Tuần trước, thế giới chứng kiến giá của đồng bitcoin tăng vọt mà một trong những nguyên nhân chính là do thị trường hào hứng với triển vọng của tiền số sau khi hợp đồng tương lai bitcoin chính thức được giao dịch trên phố Wall. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, nếu xét theo khối lượng giao dịch thì trung tâm của thị trường tiền số lại nằm ở tận bên kia bán cầu: khởi đầu là ở Trung Quốc, trước khi làn sóng lan sang Nhật Bản và điểm nóng mới nhất chính là Hàn Quốc.
Không giống như những cơn sốt trên thị trường tài chính mà ví dụ gần nhất là bong bóng dot-com vào những năm 1990 - khi đến lúc bong bóng gần vỡ thì các nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Mỹ mới đổ xô mua cổ phiếu công nghệ, lần này các nhà đầu tư nhỏ lẻ (mà đặc biệt hơn là ở châu Á) mới là những người đầu tiên tham gia vào “bữa tiệc”, đẩy giá bitcoin tăng 1.600% kể từ đầu năm đến nay.

Có rất nhiều yếu tố góp phần tạo nên cơn sốt bitcoin ở châu Á. Trong khi tài sản của các cá nhân tăng mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt là ở Trung Quốc và Hàn Quốc, các cơ hội đầu tư sinh lợi ở khu vực này khá hiếm hoi. Thị trường nhà đất cũng như thị trường cổ phiếu đều quá đắt đỏ.

Bên cạnh đó, người châu Á dường như cảm thấy thoải mái với khái niệm tiền số hơn so với các châu lục khác. Đặc điểm này xuất hiện đặc biệt rõ nét ở giới trẻ, những người lớn lên trong thế giới của thương mại điện tử và thanh toán di động.

Năm ngoái Trung Quốc chiếm phần lớn khối lượng giao dịch tiền số trước khi giới chức nước này đưa ra các biện pháp kiềm chế. Ở thời điểm cuối tháng 11, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam chiếm đến gần 80% hoạt động giao dịch bitcoin trên toàn cầu, theo hãng nghiên cứu CryptoCompare. Mỹ chiếm 20%.

Dù các số liệu biến động rất mạnh theo từng ngày, tuần trước có thời điểm Hàn Quốc chiếm tới 20% tổng khối lượng giao dịch. Hàn Quốc có dân số 51 triệu người, trong khi Mỹ có 323 triệu dân.

Lee Sang-chul (32 tuổi) là một trong số hàng triệu người Hàn Quốc hào hứng với bitcoin. Đang kinh doanh nhỏ ở thành phố cảng Busan, Lee chỉ mới tham gia vào thị trường từ tháng 10, khi anh quyết định đổ 100 triệu won (tương đương 92.000 USD) vào tiền số. Kiếm được bộn tiền, Lee gọi đó là quyết định đổi đời.

Kể từ khi đầu tư vào bitcoin, anh đã thuê 2 người về làm việc cho cửa hàng và mua tặng vợ 1 chiếc túi xách Chanel đắt tiền làm quà tặng kỷ niệm ngày cưới.
Lee đặt ra mục tiêu tích lũy nhiều bitcoin nhất có thể với kỳ vọng trong tương lai đồng tiền số này sẽ thay thế các đồng tiền truyền thống.

Ở Hồng Kông, các fan hâm mộ của tiền số đến tham dự sự kiện được quảng cáo là “Bitcoin Bubble Bash”. Hiệp hội Bitcoin Hồng Kông và sàn giao dịch BitMEX đồng tổ chức sự kiện này, tài trợ đồ ăn thức uống cho bữa tiệc ăn mừng “năm thành công nhất trong lịch sử bitcoin”. Khoảng 200 người đã đăng ký tham dự, trong đó có cả giáo viên, nhân viên tư vấn bảo hiểm và môi giới chứng khoán.

Joshua Brown, CEO của quỹ đầu tư có trụ sở tại New York Ritholtz Wealth Management, viết trên blog rằng đây có thể là bong bóng đầu tiên trong lịch sử không khởi đầu từ giới ngân hàng.

Cơn sốt bitcoin ở Hàn Quốc khiến đồng tiền này thường được giao dịch ở mức giá cao hơn so với các nước khác. Khi bitcoin lập đỉnh 17.000 USD theo Coindesk, giá bitcoin trên Bithumb là sàn giao dịch tiền số lớn nhất Hàn Quốc lên đến gần 25.000 USD. Hai sàn khác là Coinone và Korbit cũng niêm yết mức giá trên 20.000 USD.

Giới chức châu Á đã phải lên tiếng cảnh báo về cơn sốt bitcoin. Trung Quốc đã ra lệnh cấm các sàn giao dịch tiền số cũng như hoạt động ICO từ nhiều tháng trước. Và cách đây ít hôm giới chức Hồng Kông lên tiếng cảnh báo một số sàn giao dịch tiền số không được quản lý sẽ vi phạm pháp luật nếu cung cấp hợp đồng tương lai bitcoin và các sản phẩm đầu tư khác có liên quan đến tiền số.

Thủ tướng Hàn Quốc thậm chí nói rằng bitcoin sẽ làm hỏng giới trẻ, “làn sóng lao vào thị trường tiền ảo khiến nhiều người trẻ bị cuốn vào các hành vi gian lận và lừa đảo".