Kinh nghiệm đầu tư - Nhóm chỉ báo Volume Indicators (Phần 1)
Phân tích khối lượng giao dịch là phương pháp dựa trên tính toán biến động của khối lượng và giá để đưa ra tín hiệu xác nhận hoặc cảnh báo xu hướng, từ đó giúp nhà đầu tư nâng cao hiệu quả phân tích và dự báo thị trường. Do những ứng dụng quan trọng từ phân tích khối lượng nên chuỗi bài Kinh nghiệm đầu tư lần này sẽ tập trung giới thiệu những kiến thức liên quan đến khối lượng dựa vào nhóm chỉ báo khối lượng (Volume Indicators).

Nhóm chỉ báo Volume Indicators

Khối lượng giao dịch (Volume) được hiểu một cách đơn giản là số lượng cổ phiếu được chuyển nhượng trên thị trường trong một thời gian nhất định (có thể là giờ, ngày, hoặc tuần…). Theo phân tích kỹ thuật (PTKT), khối lượng là một trong số những yếu tố quan trọng, bao gồm rất nhiều thông tin có giá trị cho nhà đầu tư. Sự gia tăng hay suy giảm trong khối lượng mang ý nghĩa xác nhận hoặc cảnh báo sự đảo chiều trong xu hướng.
Nhóm chỉ báo khối lượng (Volume Indicators) được xem làm công cụ phân tích khối lượng hiệu quả. Nhóm này dựa trên khối lượng hoặc lấy khối lượng làm yếu tố trung tâm để tính toán, do đó có thể lấy được những “thông tin” mà các chỉ báo khác không nắm bắt được. Hai tín hiệu quan trọng từ Volume Indicators là: Tín hiệu xác nhận sự tiếp tục của xu hướng hiện tại và tín hiệu cảnh báo các khoảng thời gian đảo chiều tiềm năng. Nhóm này có những đặc tính khá giống Momentum Indicators (được phân tích trong chuỗi bài Kinh nghiệm đầu tư - Nhóm chỉ báo Momentum).
Bài viết giới thiệu một số chỉ báo phổ biến của nhóm Volume Indicators và tập trung vào tín hiệu xác nhận xu hướng hiện tại. Trên thực tế có rất nhiều ứng dụng và phương pháp phân tích khác như: Tín hiệu phân kỳ, mẫu hình trong Volume Indicator… Các kỹ thuật này sẽ được giới thiệu chi tiết trong các bài viết sau của chuỗi bài Kinh nghiệm đầu tư - Nhóm chỉ báo Volume Indicators.

Average Volume

Average Volume – Giá trị trung bình của khối lượng là chỉ báo phân tích kỹ thuật về khối lượng thuộc loại cơ bản nhất. Công thức tính giống như các đường Simple Moving Average (SMA):
Do sự biến động khối lượng trong từng phiên thường bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau nên có sự trồi sụt và khó dự báo, so sánh. Vì thế, Average Volume được sử dụng để sang bằng những biến động này và được xem như cơ sở so sánh cho khối lượng. Thông thường, sự gia tăng trong giá sẽ được xác nhận bởi sự gia tăng trong khối lượng (vượt trên giá trị trung bình).
Biến động của VIC từ tháng 01/2016 đến 04/2018
Nguồn: VietstockUpdater
Hình trên thể hiện cho diễn biến giá VIC. Từ cuối tháng 08/2017, giá VIC hình thành xu hướng tăng mới, tại đây khối lượng bắt đầu tăng trưởng và liên tục nằm trên khối lượng giao dịch bình quân 20 kỳ (đường màu đỏ trong hình). Việc khối lượng duy trì ở mức cao là tín hiệu xác nhận quan trọng về giai đoạn tăng trưởng đang mạnh và sẽ tiếp tục.

On Balance Volume (OBV)
On Balance Volume (OBV) là một Volume Indicator khá phổ biến được tạo thành từ việc kết hợp giá và khối lượng. Chỉ báo này cho thấy tín hiệu xác nhận hoặc cảnh báo về xu hướng hiện tại. OBV cho rằng sự tăng trưởng hoặc suy yếu của giá trong phiên sẽ thuộc hoàn toàn về sức mạnh của bên mua hoặc bên bán, cụ thể:
  • Nếu giá đóng cửa hôm nay cao hơn hôm qua thì OBV cho rằng toàn bộ khối lượng giao dịch hôm nay thể hiện bởi bên mua/ người mua.
  • Nếu giá đóng cửa hôm nay thấp hơn hôm qua thì OBV cho rằng toàn bộ khối lượng giao dịch hôm nay thể hiện bởi bên bán/ người bán.
Công thức thiết lập OBV được thể hiện như sau:
Nguồn: Trading Systems and Methods, + Website, của Perry J. Kaufman
Theo công thức trên, OBV không có bất kỳ giới hạn trên và dưới nào. Sự biến động của OBV thể hiện nhiều thông tin được bao gồm trong giá, khối lượng như: Tín hiệu xác nhận và cảnh báo sớm cho sự đảo chiều.
Biến động của NLG từ tháng 01/2016 đến 04/2018
Nguồn: VietstockUpdater
Hình trên thể hiện đồ thị NLG, OBV có biến động gần giống biến động của giá, khi giá hình thành xu hướng tăng trung dài hạn từ tháng 03/2017 thì OBV cũng có xu hướng tăng trưởng tương ứng. Đây được xem là tín hiệu xác nhận cho sự đi lên của NLG.
Biến động của CTG từ tháng 01/2016 đến 04/2018
Nguồn: VietstockUpdater
Nếu xu hướng của OBV và giá đi chuyển ngược chiều, tức giá đi lên nhưng OBV đi xuống thì đó là cảnh báo quan trọng về khả năng đảo ngược trong xu hướng, đặc biệt, OBV thường đạt đỉnh trước giá. Hình trên thể hiện đồ thị CTG, sự bứt phá của CTG từ tháng 03/2018 không được xác nhận từ OBV, qua đó xuất hiện tín hiệu cảnh báo về sự đảo chiều, xu hướng giảm bắt đầu hình thành từ tháng 04/2018. Đỉnh của OBV xuất hiện trước đỉnh CTG khoảng 1 tháng.

Money Flow Index (MFI)

Money Flow Index (MFI) được tính toán gần giống OBV nhưng thay vì sử dụng giá đóng cửa MFI sử dụng Typical Price (giá trung bình của giá cao nhất, giá thấp nhất, và giá đóng cửa). Một điểm nổi bật của MFI so với OBV là được chuẩn hóa giá trị dựa vào cách tính RSI, giá trị MFI biến động từ 0 đến 100. Công thức được thể hiện như sau:
Nguồn: Trading Systems and Methods, + Website, của Perry J. Kaufman
Việc sử dụng Typical Price với các giá cao nhất và thấp nhất trong cách tính nhằm tận dụng những “thông tin” được bao hàm trong các mức giá này, qua đó cải thiện khả năng dự báo của MFI.
Biến động của BVH từ tháng 03/2013 đến 09/2014
Nguồn: VietstockUpdater
Biến động của MFI trên đồ thị giá BVH giúp xác nhận xu hướng tăng/ giảm của BVH trong khung thời gian ngắn hạn.
Trần Trương Mạnh Hiếu
FiLi