Quoted from “The Normal One"

The Stock Exchange Market & Love. How many types do we have?

Loại thứ nhất là những mã mà ta thấy rõ được sự ấn tượng ngay từ ban đầu từ thương hiệu công ty, ngành nghề cho đến kết quả kinh doanh đều rất ấn tượng. Tất nhiên những mã này rất “hot” ở một mức độ nhất định trên thị trường, bạn có lẽ sẽ không khó để ấn nút “buy” với những mã này. Nhưng đợi một chút, cũng giống như những cô gái kiêu sa không thiếu các chàng bạch mã hoàng tử theo đuổi, họ không thiếu vẻ hấp dẫn để thu hút các anh chàng và họ cũng sẵn lòng cho các anh “cơ hội” nhưng để thực sự chạm đến trái tim của họ thì hẳn là không dễ như vậy. Quay trở lại với thị trường chứng khoán, những mã với đặc điểm như tôi đã nêu sẽ khó có thể làm hài lòng được những trader hay short-term investor, thậm chí ngay cả long-term investor với mục đích đầu tư kiếm lời đơn thuần cũng khó có thể “ăn no ngủ yên” với các mã này mặc dù từ “phũ” hay sự sụt giảm mạnh mẽ là điều hiếm khi xảy ra. Nhìn một ví dụ cụ thể tôi xin phép nhắc đến mã cổ phiếu ANZ – một cái tên có lẽ không ai không biết trên thị trường chứng khoán Australia:

Source: Google Finance

Giả sử bạn và tôi đầu tư vào mã ANZ khoảng tháng 10 năm 2015, tính đến thời điểm này là vừa tròn 2 năm, chúng ta sẽ lãi trung bình tầm 1 AUD trên mỗi cổ phiếu – tương đương khoảng 3.25%, một con số không đến nỗi tồi nhưng nếu không phải là một khoản đầu tư lớn thì với quãng thời gian dài tận hai năm cộng thêm với sự sụt giảm trong năm tài chính 2016 như chúng ta thấy rõ, khoản đầu tư công bằng mà nói đem lại tỷ suất sinh lời không hề hấp dẫn.

Vậy còn loại thứ hai tôi muốn nhắc đến thì hoàn toàn ngược lại so với loại thứ nhất, chúng ta sẽ không thực sự có được ấn tượng mạnh mẽ ngay từ ban đầu từ tên tuổi của công ty cho đến ngành nghề - kết quả kinh doanh và ngay cả biến động của giá cổ phiếu thời điểm trước đó. Nhưng nếu soi xét một cách kỹ hơn thì bạn sẽ nhận ra rằng đây mới thực sự là “mỏ vàng” cho khoản đầu tư của mình. Nó cũng giống như việc các cô gái có vẻ không gây được ấn tượng nhiều lắm, thậm chí là cảm thấy khó gần nhưng nếu bạn có thể phá bỏ được bức tường ngăn cách đó thì đường đến vinh quang có lẽ sẻ trải đầy hoa hồng và rất ngọt ngào. Điều đáng tiếc duy nhất chính là ở đó chỉ có một người chiến thắng mà thôi như văn hóa Tây Phương vậy, sẽ khác so với văn hóa Việt Nam khi chúng ta vẫn nhắc khá nhiều đến nào là Á Quân, Giải Ba hay Tư. Vậy hãy xem những ví dụ cụ thể trên thị trường chứng khoán để chúng ta thấy được sự kỳ diệu này:

Source: Google Finance
Quay trở lại mốc thời gian của tháng 10 năm 2015, nếu chúng ta đầu tư vào mã WHC – một công ty về khai khoáng của Úc, tất nhiên khó lòng nổi danh bằng “tứ trụ ANZ” được, với mức giá vào thời điểm hiện tại chúng ta sẽ có mức tỷ suất lợi nhuận cơ bản lên tới xấp xỉ 258%, và đặc biệt là trong khoảng thời gian hai năm qua WHC duy trì mức tăng trưởng ổn định, không thực sự chịu cú sốc nào cả mặc dù trước đó cổ phiếu công ty đang trên đà giảm.

Source: Google Finance
Một công ty khác cũng cùng ngành nghề khai khoáng với những đặc tính như WHC là SAR, với một khoản đầu tư từ tháng 10 năm 2015 tới nay bạn có thể đã thu về mức tỷ suất lợi nhuận hơn 140% sau hai năm mặc dù trước đó SAR đi ngang và không thực sự cho thấy tín hiệu của một đợt tăng giá mạnh. Điều khác biệt so với WHC là SAR đã lên tới đỉnh giữa năm 2016 trước khi quay đầu giảm nhưng dù sao mức giá vẫn cao hơn khá nhiều nếu bạn mua vào thời điểm cuối 2015.

Source: Google Finance
Một ví dụ nữa tôi xin đưa ra là CAR, mã này khá biến động với những đợt tăng giảm trước tháng 10 năm 2015, nhưng nếu bạn đầu tư vào CAR từ tháng 10 năm 2015 tới nay thì tỷ suất sinh lời là trên 40% - một con số thực sự biết nói nếu so với mức lãi suất ngân hàng luôn dưới 1% của Úc cũng như tỷ lệ lạm phát chỉ khoảng 2-3% mỗi năm của quốc đảo này. CAR khác biệt so với SAR ở việc cổ phiếu này biến động hơn mặc dù nó cũng từng lên tới đỉnh cuối 2016 trước khi quay đầu giảm.
Vậy bạn nghĩ sao về “The Stock Exchange Market & Love"?