Hybrid View
-
30-03-2018 04:16 PM #1
GDP quý I đạt mức 7,38% cao nhất trong 10 năm trở lại đây
KINH TẾ THẾ GIỚI
1. Chứng khoán Mỹ trải qua quý giảm điểm đầu tiên sau gần 10 năm
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/3, Dow Jones đã giảm 2,5% theo quý, S&P 500 cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi mất 1,2% trong quý. Những biến động mạnh về chính sách trong quý đầu tiên của năm 2018 là nguyên nhân gây ra đà sụt giảm: (1) việc FED tăng lãi suất vì sự ổn định của kinh tế Mỹ là nguyên nhân khiến dòng tiền bị rút khỏi thị trường chứng khoán; (2) hàng loạt bê bối của các công ty công nghệ Mỹ, bao gồm loạt tai nạn với xe tự lái hay bê bối rò rỉ dữ liệu của mạng xã hội Facebook làm dấy lên những lo ngại về sự gia tăng quy định kiểm soát các công ty công nghệ; (3) các nhà đầu tư lo lắng về tác động kinh tế và lạm phát bởi cuộc chiến tranh thương mại tiềm năng giữa Mỹ và Trung Quốc hoặc trên quy mô toàn cầu.
2. Trung Quốc cảnh báo sẽ có biện pháp bảo vệ lợi ích thương mại của mình
Sau khi tổng thống Trump công bố kế hoạch áp thuế lên tới 60 tỷ USD vào hàng hóa Trung Quốc, Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo về biện pháp nhằm bảo vệ lợi ích thương mại của mình. Theo đó, Trung Quốc buộc tội Mỹ đã vi phạm quy tắc thương mại với cuộc điều tra về sở hữu trí tuệ và công bố kế hoạch áp thuế bổ sung lên tới 3 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ để phản ứng với các mức thuế của Mỹ đối với thép và nhôm. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia dự báo Trung Quốc có thể áp thuế cho nhiều sản phẩm của Mỹ bao gồm các mặt hàng như đậu nành, khoai tây chiên hay thậm chí máy bay.
Căng thẳng giữa hai nước có thể gây thiệt hại cho các nhà sản xuất phần cứng như Apple, vốn đang lắp ráp phần lớn các sản phẩm tại Trung Quốc, hàng điện tử và công nghệ là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Mỹ từ Trung Quốc.
Mức thuế cao của Mỹ sẽ dẫn đến chi phí cao hơn và cuối cùng gây tổn hại cho người tiêu dùng Mỹ, trong khi những hạn chế đối với đầu tư của Trung Quốc có thể lấy đi việc làm ở Mỹ.
3. Grab thâu tóm Uber khu vực Đông Nam Á và mối lo ngại về thị trường cạnh tranh taxi
Ngày 25/3 Uber Technologies phát đi thông báo xác nhận bán mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho đối thủ Grab, đánh dấu sự rút lui thứ 2 tại châu Á. Theo thỏa thuận, Uber sẽ bán toàn bộ mảng kinh doanh tại thị trường 620 triệu dân này, kể cả dịch vụ giao đồ ăn Uber Eats cho Grab, đổi lại họ sẽ nhận 27,5% cổ phần trong Grab. Từ 8/4, toàn bộ khách hàng và tài xế dùng Uber sẽ chuyển qua ứng dụng của Grab. Các tài xế của Uber cũng có thể ngay lập tức gia nhập vào đội ngũ của Grab ngay khi họ chấp thuận tham gia.
Với việc sáp nhập này, Grab đang gây ra sự quan ngại sâu sắc về khả năng thao túng giá taxi trên thị trường Đông Nam Á. Tại Singapore, Uỷ ban quản lý cạnh tranh Singapore cũng yêu cầu Grab, Uber gửi báo cáo, làm rõ chi tiết về thoả thuận mua lại giữa hai doanh nghiệp này. Tại Việt Nam, Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã có công văn yêu cầu Grab cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á để đánh giá mức độ tuân thủ luật cạnh tranh.
KINH TẾ VIỆT NAM
1. GDP quý I đạt mức 7,38% cao nhất trong 10 năm trở lại đây
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, GDP quý I vốn có quy luật tăng trưởng rất khiêm tốn đã tăng kỷ lục đạt mức 7,38%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân của tăng trưởng vượt bậc này nhờ (i) quý I/2018 vẫn giữ được đà tăng trưởng của 6 tháng cuối năm 2017, quy mô GDP quý I thường nhỏ nên tiếp nhận được đà tăng trưởng này; (ii) 3 tháng đầu năm nay không bi ảnh hưởng nhiều bởi tính mùa vụ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo là ngành có mức tăng trưởng ấn tượng 13,56% cao nhất trong 7 năm gần đây.
Về chỉ số sản xuất, sản phẩm điện tử, máy tính, quang học có chỉ số sản xuất tăng đến 29,3% cao nhất trong các nhóm ngành. Trong khi đó, chỉ số sản xuất ngành khai khoáng nhìn chung tăng thấp hoặc giảm nhẹ.
Tính chung 3 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 792,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước cao hơn mức tăng 7,38% của quý I/2017.
2. Đến 15/3 ngân sách chỉ bội thu 6,3 nghìn tỷ đồng
Theo số liệu của Tổng tục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2018 ước tính đạt 232,2 nghìn tỷ đồng, bằng 17,6% dự toán năm. Trong đó thu nội địa đạt 185,6 nghìn tỷ đồng, bằng 16,9%; thu từ dầu thô đạt 10,7 nghìn tỷ đồng, bằng 29,9%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 35,8 nghìn tỷ đồng, bằng 20%.
Trong khi đó, tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2018 ước tính đạt 225,9 nghìn tỷ đồng, bằng 14,8% dự toán năm. Trong đó chi thường xuyên đạt 183 nghìn tỷ đồng, bằng 19,5%; chi đầu tư phát triển đạt 17,5 nghìn tỷ đồng, bằng 4,4% dự toán năm; chi trả nợ lãi 24,9 nghìn tỷ đồng, bằng 22,1%.
Như vậy tính từ đầu năm đến hết 15/3, ngân sách bội thu 6,3 nghìn tỷ đồng. Trong khi theo dự toán ngân sách năm 2018 mà Quốc hội đã phê duyệt, mức bội chi ngân sách cả năm là 204 nghìn tỷ đồng, bằng 3,7% GDP.
TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG
1. Lợi nhuận của các NHTM đạt kết quả tích cực trong quý I/2018
Ngày 28-29/3, một số ngân hàng thương mại tiến hành đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 cho thấy kết quả kinh doanh ấn tượng trong các tháng đầu năm.
Ngân hàng Quốc tế (VIB) đang là trường hợp tạo ấn tượng mạnh khi lợi nhuận quý 1/2018 ước tính đạt 500 tỷ đồng gấp ba lần cùng kỳ năm trước, kỳ vọng lợi nhuận cả năm đạt 2.000 tỷ đồng. Đáng chú ý ở VIB là tăng trưởng tín dụng của khối bán lẻ đã đạt 13%.
Ngân hàng Quân đội (MB) ước tính lợi nhuận trước thuế tối thiểu 1.600 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 44% so với cùng kỳ 2017, kế hoạch chỉ tiêu lợi nhuận cả năm đạt 6.800 tỷ đồng tương ứng tăng trưởng 47%.
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPB) ước đạt lợi nhuận hơn 500 tỷ đồng quý I/2018, hoàn thành khoảng 28% kế hoạch cả năm và tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện tượng tăng trưởng lợi nhuận đột biến năm 2017 HDBank cũng tiếp tục duy trì thể hiện tốt khi ước tính lợi nhuận quý I/2018 đạt khoảng 1.050 tỷ đồng, dự kiến chốt tỷ lệ cổ tức lên tới 30% trình đại hội cổ đông vào ngày 21/4 tới.
2. NHNN hút mạnh tiền về, lãi suất liên ngân hàng vẫn giảm
NHNN đã hút tiền về trong 5 tuần liên tiếp kể từ sau Tết nguyên đán với tổng lượng hút ròng lên tới gần 144 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng vẫn hấp thụ hết khối lượng lớn tín phiếu được phát hành ra cho thấy thanh khoản các ngân hàng vẫn đang trong trạng thái tích cực. Lãi suất ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm với lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần giảm về mức 0,99%/năm, lãi suất kỳ hạn 2 tuần về mức 1,21%/năm. Nguyên nhân được đánh giá là nhờ lượng tiền nhàn rỗi sau Tết đang có xu hướng quay trở lại hệ thống ngân hàng.
Theo thông tin của NHNN, lạm phát cơ bản hiện nay là 1,36% thấp hơn quy định chung trong năm nay là từ 1,6-1,8%. NHNN khẳng định sẽ theo dõi sát diễn biến của lạm phát cơ bản, thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 17% tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp cân đối tiền hàng hỗ trợ cho tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.
3. Tăng trưởng tín dụng quý I đạt 2,23%, giảm nhẹ so với cùng kỳ
Theo số liệu Tổng cục Thống kê đến thời điểm 20/3/2018, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,23% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm trước tăng 2,88%); huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng 2,20% (cùng kỳ năm trước tăng 2,43%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,23% (cùng kỳ năm trước tăng 2,81%). Báo cáo của cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ cho thấy tăng trưởng tín dụng quý 1 của Hà Nội ước khoảng 2,04%; trong khi tăng trưởng tín dụng của TP.HCM ước khoảng 3%.
Tổng cục Thống kê đánh giá, lãi suất huy động hiện nay khá ổn định với lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,6%-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3%-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3%-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5%-7,3%/năm.
Trong khi đó, hiện mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến của các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6%-6,5%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8%-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3%-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đặc biệt, đối với nhóm khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4%-5%/năm.
Nguồn: research.lienvietpostbank.com.vn/ban-tin-tai-chinh-tuan-4-thang-32018
Thông tin của chủ đề
Users Browsing this Thread
Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)
Similar Articles
-
PXS: Lãi ròng quý 2 cao nhất trong 14 quý qua
By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hìnhTrả lời: 3Bài viết cuối: 21-07-2016, 02:35 PM -
Phân tích kỹ thuật phiên chiều 13/07/2015: MACD của VN-Index đạt mức cao nhất trong 2 năm qua
By traderviet in forum BlogTrả lời: 0Bài viết cuối: 14-07-2015, 11:54 AM -
STB, VNM và VIC chiếm tỷ trọng cao nhất trong danh mục đầu tư của Quỹ ETF VFMVN30
By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hìnhTrả lời: 1Bài viết cuối: 18-07-2014, 10:34 AM -
HAG: Quý 1, tiền mặt giảm nghìn tỷ, nợ tăng, lãi cao nhất trong 13 quý
By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hìnhTrả lời: 2Bài viết cuối: 15-05-2014, 11:21 PM -
GDP quý 1 tăng cao nhất trong 3 năm
By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hìnhTrả lời: 1Bài viết cuối: 25-03-2014, 11:50 AM
Bookmarks