Hôm trước tôi qua hàng xóm chơi đúng lúc đài truyền hình của xã đưa tin rằng xã tôi vừa lọt vào top những xã hạnh phúc và đáng sống nhất của huyện. Tôi cứ ngẩn ngơ một hồi, rồi cuối cùng đành quay sang hỏi bác hàng xóm: “Em thật sự không hiểu lý do tại sao xã ta lại được cái danh hiệu cao quý ấy vậy bác?”.

Bác hàng xóm – là một người rất chịu khó xem thời sự, và nắm rất chắc các vấn đề về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của thôn, của xã – nghe tôi hỏi vậy thì mỉm cười đầy bí hiểm, chầm chậm nhấp một ngụm trà, rồi cất giọng thong thả: “Chú có nhớ cái vụ xưởng sản xuất thép đổ chất thải độc hại xuống cái ao cá xã ta khiến ao bị ô nhiễm và cá chết hàng loạt đó không? Cái xã bên cạnh cũng bị một vụ y hệt vậy, mà người ta phải mất tới mấy chục năm mới xử lý, cải tạo và làm sạch lại được ao. Còn cái ao xã ta, chỉ có vài tháng thôi, nó đã tự làm sạch được rồi. Đã có kết luận là nước dưới ao tắm thoải mái, cá dưới ao chén vô tư rồi! Đó! Thiên nhiên và tạo hóa đã ưu đãi, cho chúng ta một cái ao thần kỳ đó! Xã ta có một cái ao như thế thử hỏi có hạnh phúc không? Có đáng sống không?”.

Tôi gật gù, thấy bác nói chí phải. Và rồi lại nghe giọng bác thong thả bên tai: “Chú đi khắp huyện thì sẽ thấy, bà con các xã khác kiếm được đồng tiền nó khó nhọc và vất vả đến nhường nào. Còn xã ta thì khác: họ chỉ rình nhét tiền vào cặp nhau, để đến lúc về nhà, mở cặp ra, mới biết là cặp mình đã bị nhét tiền. Đấy, dân xã ta yêu nhau, quý nhau như thế, thử hỏi có hạnh phúc không? Có đáng sống không?”.

Tôi còn đang gật gù, ý muốn cho rằng bác nói chí phải, thì đã lại nghe giọng bác thong thả bên tai: “Chú đi khắp huyện thì sẽ thấy, ở các xã khác, cắt cỏ là việc của bò, hoặc là của mấy chị nông dân nghèo bất đắc dĩ phải làm để kiếm chút thức ăn về thả ao nuôi cá. Còn ở xã ta, cắt cỏ là một nghề cao quý với doanh thu 700 tỷ mỗi năm. Đấy, sức lao động của xã ta được coi trọng như thế, thử hỏi có hạnh phúc không? Có đáng sống không?”.

Lần này, tôi còn chưa kịp gật gù thì đã lại nghe giọng bác chậm rãi bên tai: “Chú đi khắp huyện sẽ thấy, ở các xã khác, người dân muốn bắt tôm phải xuống sông xuống biển, muốn câu cá phải ra suối ra hồ. Còn ở xã ta, chỉ sau một cơn mưa lớn là đã có thể cầm rổ chạy vòng quanh sân xúc cá, đã có thể ngồi trên giường thả cần xuống nền nhà, ung dung như Nguyễn Khuyến ngồi thuyền câu cá giữa ao thu. Thanh tao như thế, thử hỏi có hạnh phúc không? Có đáng sống không?”.

“Rồi chú thấy đấy, ở các xã khác, hoa hậu muốn đăng quang phải tài năng, đức sắc vẹn toàn, ca sĩ muốn thành danh phải nỗ lực, đi lên bằng đôi chân của chính mình. Còn ở xã ta: Mười cô hoa hậu thì tám cô ly dị, bỏ chồng, rồi chửi bậy nói tục như hàng tôm hàng cá, rồi trượt tốt nghiệp, rồi sửa học bạ, rồi phì phèo thuốc lá. Ca sĩ sáng tác được mười bài thì tám bài bị tố là đạo nhạc, rồi cái mặt cứ vênh vênh như thách thức cuộc đời ngay trên sóng truyền hình của xã, và cũng chả thấy tổ chức cơ quan nào đứng ra đánh giá, thẩm định hay xử lý cả... Đó! Cơ hội nổi tiếng rộng mở và dễ dàng với người xã ta như thế, thử hỏi có hạnh phúc không? Có đáng sống không?”.

Tôi lúc này chả thèm gật gù nữa, không phải vì bác nói không đúng, mà vì gật nhiều mỏi cổ quá. Rồi tôi quay sang hỏi bác bằng giọng thắc mắc: “Vậy sao bà con vẫn ngạc nhiên khi biết tin xã ta lọt top những xã hạnh phúc và đáng sống nhất của huyện bác nhỉ?”.

Bác nghe vậy thì cầm cả cái ấm trà đổ vào mồm, giọng rầu rĩ nhưng vẫn đầy triết lý: “Người ta nói: sống trong vườn hoa hồng thì lâu dần không thấy mùi thơm, mà sống cạnh đống phân thì lâu dần cũng không còn mùi thối. Ngay cả cụ Tô Hoài, trong tác phẩm kinh điển “Vợ chồng A Phủ”, khi viết về nhân vật Mị, cụ cũng miêu tả bằng một câu kinh điển: “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi!”. Dân xã ta cũng như Mị thôi, khác cái là họ ở lâu trong hạnh phúc, và quen với cái hạnh phúc đó rồi, nên giờ, được phong tặng cái danh hiệu làng hạnh phúc, họ mới giật mình ngớ người...

Tác giả: VÕ TÒNG ĐÁNH MÈO