Nguồn: fanpage LienVietPostBank Research
1. Bất động sản

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, lượng giao dịch bất động sản trong tháng 9-2017 có chiều hướng chững lại và giảm so với tháng trước do ảnh hưởng của tâm lý kiêng mua nhà trong thời gian này. Tại Hà Nội trong tháng 9/2017 có khoảng 1.200 giao dịch thành công, giảm 11% so với tháng trước. Tại TP.HCM, trong tháng 9 có khoảng 1.300 giao dịch thành công, giảm 7% so với tháng trước, mức giảm nhẹ hơn so với thị trường Hà Nội, giao dịch thành công chủ yếu là phân khúc căn hộ cao cấp với mật độ xây dựng thấp, tỷ lệ không gian xanh lớn, vị trí thuận lợi tại khu vực trung tâm.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, 8 tháng đầu năm 2017 nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục tăng đầu tư FDI vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Lũy kế đến tháng 8/2017, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đang đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI vào Việt Nam với 51 tỷ USD.

Khảo sát mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường JLL cũng nhận định, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản tại Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm ghi nhận sự gia tăng một số thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) của các đối tác Trung Quốc. JLL dự báo có hàng trăm triệu USD đang chờ để đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam ở các phân khúc, bao gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp trong thời gian tới, đặc biệt trong thị trường nhà ở.

2. Vật liệu xây dựng

Theo thống kê của Vụ vật liệu xây dựng, tiêu thụ sản phẩm xi măng tại thị trường nội địa 9 tháng qua ước đạt khoảng 45,28 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) tiêu thụ khoảng 18,9 triệu tấn. Riêng trong tháng 9, sản lượng xi măng tiêu thụ tại thị trường nội địa ước đạt 5,2 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ năm 2016, nhưng tăng nhẹ so với tháng liền kề trước đó. Giá xi măng trong nước đã tăng khoảng 10.000 đồng/tạ do xăng điều chỉnh tăng liên tục trong tháng 9/2017. Xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam 8 tháng năm 2017 đã tăng 20,7% về lượng và 13,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016, đây là diễn biến tích cực trong bối cảnh ngành xi măng phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc và Thái Lan giá rẻ.

Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính của ngành sắt thép trong 98 tháng qua,với lượng xuất khẩu hơn 1,3 triệu tấn, chiếm tới 58% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu. Các sản phẩm Việt Nam có lượng xuất khẩu tăng trưởng tốt là ống thép hàn (tăng 320%), thép xây dựng (tăng 45%), tôn mạ (tăng 24%)...Giá thép xây dựng tăng từ 200-400 đồng/kg

Dự báo trong những tháng cuối năm, tiêu thụ xi măng sẽ khó khăn do nguồn cung trong nước dồi dào, lượng xi măng dư thừa vẫn còn rất lớn, trong khi đó theo nhận định của VSA triển vọng xuất khẩu thép của Việt Nam trong năm 2017 là khả quan bởi dự báo xuất khẩu thép của Trung Quốc trong năm nay có thể giảm do nhu cầu nội địa tăng mạnh để phục vụ các dự án xây dựng cầu đường, thủy điện và giao thông...

3. Tiêu dùng

Triển vọng tăng trưởng ngành tiêu dùng khả quan với các số liệu tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,92% so với tháng trước, cao nhất kể từ tháng 2/2015 trở lại đây do giá xăng và giá thuốc, dịch vụ y tế cùng tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 8 tháng đầu năm 2017 đạt 2.580,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng ngành tiêu dùng chủ yếu đến từ doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ lưu trú, ăn uống.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng ước tính đạt 1.935,6 nghìn tỷ đồng tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, may mặc, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình, phương tiện đi lại đều có doanh thu tăng khá trung bình 8-11%; riêng vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 2,9%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng ước tính đạt 318 nghìn tỷ đồng và tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn mức tăng 8,9% của cùng kỳ năm 2016) do do lượng khách quốc tế và du lịch trong nước 8 tháng năm nay tăng mạnh và hoạt động ăn uống ngoài gia đình không còn bị ảnh hưởng của sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung năm 2016.

Báo cáo Nielsen cũng cho thấy chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong quý II/2017, đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Dự báo những tháng cuối năm 2017 ngành tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng tốt.

4. Sản xuất lắp ráp ô tô

Thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, toàn thị trường ô tô Việt Nam đạt doanh số bán hàng 22.099 xe trong tháng 8/2017 vừa qua, tăng 7% so với tháng 7 và giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xe du lịch đạt 12.568 chiếc, xe thương mại 8.687 chiếc và xe chuyên dụng 844 chiếc. Thống kê của VAMA còn cho thấy, doanh số xe du lịch trong tháng 8/2017 tăng 12%, xe thương mại tăng 2% còn xe chuyên dụng giảm 14% so với tháng trước đó.

Cũng theo báo cáo, doanh số xe lắp ráp trong nước tháng 8/2017 đạt 15.494 xe (tăng 5% so với tháng trước), còn xe nhập khẩu nguyên chiếc là 6.605 xe (tăng 12%). Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến hết tháng 8/2017, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước vẫn giảm 11%, trong khi xe nhập khẩu tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phần lớn người tiêu dùng vẫn có tâm lý chờ đợi giá xe rẻ vào năm 2018, dẫn đến ngại chi tiêu mua xe ngay lúc này.

5. Nông nghiệp

Về trồng trọt, trong 9 tháng đầu năm sản lượng và giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản nhìn chung vẫn tăng trưởng tích cực. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT trong 9 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 14,38 tỷ USD tăng 17,7% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu gạo ước đạt 2,02 tỷ USD (tăng 18,6% so với cùng kỳ), xuất khẩu cà phê ước đạt 2,54 tỷ USD (tăng 1% so với cùng kỳ), xuất khẩu hạt điều ước đạt 2,55 tỷ USD (tăng 25% so với cùng kỳ), xuất khẩu rau quả đạt 2,64 tỷ USD (tăng 44,2% so với cùng kỳ).

Riêng mặt hàng hạt tiêu mặc dù khối lượng xuất khẩu tăng 23% nhưng giá trị giảm 19,2% do giá xuất khẩu 8 tháng bình quân giảm 33,9% so với cùng kỳ, giá nội địa cũng xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua do: (i) niên vụ 2016 – 2017 Việt Nam được mùa hồ tiêu lớn nhất kèm sản lượng tăng cao; (ii) trong nước xuất hiện lượng hồ tiêu khá lớn có nguồn gốc từ Campuchia và (iii) số lượng người mới trồng gia tăng, khi kết thúc vụ thu hoạch đẩy mạnh bán ra để trả chi phí đầu tư ban đầu.

Về chăn nuôi, sản lượng và giá thịt trâu bò, gia cầm nhìn chung vẫn ổn định, trong khi đó giá thịt lợn vẫn ở mức thấp. Giá thịt lợn tăng giảm thất thường từ đầu năm 2017 đến nay khiến các doanh nghiệp/trang trại/hộ chăn nuôi chỉ duy trì ở mức cầm chừng. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT 9 tháng đầu năm, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 2.731,9 nghìn tấn tăng 2% so với cùng kỳ, sản lượng gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 772,7 nghìn tấn tăng 6,1% so với cùng kỳ.

Do ảnh hưởng của mưa bão, ngập úng trên diện rộng cuối tháng 7 đầu tháng 8/2017, sản lượng lúa và hoa màu nhiều địa phương sụt giảm, đặc biệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoại trừ hạt tiêu vẫn tiếp tục duy trì giá thấp, dự báo giá xuất khẩu các mặt hàng gạo, cà phê, điều trong thời gian tới sẽ tăng do nguồn cung thế giới sụt giảm.

6. Lương thực thực phẩm, đồ uống, thuốc lá

Báo cáo Market Pulse của Nielsen cho thấy 6 ngành hàng lớn (nước uống bao gồm bia, thực phẩm, sữa, sản phẩm chăm sóc gia đình, sản phẩm chăm sóc cá nhân và thuốc lá) đều đạt mức tăng trưởng dương trong quý 2/2017, cụ thể: ngành hàng thực phẩm và ngành hàng sữa & các sản phẩm từ sữa cùng đạt mức tăng 8,1 %, sản phẩm chăm sóc nhà cửa 5,7%, ngành hàng đồ uống 5,4%, sản phảm chăm sóc cá nhân 5% và thuốc lá 4,7%. Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê thì chỉ số giá tiêu dùng mặt hàng lương thực tăng 0,31%, thực phẩm tăng 1,64% trong 8 tháng đầu năm 2017.

Thực tế cho thấy chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống có quan hệ tỷ lệ thuận với đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Dự báo của BMI Research thì ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống của Việt Nam sẽ duy trì mức tăng trưởng kép hằng năm cho giai đoạn 2017-2019 là 10,9%. Mặc dù mức tăng trưởng của các ngành hàng tiêu dùng nhanh mang tính chu kỳ, thường tăng mạnh vào giai đoạn giáp Tết nhưng triển vọng tích cực của nền kinh tế cùng xu hướng tăng thu nhập trung bình của người dân Việt Nam là những yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng của ngành trong thời gian tới.

7. Dệt may da giày

Theo số liệu thống kê, tính đến hết nửa đầu tháng 9/2017 kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may đạt 18 tỷ USD tăng 8,6% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 10 tỷ USD tăng 12% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may da giày đạt 1,2 tỷ USD tăng 14,5% so với cùng kỳ. Thị trường Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường chính của Việt Nam.

Ngoài ra, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày của Việt Nam trở thành mặt hàng xuất khẩu triển vọng khi đã có mặt tại 26 quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…

Trong tháng 6/2017, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm xơ sợi tổng hợp, chưa chải thô, chải kỹ hay sơ chế bằng cách khác để xe chỉ, không dệt hoặc hình thức sử dụng khác, làm bằng polyester của Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan. Tuy nhiên, đến tháng 7/2017 Bộ Thương mại Mỹ đã có thông báo chấm dứt điều tra chống bán phá giá với sợi polyester nhập khẩu từ Việt Nam do bên nguyên đơn đưa ra yêu cầu rút đơn kiện.

Với các yếu tố hỗ trợ từ thị trường, Bộ Công thương dự báo những tháng cuối năm xuất khẩu sẽ tăng với các ngành bắt đầu chu kỳ tăng trưởng và có kim ngạch xuất khẩu lớn trong đó bao gồm dệt may, giày dép.

Mặc dù vậy, theo Tổ chức Lao động Quốc tế, 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa và 86% lao động của Việt Nam trong ngành may mặc, da giày sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng tự động hóa, công nghiệp hóa trong ngành.