Giá trị cổ phiếu, hay giá trị của công ty có ý nghĩa quan trọng đối với nhà đầu tư. Khi đưa ra quyết định đầu tư, nhà đầu tư sẽ so sánh giá tri cổ phiếu với giá cổ phiếu đang giao dịch trên sàn, nếu giá đang giao dịch thấp hơn giá trị, cổ phiếu đó được gọi là “undervalued” và ngược lại là đã “overvalued”. Vậy những yếu tố nào ảnh hưởng tới giá trị cổ phiếu? Để trả lời được câu hỏi này còn tùy thuộc vào từng lĩnh vực và cách tiếp cận của từng nhà đầu tư:
• Trước hết, đối với những nhà đầu tư muốn đi mua các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả hay sắp phá sản để vực dậy công ty, giá trị doanh nghiệp (DN) thường được định giá trên cơ sở giá trị tài sản mà DN này đang nắm giữ như bất động sản, mỏ dầu hay mỏ kim loại với trữ lượng còn lớn.

• Bên cạnh đó, rất nhiều loại tài sản vô hình nhưng cũng có giá trị rất lớn như thương hiệu công ty, hệ thống phân phối, bản quyền sáng chế… Ví dụ như năm 2017, tỷ phú người Thái đã phải chi ra gần 110,000 tỷ đồng để mua 53% cổ phần SAB với giá 320,000/cổ phiếu, mức PE 2018 vào khoảng 40 lần. Với nhiều nhà đầu tư, đây được xem là mức giá quá đắt cho cổ phiếu SAB. Tuy nhiên, thương hiệu SABECO, thị phần chi phối trong thị trường bia tại Việt Nam, hệ thống phân phối rộng khắp mà nếu làm từ đầu sẽ phải mất rất nhiều thời gian và công sức cũng chưa chắc xây dựng được là những yếu tố mang lại giá trị gia tăng cực lớn cho cổ phiếu SAB.

• Tuy nhiên, đứng trên góc độ nhà đầu tư cá nhân, mua/bán cổ phiếu để kiếm lời trên thị trường chứng khoán, chúng tôi cho rằng có 3 yếu tố mang lại giá trị cho cổ phiếu:​

- Thứ nhất, cổ tức bằng tiền DN trả lại cho chủ sở hữu. Thông thường, cổ tức cao là tốt, tuy nhiên, nếu cổ phiếu quá cao thì lại là yếu tố cẩn trọng do thể hiện doanh nghiệp thiếu các ý tưởng kinh doanh để mang lại tăng trưởng lợi nhuận hoặc doanh nghiệp khó có thể duy trì được mức cổ tức cao trong dài hạn.

- Thứ hai, giá trị hiện tại của doanh nghiệp, thể hiện thông qua các chỉ số định giá hiện tại như PE hay PB. Đây là các chỉ số để so sánh giữa các DN, hay giữa các ngành. Các cổ phiếu/ngành có chỉ số định giá thấp thể hiện cổ phiếu/ngành đó đang được định giá ở mức thấp hơn các DN khác cùng ngành, hoặc các ngành khác.

- Thứ ba, tăng trưởng lợi nhuận/dòng tiền của doanh nghiệp. Các DN có mức tăng trưởng lợi nhuận cao sẽ thường được định giá ở mức PE PB cao hơn ở hiện tại. Ví dụ khi so sánh 2 cổ phiếu A và B với mức PE hiện tại lần lượt là 10 lần và 11 lần. Nếu chỉ so sánh trên số hiện tại thì dễ thấy cổ phiếu A đang rẻ hơn cổ phiếu B. Tuy nhiên, nếu trong năm tới cổ phiếu B có thể tăng trưởng lợi nhuận với tốc độ 30%, trong khi cổ phiếu A chỉ tăng trưởng với tốc độ thấp hơn là 10% thì PE dự kiến 1 năm sau của 2 cổ phiếu (giả định giá cổ phiếu không thay đổi) lần lượt sẽ giảm xuống là 9.09 và 8.46. Như vậy, với mức tăng trưởng tốt hơn, sau 1 năm, PE của cổ phiếu B lại thấp và đang rẻ hơn cổ phiếu A.

Tóm lại, giá trị cổ phiếu là một phạm trù học thuật cũng tương đối phức tạp và có nhiều yếu tố tác động cần phải xem xét tổng thể. Tuy nhiên, đứng trên góc độ nhà đầu tư cá nhân, mua/bán cổ phiếu ngắn hạn để kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá mua/bán thì 3 yếu tố chính tác động đến giá trị cổ phiếu là: cổ tức bằng tiền, giá trị hiện tại, và tăng trưởng.

Xem chi tiết bài viết tại: https://online.hsc.com.vn/tin-tuc/de...-co-phieu.html