FxPro.com : Cập nhật tin tức vàng ngày 15/05.

20 năm nữa thế giới sẽ cạn kiệt vàng

Sản lượng khai thác vàng hiện nay ở mức gần 3.100 tấn/năm. Điều này có nghĩa trong vòng chưa đầy 20 năm nữa, trữ lượng vàng toàn cầu sẽ cạn kiệt.


Năm 2016, các nhà khảo cổ học tại Bulgari phát hiện một mẩu vàng nhỏ có đường kính chỉ 1/8 inch. Họ tin rằng, đây là mẩu vàng có tuổi đời lâu nhất thế giới, được khai thác và tinh luyện từ năm 4600 trước Công Nguyên. Nhiều người tự hỏi, trải qua hàng thiên niên kỷ, con người khai thác bao nhiêu tấn vàng? Trữ lượng vàng trên thế giới còn bao nhiêu?

Theo Hội đồng vàng Thế giới, cho đến nay con người đã khai thác khoảng 190.000 tấn, tương đương gần 77% tổng dự trữ vàng toàn cầu. Hầu hết số vàng này này được dùng để tinh luyện thành các sản phẩm như trang sức, vàng xu, vàng thỏi. Số nhỏ còn lại dùng để chế tạo bộ phận bán dẫn trong các thiết bị điện tử.

Theo số liệu từ The Statistics Portal, vàng được sử dụng làm trang sức chiếm tới hơn một nửa đạt 52,4%, vàng thỏi và vàng xu chiếm 25,29%. Trong khi đó, vàng dùng để sản xuất thiết bị bán dẫn chỉ chiếm 9,1%.

Một điều khá thú vị là phần lớn số vàng này chủ yếu được khai thác trong nửa thế kỷ qua. Càng về sau, sản lượng khai thác vàng càng tăng mạnh. Các nhà khoa học tin rằng 6.800 năm đầu tiên kể từ khi phát hiện ra vàng, thế giới mới chỉ khai thác khoảng 20.000 tấn kim loại quý này. Tuy nhiên, 100 năm sau đó, lượng vàng khai thác tăng gấp 3 lần lên 60.000 tấn và 300 năm sau con số này tăng lên 90.000 tấn.

Mặc dù Ấn Độ luôn được biết là quốc gia tiêu thụ nhiều vàng nhưng thực tế đây không phải là quốc gia nắm giữ nhiều vàng nhất thế giới. Theo tờ Escapehere, Mỹ đang là quốc gia nắm giữ nhiều vàng nhất thế giới đạt 8.133,5 tấn. Đức và Italy đứng thứ 2 và 3 với lượng vàng lần lượt đạt 3.390,6 và 2.451,8 tấn. Trong khi đó, Ấn Độ chỉ xếp thứ 10 trong bảng xếp hạng này.

Với tốc độ khai thác như vậy, trữ lượng vàng trên thế giới còn lại bao nhiêu? Theo ước tính của Hội đồng vàng Thế giới, chỉ còn khoảng 54.000 tấn vàng nằm ở độ sâu vừa phải có thể khai thác được.

Sản lượng khai thác vàng hiện nay ở mức gần 3.100 tấn/năm. Điều này có nghĩa trong vòng chưa đầy 20 năm nữa, trữ lượng vàng toàn cầu sẽ cạn kiệt. Khi nguồn vàng ngày giảm, chi phí dò tìm và khai thác trở nên đắt đỏ hơn. Điều này sẽ gây áp lực lên lợi nhuận doanh nghiệp. Năm 2004, công ty Barrick Gold cho biết chi phí trung bình để khai thác 1 ounce vàng khoảng 300 USD. Đến năm 2011, con số này được đẩy lên hơn gấp đôi ở mức 630 USD/ounce và năm 2014 là 800 USD. Tuy nhiên sau đó, chi phí giảm nhẹ xuống còn 780 USD/ounce vào năm ngoái.

Tương tự đối với công ty khai thác vàng khác như Newmont Mining. Theo đó, chi phí khai thác của công ty này năm 2004 là 278 USD/ounce, sau đó tăng lên mức 752 USD/ounce vào năm 2014 và 922 USD/ounce năm 2017.

Trong vài năm tới, chi phí khai thác sẽ còn tăng mạnh hơn nữa khi các mỏ vàng ngày một cạn kiệt. Doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động khai thác khi khách hàng vẫn chấp nhận mức giá cao mà họ đưa ra.

Nỗi quan ngại về dự trữ vàng không còn nhiều gợi nhắc cho các nhà đầu tư nỗi lo trữ lượng dầu toàn cầu sắp cạn kiệt cách đây 10 năm trước. Khi đó, giá dầu tăng mạnh vượt 100 USD/thùng. Một số nhà phân tích Goldman Sachs dự báo giá dầu có thể tăng lên ngưỡng 200 USD/thùng khiến sản lượng khai thác toàn cầu đạt kỷ lục. Nhiều người lo ngại rằng trữ lượng dầu chưa được khai thác chỉ còn lại rất ít. Dĩ nhiên, nỗi lo đó không trở thành hiện thực và giá dầu giảm dần xuống còn 40 USD/thùng vào năm 2016.

Liệu điều tương tự có xảy đến với vàng? Tất cả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.