Trong 5 năm tới, nhu cầu đầu tư ngành nước lên tới 10 tỉ USD
22/09/2017
Google BookmarkFacebookTwitterPrintMore
Từ 2017-2019, Nhà nước sẽ tiến hành thoái vốn dần dần trên 57 công ty thuộc ngành cấp thoát nước, trải dài từ Hậu Giang đến Lạng Sơn.



Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Sơn Phạm)

Tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cùng Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cung cấp gói tín dụng trị giá 3.650 tỷ đồng để hỗ trợ Sawaco triển khai dự án cấp nước sạch cho người dân TP.HCM. Trước đó, vào giữa tháng 3, Nhà máy nước mặt Sông Đuống tại Hà Nội đã được khởi công xây dựng, có tổng giá trị đầu tư giai đoạn 1 lên đến hơn 5.000 tỷ đồng, với Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI) là cổ đông góp vốn.

Những năm qua, ngành nước liên tục nhận được sự chú ý đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như các quỹ đầu tư. Trong bối cảnh đó, Quyết định 1232/QĐ-TTg được ban hành vào ngày 17/8/2017 đã công bố danh mục thoái vốn nhà nước đến năm 2020 mở ra một cơ hội lớn cho việc kiểm soát và thống trị ngành nước toàn quốc.

Cơ hội duy nhất

Theo quyết định này, trong 3 năm, từ 2017-2019, Nhà nước sẽ tiến hành thoái vốn dần dần trên 57 công ty thuộc ngành cấp thoát nước, trải dài từ Hậu Giang đến Lạng Sơn. Trong số này, có 24 công ty được bán với tỷ lệ sở hữu hơn 50% vốn điều lệ, phần còn lại, 33 công ty sẽ thoái vốn ở tỷ lệ thấp hơn.
Điểm đáng chú ý trong danh mục này là việc bán toàn bộ 98% cổ phần của Tổng Công ty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam (Viwaseen). Đây là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng cấp thoát nước. Với tỷ lệ chi phối tại 10 công ty con trong ngành xây dựng cấp thoát nước trong đó có Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Cấp thoát nước (Waseco), việc sở hữu Viwaseen sẽ đem đến cơ hội thống trị phân khúc xây dựng hạ tầng nước tại 2 đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM.

Bên cạnh đó, danh mục còn có 47 công ty hoạt động trong lĩnh vực cấp thoát nước. Hệ thống đường ống có sẵn của các công ty này sẽ giúp cho việc truyền tải nước thuận tiện, tiết kiệm chi phí và đảm bảo khả năng thành công chiếm lĩnh thị phần cho các tổ chức mua lại sau này. Theo đó, 10 công ty sản xuất nước sạch trong danh sách thoái vốn, tại các địa phương trọng điểm như Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Ninh Bình, Vĩnh Phúc là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch.

Lâu nay, đầu tư ngành nước được ví như chuyện “con gà và quả trứng”, theo như chia sẻ của ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII). Bởi vì, nhà đầu tư gặp rủi ro khi bỏ vốn để phát triển mạng lưới ống nước nhưng không có người sử dụng, còn ở nơi có người dùng rồi mới đưa hệ thống tới thì rủi ro là người sử dụng không từ bỏ hệ thống hiện tại để chuyển sang hệ thống mới.



Chẳng hạn, ông Trương Khắc Hoành, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hạ tầng Nước Sài Gòn (Saigon Water), thống kê sau hơn 2 năm đầu tư các giải pháp cấp nước, tổng số vốn bỏ ra đã hơn 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, người sử dụng nước còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao. Điều đáng nói là trong số hơn 70.000 đồng hồ nước lắp đặt đến tận nhà dân thì có đến 36.000 đồng hồ không sử dụng nước liên tục trong 6 tháng, chiếm tỷ lệ 51%.

Vì vậy, cơ hội thoái vốn của Nhà nước giúp nhà đầu tư có thể sử dụng hệ thống hiện có để tối ưu hóa hoạt động cấp thoát nước, đầu tư mới. Ngoài ra, đặc thù của ngành nước là thị phần thường được giữ cố định cho người đầu tiên thâm nhập. Đây là lợi thế cho người đi tiên phong, đồng thời cũng là khó khăn cho những người đến sau. Chính vì vậy, việc có thể sở hữu những người đi tiên phong, đang nắm giữ thị phần tại các địa phương là một lợi thế rất lớn, chỉ duy nhất một lần mà cuộc thoái vốn này mang lại. Một chuyên gia tín dụng tại Công ty Quản lý vốn nhà nước cũng cho biết, dư địa cho các dự án cung cấp nước sạch tại TP.HCM nói riêng và trên cả nước nói chung là rất lớn, nhằm đáp ứng mục tiêu của Chính phủ mang nước sạch đến cho người dân.

Đầu tư trọng điểm

Dự báo đến năm 2020 dân số đô thị nước ta đạt 44 triệu người, nhu cầu cấp nước sinh hoạt đô thị cũng tăng lên 9,4-9,6 triệu m3/ngày. Theo đó, nhu cầu vốn để xây các nhà máy nước mới, cải thiện hệ thống nước hiện hữu và các nhu cầu khác vào khoảng 3,3 tỷ USD; nguồn vốn để đầu tư thêm các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị trong 5 năm tới cần đến 6,9 tỷ USD. Trao đổi với phóng viên NCĐT, bà Phương Thảo, Giám đốc Đầu tư của Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai (DNP), khẳng định: “Quyết định 1232 khẳng định về cơ hội đầu tư trong ngành nước mà DNP - Water muốn nắm bắt”.

Đồng quan điểm này là đại diện từ các nhà đầu tư tích cực trong ngành nước như REE, CII và VOI. Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc REE, điện, nước vẫn là mảng đầu tư chiến lược của Công ty trong thời gian tới. Theo kế hoạch kinh doanh năm 2017, xét lợi nhuận sau thuế, mảng cơ sở hạ tầng điện và nước chiếm tỷ trọng cao nhất với kế hoạch 435 tỷ đồng, chiếm 38,2% cơ cấu lợi nhuận. Riêng mảng nước, thu nhập trên vốn chủ sở hữu dự kiến tăng lên ở mức 12% trong vòng 3 năm tới, thay vì mức 8,5% như hiện nay.

Như vậy, các doanh nghiệp đầu tư ngành nước có cơ hội mở rộng đầu tư qua những đô thị khác thông qua việc tham gia các đợt đấu giá những công ty cấp nước địa phương. Ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết, ngành nước được coi là lĩnh vực đầu tư trọng điểm. Riêng năm 2017, ngân hàng này sẽ dành 10.000 tỷ đồng đầu tư cho ngành nước với lãi suất ưu đãi so với các lĩnh vực khác.

Với 3 trên 4 khoản đầu tư trong danh mục thuộc danh sách thoái vốn này, có lẽ DNP là một trong những người mong chờ đợt thoái vốn để tăng tỷ lệ sở hữu nhất. Đặc biệt là Viwaseen, khi DNP đang sở hữu tỷ lệ khiêm tốn 1%, trong khi toàn bộ doanh nghiệp sẽ được chào bán.

Với CII, sau lần vấp ngã ở các công ty liên kết khi không tìm được tiếng nói chung với ban giám đốc dẫn đến phải thoái vốn khỏi các khoản đầu tư trên, Công ty trở nên thận trọng hơn với các khoản đầu tư ngành nước. Tuy vậy, CII vẫn sẽ cân nhắc việc mua lại những khoản thoái vốn trong danh sách lần này, khi cổ phần đủ lớn để chi phối và quyết định phương hướng hoạt động của Công ty.

Riêng đối với REE, 5 trên 7 công ty trong danh mục thuộc sở hữu của Sawaco, là những công ty đầu tư ngành nước chỉ riêng tại đô thị TP.HCM. Tuy không có mục tiêu mở rộng đầu tư ra các tỉnh khác, nhưng với kế hoạch thoái vốn của Ủy ban Nhân dân TP.HCM, REE sẽ có cơ hội nắm giữ cổ phần tại công ty mẹ Sawaco khi đợt chào bán công ty này được tiến hành vào năm 2018.

Đối với các quỹ đầu tư và công ty ngoại như VOI và Manila Water, việc đầu tư có thể được thực hiện trực tiếp hoặc thông qua các công ty mà họ nắm giữ cổ phần. Dù bằng cách nào, thì danh sách này đều mở ra cơ hội rất lớn cho việc hiện thực hóa và đẩy nhanh mục tiêu đầu tư vào hạ tầng nước tại Việt Nam của các tổ chức này.
Theo Nhịp cầu Đầu tư