http://www.nhadautu.vn/gia-dong-tang...sao-d3157.html
Từng hưởng lợi lớn khi giá đồng giảm mạnh trong 3 quý đầu 2016, tuy nhiên khi giá nguyên liệu này tăng vọt trở lại, các doanh nghiệp sản xuất dây cáp điện (với đồng là nguyên liệu chính) lại đang chịu ảnh hưởng nặng.
Giá đồng tăng mạnh, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết sản xuất dây cáp bị ảnh hưởng ra sao?
Trong năm 2016, giá nguyên liệu đồng, nhôm trên thị trường thế giới đã giảm mạnh. Giá đồng lao xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm vào ngày 11/1/2016 ở mức giá 4.381 USD/tấn.

Trong gần hết năm 2016, giá đồng gần như giao dịch ở mức rất thấp. Nguyên nhân chính dẫn đến việc giá đồng giảm mạnh là do nhu cầu của Trung Quốc - quốc gia sử dụng đồng nhiều nhất, chiếm gần một nửa nhu cầu đồng thế giới - giảm mạnh.

Giá đồng nguyên liệu thế giới tăng mạnh từ tháng 11/2016 và duy trì ở mức cao trong những tháng đầu năm 2017. Mặt bằng giá đồng trung bình trong quý I/2017 tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 19% so với giá trung bình của năm 2016.

Trong thời gian gần đây, giá đồng tiếp tục tăng rất mạnh. Sàn Giao dịch Kim loại London ghi nhận giá đồng vào ngày 5/9 đã tăng 1,2% lên 6.917 USD/tấn – mức cao nhất kể từ tháng 9/2014.

Nguyên nhân được đưa ra là do sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và triển vọng tươi sáng của kinh tế Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã tiêu thụ 40% tổng lượng đồng trên toàn thế giới. Chỉ số PMI ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 8 đạt 51,7, là tháng thứ 13 liên tiếp ở trên ngưỡng 50.

Ngoài Trung Quốc, các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đã đẩy nhu cầu tiêu thụ đồng ở nhiều quốc gia châu Á khác tăng lên.

Từng hưởng lợi lớn từ giá đồng giảm mạnh suốt năm 2016, tuy nhiên khi giá nguyên liệu này vọt tăng trở lại, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu này cũng phần nào bị ảnh hưởng.

Trên sàn chứng khoán Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sản xuất dây và cáp điện sử dụng nguyên liệu chính là đồng (và nhôm). Do đó, không quá khó hiểu khi kết quả kinh doanh của họ bị ảnh hưởng bởi diễn biến giá đồng trong thời gian gần đây.


Tỷ suất lợi nhuận gộp các doanh nghiệp sản xuất dây cáp điện (từ quý I/2016 – quý II/2017)
Trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ suất lợi nhuận gộp của hầu hết các doanh nghiệp đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp này đều cho rằng giá đồng, nhôm thỏi đã có những tác động lớn đến kết quả kinh doanh của họ.



Cụ thể, Công ty CP Dây và Cáp điện TAYA Việt Nam (mã TYA) 6 tháng đầu năm doanh thu bán hàng đạt hơn 681,3 tỷ đồng, tăng hơn 9,13% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng của công ty tăng mạnh hơn đà tăng của doanh thu dẫn đến hệ suất biên lợi nhuận gộp chỉ đạt hơn 9,1%, giảm so với mức 10,8% trong cùng kỳ năm ngoái.

Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Dây cáp điện Việt Thái (mã VTH) đạt doanh thu hơn 216 tỷ đồng, tăng đến 143,4% so với 6 tháng cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 3 tỷ đồng, giảm hơn 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là doanh nghiệp có mức tỷ suất lợi nhuận gộp giảm mạnh nhất, theo đó tỷ suất lợi nhuận gộp quý II/2017 của VTH đã giảm xuống 2,9% từ mức 7,72% trong quý II/2016.

Với Công ty CP Cơ điện Trần Phú (mã EMC), doanh nghiệp này có lợi nhuận sau thuế 1,4 tỷ đồng, tăng 656 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2016 nhờ việc chi phí bán hàng và chi phí tài chính giảm. Tuy vậy, tỷ suất biên lợi nhuận gộp trong quý II/2017 của công ty chỉ đạt 10,47%, giảm so với mức cùng kỳ 2016 đạt được là 13,18%.

Trong nhóm doanh nghiệp này, Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi, mã CAV) là doanh nghiệp duy nhất có tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 9,99%, cao hơn so với mức 9,69% của cùng kỳ năm trước. Bản thân CAV cũng cho rằng tác động từ giá nguyên liệu có ảnh hưởng khá lớn tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bởi hiện đồng chiếm tới hơn 70% chi phí nguyên vật liệu để sản xuất sản phẩm của CAV.

Được biết, thời gian lưu trữ đồng của CAV vào khoảng 30-45 ngày, do vậy có độ trễ trong việc phản ánh giá đồng thế giới vào giá nguyên liệu sản xuất của Cadivi và qua đó phản ánh vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này.

Một điểm đáng chú ý khác là CAV có mối quan hệ đối tác lâu năm với các nhà cung cấp chất lượng như CFT, Nikko Copper, GEX. Việc thu mua nguyên vật liệu thường được thực hiện bằng các hợp đồng kỳ hạn hoặc trung bình giá, với nghiên cứu đón đầu xu thế giá nguyên vật liệu trên thị trường, và lợi thế hỗ trợ từ công ty mẹ GELEX (nhà cung cấp chính nguyên liệu đồng cho CAV), CAV có thể linh hoạt trong việc thay đổi giá bán phù hợp với giá thu mua để đảm bảo biên lợi nhuận tốt nhất có thể.


Kể từ khi giá đồng tăng mạnh từ tháng 11/2016, CAV đã thực hiện tăng giá bán ở các mặt hàng dây cáp điện bán ra cho hệ thống đại lý, với mức tăng giá khoảng 20% nhằm tương ứng với mức tăng của giá đồng thế giới từ 1/1/2017.

Do áp dụng các hợp đồng kỳ hạn, trung bình giá trong việc thu mua nên CAV cũng phòng ngừa rủi ro giá nguyên vật liệu biến động mạnh trong kỳ.

Kịch bản nào dành cho giá kim loại đồng trong năm 2017?

Việc nhu cầu đồng tại Trung Quốc tăng nhanh nhưng nằm ngoài tầm dự đoán của thị trường, ông Richard Wilson, Chủ tịch Wood Mackenzie – một công ty nghiên cứu kim loại và năng lượng ở Anh – cho rằng sẽ có đợt điều chỉnh của giá đồng xuống dưới 6.000 USD trong năm nay.

Chuyên gia Shingo Taira, nhà giao dịch Mitsui & Co cho rằng: "Thực tế, nhu cầu đồng không mạnh như thị giá phản ánh tại sàn LME”.

Nhiều nhà phân tích cho rằng tình hình thiếu cung sẽ đổi khác khi thị trường có thể sẽ dư khoảng 74.000 tấn đồng. Amy Li thuộc Ngân hàng Quốc gia Australia ở Melbourne cho rằng, có thể thêm nhiều mỏ đồng bị gián đoạn sản xuất vào cuối nằm 2017, nhưng chắc sẽ không nghiêm trọng và ảnh hưởng tới giá cũng chỉ như hiện tại.

Trong khi đó, một số chuyên gia phân tích khác cho biết, giá đồng sẽ không tăng so với thời điểm hiện tại, họ cho rằng giá đồng giao ngay trong quý IV/2017 trên sàn LME sẽ giảm xuống mức 5.726 USD/tấn.