1. BẮT ĐẦU TỪ SỐ 0

Khi tôi học kế toán trong trường đại học, tôi cũng không định hình rằng mình sẽ làm nghề này, hay theo đuổi nó. Đơn giản khi đó tôi chỉ không có nơi nào để đi, trượt mục tiêu mà tôi theo đuổi, đành coi đây như nơi lánh chân tạm thời trong giai đoạn đang mất phương hướng đó.

Trong trường, có khóa học về excel. Nhưng khi đó tôi không hề nghĩ rằng nó có ích. Đơn giản chỉ là những kiến thức đã học từ cấp 3, chẳng hơn. Tôi không biết công việc thực tế sẽ ra sao, làm như thế nào, cần gì… Một phần vì lười, một phần vì không xác định tương lai sẽ ra sao, nên tôi cũng chẳng đi tìm kiến thức này trong thực tế. Quả thực chúng ta chỉ học cái mà chúng ta thực sự cần. Còn khi chưa cần, dù biết nó có ích chúng ta cũng không chịu học. Đây là cái mà tôi ngẫm ra khi nhìn lại quá khứ của mình.

2. ĐẾN VỚI EXCEL

Học xong, tôi thất nghiệp. Tất nhiên rồi, không có kinh nghiệm, vừa không có kiến thức hay biết sử dụng công cụ nào, vừa lười, vừa ***, sẽ chẳng công ty nào nhận một người như thế cả. Bởi vì khi đó tôi không có khả năng tạo ra giá trị cho họ. Vậy thì cớ gì họ phải cho tôi làm việc cùng, phải trả lương cho tôi.

Trong thời gian rảnh rỗi đó, cũng không nhớ là trong bao lâu, có một người thân của tôi nói rằng “có quen một người rất giỏi, chỉ cần dùng excel thôi mà thành cánh tay phải của kế toán trưởng một công ty lớn. Hãy đến học hỏi người đó xem sao”. Tôi nghĩ “người ấy không biết gì về kế toán, vậy mà lại có thể được kế toán trưởng tin cậy và cần đến vậy, chứng tỏ giỏi excel là điều rất lợi hại. Nếu tôi vừa có kiến thức kế toán, vừa giỏi excel như người ấy, có khi tôi còn làm được kế toán trưởng cũng không chừng”. Nghĩ xong, tôi quyết tâm đi gặp người đó để “tầm sư học đạo”, học cái excel ma thuật của người đó. Lúc ấy tôi không tin excel làm được điều thần kỳ đó. Bởi tôi cũng đã học excel, thậm chí còn ở mức giỏi của lớp, và tôi thấy excel chả có gì đặc sắc cả.

3. BÀI HỌC VỠ LÒNG

Trên chặng chặng đường dài tới nhà thầy giáo (gọi là thầy vì người đó là người thầy đầu tiên của tôi), tôi rất bối rối. Không biết mình sẽ học gì, học như thế nào. Tôi chưa bao giờ học cách này. Lần đầu tiên trong đời tôi chủ động đi tìm kiến thức. Cảm giác hồi hộp và lo lắng, pha trộn thêm sự tò mò và hy vọng.

Thầy của tôi, người đã có tuổi. Cả cuộc đời thầy đã hơn 20 năm làm việc với excel. Hẳn phải rất giỏi, rất nhiều kiến thức cao siêu đây. Một con người thật sự đáng để học hỏi – tôi thầm nghĩ vậy. Công việc chính hiện nay của thầy là quản lý kho giúp cho kế toán trưởng. Một cái kho rất lớn và phức tạp. Khối lượng công việc đồ sộ. Nhưng tất cả nằm trong 1 file excel. Thật đáng ngạc nhiên.

Bài học đầu tiên, hóa ra đơn giản hơn tôi tưởng: 20 bài tập, tương đương 20 bài thi excel cuối kỳ ở trường đại học. Tôi làm cái một. Hy vọng vào những thứ cao siêu hơn đang chờ đợi phía trước.

Ngày học tiếp theo, vẫn là 20 bài đó, nhưng yêu cầu khác: không sử dụng cách giải hôm trước, tìm cách giải khác. Lạ nhỉ, tưởng thế là xong rồi chứ. Ra đáp án rồi, cần gì phải dùng cách khác. Thế nhưng tôi vẫn cố gắng cho thầy lời giải mới, với hy vọng chứng minh cho thầy thấy tôi nhiệt tình và ham học.

Ngày học tiếp theo nữa, vẫn là 20 bài đó, vẫn yêu cầu đó: sử dụng cách giải khác. Mệt! nhai đi nhai lại 1 thứ, mà lại bắt tìm cách khác. Tôi hơi nản. Lần này khó đấy. Hai cách là quá nhiều cho 1 bài tập, tôi nghĩ thế. Giờ tìm cách khác tôi chịu. Mà yêu cầu cũng hơi quái dị. Thầy chưa dạy gì cho tôi cả. Toàn bắt tôi tự nghĩ tự làm. Dạy thế này ai chả dạy được. Từ khó khăn, tôi nản chí, bắt đầu nghĩ xấu đi về những thứ mình đang theo đuổi.

Đáp án cho lần thứ 3, chỉ được khoảng 50%, còn lại tôi không tìm ra đáp án. Tôi kệ. Do yêu cầu của thầy quái dị thôi.

Và lần này, tôi nhận được bài học:

Thầy nói là có tới hơn 10 cách giải cho đống bài tập này. Tôi bất ngờ
Thầy nói là thầy chẳng có gì để dạy cho tôi. Tôi càng bất ngờ hơn. Chắc thầy đang đùa.
Thầy nói là tôi chưa thực sự muốn học. Tôi định phản đối.
Thầy nói là thực tế công việc là như vậy. Đôi khi bạn phải làm một thứ lặp đi lặp lại hàng ngày. Và nếu bạn chỉ lặp đi lặp lại 1 cách giải, thì bạn không bao giờ tiến bộ được. Năng suất của bạn chỉ dừng lại ở 1 chỗ. Hiệu quả bạn đạt được chỉ đến thế. Bạn sẽ sớm bị loại khỏi vị trí khi một người khác biết nhiều cách giải hơn, đem lại hiệu quả hơn cho công việc bạn đang làm.
Thế đấy. Khi nhận được đáp án, những thắc mắc trước đó trở nên vô nghĩa. Bạn tự hài lòng với chính mình, tức là bạn đang tự đào thải chính mình. Khi bạn thực sự muốn thay đổi, bạn phải hiểu rằng bạn muốn vượt lên con người của chính bạn trong hiện tại, phải làm được những thứ mà bạn chưa làm được. Bạn muốn khẳng định mình, trước hết phải xuất phát từ nội lực bản thân, đừng chờ đợi người khác giúp đỡ mình. Chỉ khi bạn tự nỗ lực vươn lên, người khác mới biết bạn cần giúp đỡ gì, và bạn có sẵn lòng tiếp nhận sự giúp đỡ của họ không.

(Còn nữa)…