Trích dẫn Gửi bởi 1nightdream Xem bài viết
Vấn đề “hoàn cảnh”
Joker đã trở thành một trong những nhân vật phản diện (supervillain) được yêu thích nhất. Hắn, được mệnh danh là "Hoàng tử Tội phạm", luôn ám ảnh trong tâm lý mọi người với hình tượng khuôn mặt trắng bệch, kiểu cười nhạo báng và tính cách quái dị làm nên sự đáng sợ, ghê rợn nhưng cũng hấp dẫn vô cùng.
Cuộc đời vốn khắc nghiệt, tàn nhẫn và nhiều cay đắng. Joker hẳn hiểu điều này rõ hơn ai hết. Bạn cần phải nhớ rằng Ironman, Batman, Black Panther... vốn sinh ra trong những gia đình quyền quý, giàu có, kẻ hầu người hạ... Đời họ dù có khổ nhưng dẫu sao đó cũng là một phần do tự nguyện. Joker thì khác. Hắn có cuộc đời khá cay đắng, nhiều bi kịch với người cha nát rượu, người vợ nghiện ngập, sự nghiệp thất bại thảm hại…
Nếu bạn nghĩ những nhân vật kiểu Ironman có thể dạy bạn nhiều hơn Joker thì có thể bạn nhầm. Không có nhiều người trong chúng ta sinh ra đã có điều kiện thật sự tốt, tất cả đều phải chiến đấu cho sự nghiệp, tiền bạc, gia đình ... của mình. Nói cách khác, hầu như tất cả chúng ta đều sinh ra khá “hoàn cảnh”, đều thuộc dạng “nhà nghèo, ba má keo” và đều phải vật lộn để sinh tồn.
Lập luận trên đồng nghĩa với việc bạn phải luôn phấn đấu để đi "từ dưới lên" chứ không phải chỉ đơn giản đứng nhìn "từ trên xuống". Vì vậy, các bài học từ một kẻ nằm dưới đáy xã hội, luôn phải cố gắng làm sao để đừng bị chết đói, đừng bị giết... hẳn sẽ rất bổ ích.



Những “bài học” của Joker

Không phải là vấn đề về Tiền. Dù Joker kiếm được rất khá từ các vụ cướp bóc (hắn cướp ngân hàng cứ như đi dạo công viên) nhưng nhìn chung hắn đều cảm thấy vui khi làm những việc đó, chứ không phải làm do bị ép buộc. Rõ ràng, niềm vui đã khiến Joker thăng hoa trong công việc (dù rằng những việc hắn làm chả tốt đẹp gì).

Khi không có niềm đam mê đối với công việc thì sớm muộn bạn sẽ thất bại hoặc đơn giản là không thể thăng tiến. Nếu chỉ là vấn đề về tiền thì có lẽ Warren Buffett đã về hưu từ sớm vì với số tiền kiếm được thì ông ấy đã dư sức dưỡng già rồi. Niềm đam mê sẽ giúp bạn trụ lại được với sự khắc nghiệt của thị trường chứng khoán và tiếp tục tồn tại.

Một nhà văn nổi tiếng hẳn sẽ viết văn bởi vì trước hết ông ta thích… viết văn. Nếu chỉ chăm chăm vào nhuận bút thì có lẽ sẽ khó viết hay được. Một nhà đầu tư thực thụ rõ ràng cũng phải “thích” đầu tư trong khi lỗ cũng như khi có lời. Khi bạn lỡ mua phải những cổ phiếu “đốt tiền” như LCM, KSA, SHN hay may mắn có được những cổ phiếu tăng trưởng như VIC, DHG, VNM, SHA (hình minh họa bên dưới) thì bạn vẫn phải luôn yêu thích cuộc chơi.



Những gì không thể giết chết bạn sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn. Việc mua đúng đỉnh hoặc bán đúng đáy là một tham vọng thiếu thực tế của hầu hết những người tham gia thị trường.

Các nhà đầu tư đều biết khi mua cổ phiếu thì hầu như luôn luôn phải trải qua cái gọi là “giai đoạn chịu đựng”. Nghĩa là sẽ luôn có những đợt giảm giá xảy ra để “hành hạ” bạn trước khi cổ phiếu thực sự tăng trưởng trở lại và giúp bạn kiếm lời.

Những nhà đầu tư đủ lỳ lợm và bản lĩnh để vượt qua những thử thách kiểu như vậy mới có thể gặt hái được lợi nhuận.

Cách hợp lý nhất để sống trong thế giới này là phá bỏ đi những nguyên tắc. Nhà đầu tư cá nhân thường cảm thấy không tự tin lắm khi áp dụng một phương pháp không giống ai. Tuy nhiên, hãy suy nghĩ kỹ một chút.

Có rất nhiều các sinh viên đại học nhận được những lý thuyết như nhau từ các ông thầy nhưng chỉ một số ít trở nên giàu có. Dĩ nhiên, không thể loại trừ yếu tố “thời thế”, may mắn, số phận của mỗi cá nhân nhưng tựu chung lại những người đạt được thành công khác thường thì hầu hết đều suy nghĩ khá “lạ”.

Việc sử dụng nhóm MA (Moving Average) từ trước đến nay thường chỉ xoay quanh các điểm giao cắt để cho ra tín hiệu mua bán. Gộp nhiều đường MA lại để tạo thành một dải (MA Ribbon) có thể coi là một ý tưởng tốt và mới lạ. Ribbon sẽ trở thành vùng kháng cự/hỗ trợ “di động” của cổ phiếu.

Dù chỉ thích hợp đối với một số cổ phiếu nhất định nhưng nhìn chung phương pháp này mang lại lợi nhuận khá cao cho người sử dụng. Ví dụ bên dưới của mã VIC sẽ minh họa cho ý tưởng này.



Thời buổi này chả trông cậy ai được, ta phải tự mình làm hết mọi việc. Nghe có vẻ hơi cực đoan nhưng không phải là không có lý. Đừng hi vọng vào sự giúp đỡ kiểu "quân tử thi ân bất cầu báo" trên thị trường chứng khoán.

Nếu bạn không thừa nhận sự khắc nghiệt của thị trường thì hẳn bạn không phải là người thực tế. Đầu tư chứng khoán trong ngắn hạn (khoảng vài tháng trở xuống) gần giống như zero game. Nói cách khác, khi bạn thắng nghĩa là phải có người khác thua.

Chứng khoán không phải là thứ dành cho teamwork. Nó đơn giản là môn thể thao cá nhân vì "số đông thường không phải là số đúng". Nhà đầu tư có thể tham khảo nhưng không thể trông mong, phụ thuộc hoàn toàn vào các chuyên gia, những phân tích được public…. Trước hết, họ phải làm công việc phân tích của mình một cách kỹ lưỡng, chăm chỉ và nghiêm túc.

Trong một ngày tồi tệ điều gì cũng có thể xảy ra! Dù là chuyện hư cấu nhưng hẳn độc giả khó có thể tưởng tượng một công tố viên mẫn cán, tài ba, chính trực như Harvey Dent lại trở thành Two Face. Bằng tài thuyết phục của mình, Joker đã “tẩy não” Harvey Dent, biến anh ta thành một tên tội phạm khủng khiếp.

Vì vậy, trong một ngày “đẹp trời” các cổ phiếu trong tài khoản của bạn bỗng dưng sàn hàng loạt thì cũng chẳng có gì bất ngờ. Vấn đề là bạn có nghĩ về việc đó trước khi nó xảy ra hay không mà thôi. Chính vì vậy, câu nói “Always have Plan B” vẫn luôn có giá trị ở Wall Street trong bất cứ thời kỳ nào.