so với giao dịch cổ phiếu. Khi giá cổ phiếu biến động đúng với dự báo của nhà đầu tư, chứng quyền có thể làm gia tăng tỷ suất sinh lợi cho nhà đầu tư.

Ví dụ: giá cổ phiếu tăng từ 100.000đ lên 105.000đ/cổ phiếu, tỷ suất sinh lời sẽ là 5%.

Khi đó, giá chứng quyền sẽ tăng từ 10.000đ lên 12.000đ, tương ứng với tỷ suất sinh lời là 20%.

Hệ số đòn bẩy khi dùng chứng quyền so với cp = 20%/5% = 4 lần

4. Không yêu cầu ký quỹ
Khi giao dịch chứng quyền, nhà đầu tư không cần ký quỹ bất kỳ khoản tiền nào dù là chứng quyền mua hay bán, do đó không phải trả lãi vay ký quỹ, không có call margin và đóng vị thế bắt buộc. Tính đòn bẩy trong giao dịch chứng quyền đến từ đặc điểm của sản phẩm, không phải đến từ vốn vay.

5. Thanh khoản được đảm bảo nhờ nhà tạo lập
Chứng quyền có bảo đảm là một sản phẩm bắt buộc phải có tổ chức tạo lập thị trường nhằm cung cấp thanh khoản cho thị trường. Theo quy định, tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm cũng chính là tổ chức tạo lập thị trường. Tổ chức tạo lập thị trường sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tạo lập thị trường trong các trường hợp:

- Chỉ có lệnh bên mua hoặc bên bán chứng quyền;

- Không có lệnh bên mua và bên bán chứng quyền;

- Tỷ lệ chênh lệch giá trên thị trường vượt quá 5%.

Do đó, nhà đầu tư có thể mua hoặc bán lại chứng quyền bất cứ lúc nào.

Xem thêm: Chứng quyền được triển khai thế nào ở Việt Nam?

Xem chi tiết bài viết tại:
https://online.hsc.com.vn/tin-tuc/d...ng-quyen-dac-diem-nao-hap-dan-nha-dau-tu.html