Kinh nghiệm đầu tư - Nhóm chỉ báo Momentum (Phần 3)
Nhóm chỉ báo Momentum (Momentum Indicators) có nhiều phương pháp phân tích và ứng dụng, hai phương pháp quan trọng nhất là phân kỳ và vùng Overbought/Oversold đã được giới thiệu trong các phần trước. Phần 3 của chuỗi bài viết Kinh nghiệm đầu tư - Nhóm chỉ báo Momentum sẽ tập trung vào những kỹ thuật khác. Đây là các kỹ thuật ít được biết đến nhưng lại khá hiệu quả trong việc đầu tư.
Tín hiệu giao cắt với giá trị trung bình
Khi xét đến tín hiệu giao cắt của Momentum Indicators, nhà đầu tư thường nghĩ đến hiện tượng phá vỡ các mốc 30/70 (hàm ý sự đi vào hay đi ra khỏi vùng Overbought/Oversold). Tuy nhiên, tín hiệu phá vỡ mốc giá trị trung bình (Middle Value, giá trị này thay đổi khác nhau với từng chỉ báo) cũng mang ý nghĩa quan trọng. Việc cắt lên hay xuống giá trị trung bình cho thấy sự thay đổi trong xu hướng. Một số nhà đầu tư cho rằng tín hiệu này thuộc nhóm chỉ báo xu hướng tiềm năng và có thể sử dụng tạo nên tín hiệu mua bán như sau:

  • Tín hiệu mua xuất hiện khi chỉ báo cắt lên giá trị trung bình.
  • Tín hiệu bán xuất hiện khi chỉ báo cắt xuống giá trị trung bình.
Hình trên thể hiện đồ thị ngày của VCB trong giai đoạn 12/2016-10/2017 với chỉ báo RSI. Giá trị trung bình của chỉ báo RSI là đường 50. Việc RSI cắt lên giá trị trung bình tại các điểm 0, 1, 2, 3 cho tín hiệu mua. Sau các tín hiệu này giá có xu hướng đi lên trong thời gian vài ngày đến vài tháng. Tương tự, khi RSI cắt xuống giá trị trung bình tại các điểm A, B, C tạo tín hiệu bán. Các tín hiệu phá vỡ giá trị trung bình thường xuất hiện tại giai đoạn đầu của quá trình hình thành xu hướng và ít bị nhiễu hơn so với các tín hiệu giao cắt từ vùng Overbought/Oversold.
Phân tích mẫu hình trên nhóm chỉ báo Momentum
Kỹ thuật này đề nghị áp dụng những phương pháp phân tích trên đồ thị giá cho Momentum Indicators. Tức sử dụng đường trendline, các mẫu hình hai đỉnh, hai đáy, lá cờ, tam giá… hay thậm chí là các ngưỡng kháng cự, hỗ trợ trên Momentum Indicators để tìm ra xu hướng của nhóm này, qua đó xác định xu hướng của đồ thị giá.
Hình trên thể hiện đồ thị ngày của VN-Index trong giai đoạn 04/2014-09/2015 với chỉ báo RSI. Sử dụng đường trendline để xác định xu hướng của chỉ báo RSI qua đó dự báo xu hướng VN-Index.
Đường trendline số 4 cho thấy xu hướng tăng của RSI trong giai đoạn từ tháng 05/2014 đến tháng 09/2014. Khi RSI phá vỡ đường trendline số 4 (tại điểm I) thì xu hướng điều chỉnh trên RSI được xác nhận. Đồng thời, tín hiệu này cũng cho thấy khả năng xu hướng tăng của VN-Index có dấu hiệu đảo ngược (xu hướng tăng của VN-Index bị đảo ngược ngay sau đó tại điểm II khi đường trendline số 5 bị phá vỡ). Tín hiệu phá vỡ xu hướng của chỉ báo RSI xuất hiện sớm hơn (tại điểm I) so với tín hiệu đảo chiều trên VN-Index (tại điểm II).
Kết quả tương tự cũng xuất hiện trong giai đoạn từ tháng 02/2015 đến tháng 05/2015. RSI phá đường trendline 6 xác nhận xu hướng phục hồi (tại điểm III) sớm hơn so với tín hiệu phá vỡ đường trendline số 7 từ VN-Index (điểm số IV).
Điều chỉnh RSI - Adjust RSI
Momentum Indicators thường bị nhiễu khi có xu hướng (xem phần 2), hay hoạt động kém hiệu quả khi giá trong xu hướng tăng hoặc giảm mạnh. Ví dụ, trong giai đoạn tăng mạnh thì Momentum Indicators thường dao động tại phần trên quanh vùng Overbought và khó chạm được vùng Oversold để cho tín hiệu mua hay bán.
Vì vậy, các nhà phân tích kỹ thuật đề nghị khi thị trường có xu hướng mạnh, nên hiệu chỉnh lại RSI (Adjust RSI) cho phù hợp. Việc hiệu chỉnh sẽ tăng cường chất lượng tín hiệu mua hoặc bán đồng thời giảm nhiễu. Ví dụ, trong xu hướng tăng mạnh thay vì sử dụng các mốc 30/70 làm giới hạn cho vùng Oversold/Overbought thì nhà đầu tư có thể sử dụng các mốc khác như 40/90 để xác định vùng Oversold/Overbought.
Hình trên thể hiện đồ thị ngày của MWG trong giai đoạn 09/2016-01/2018 với chỉ báo RSI và Adjust RSI. Trong đó, Adjust RSI được tính toán như RSI nhưng vùng Oversold/Overbought được điều chỉnh lại tại mốc 45/85 thay vì 30/70 như thông thường.
Từ tháng 05/2017 đến tháng 11/2017, MWG hình thành xu hướng tăng mạnh. Chỉ báo RSI liên tục giao cắt với vùng Overbought và tạo tín hiệu nhiễu (vùng màu tím), chỉ báo này không chạm vào vùng Oversold để cho tín hiệu mua. Tuy nhiên, khi điều chỉnh lại vùng Overbought/Oversold với chỉ báo Adjust RSI thì hiện tượng nhiễu đã bị loại bỏ (hình chữ nhật màu xanh lá cây) và 2 lần Adjust RSI chạm vào vùng Oversold (tại thời điểm V và VI) đều cho tín hiệu mua tốt hơn.
Ngoài những phương pháp trên các nhà phân tích kỹ thuật còn có rất nhiều cách phân tích khác với Momentum Indicators như Failure Swings, Reversals... Việc nắm bắt đặc điểm, ưu nhược điểm của nhóm chỉ báo này sẽ giúp nhà đầu tư có thể tối ưu hóa lợi nhuận và quản lý rủi ro một cách hiệu quả nhất.
Trần Trương Mạnh Hiếu, Phòng Tư vấn Vietstock
FiLi
Kinh nghiệm đầu tư - Nhóm chỉ báo Momentum (Phần 1)
Kinh nghiệm đầu tư - Nhóm chỉ báo Momentum (Phần 2)