1. Việc niêm yết của tập đoàn Lộc Trời (UPCOM: LTG) – một trong những công ty nông nghiệp lớn nhất Việt Nam – có thể nói là một tin vui đối với thị trường chứng khoán và các nhà đầu tư cá nhân vì quy mô thị trường đang dần lớn lên với những công ty chất lượng, minh bạch, quy mô lớn và lịch sử phát triển lâu đời. Song vấn đề mà nhà đầu tư luôn quan tâm là mức giá [55.0] chào sàn có “mua được” hay không? Trên quan điểm của chúng tôi, mức giá này là khá rủi ro cho người mua mới dù có thể lúc chào sàn cổ phiếu sẽ tăng nhiều phiên như nhiều trường hợp khác.


2. CTCP Tập đoàn Lộc Trời đã có hơn 20 năm lịch sử phát triển với tên gọi trước đây là CTCP Thuốc bảo vệ thực vật An Giang. Hiện công ty đang tập trung vào 03 mảng kinh doanh chính để hoàn thiện chuỗi giá trị nông nghiệp của mình, bao gồm: giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật và chế biến lúa gạo. Trong số đó, ngạc nhiên thay, mảng thuốc bảo vệ thực vật (PPC) truyền thống vẫn đang chiếm hơn 90% lợi nhuận gộp của công ty trong nhiều năm qua. Chúng tôi đánh giá khá cao giá trị vô hình mà Lộc Trời sở hữu, xét đến: (1) kênh phân phối rộng khắp Việt Nam với hơn 5000 điểm bán, 25 chi nhánh và kênh xuất khẩu sang các nước lân cận – chẳng hạn như Campuchia (2) Năng lực sản xuất và uy tín trong lĩnh vực PPC với hơn 20% thị phần, dẫn đầu thị trường (3) Nhà phân phối giống lớn thứ hai cả nước dựa trên sự hợp tác với tập đoàn nông nghiệp lớn nhất thế giới Syngenta AG – Thụy Sĩ (4) Chuỗi giá trị liên kết dọc (vertically integrated) từ giống, bảo vệ thực vật đến chế biến lúa gạo (5) Đội ngũ bạn của nhà nông (Farmers’ Friends) độc đáo với hơn 1000 người giúp cải thiện thương hiệu trong mắt người dùng và thúc đẩy doanh số(6) ban lãnh đạo công ty với 30 năm kinh nghiệm và sự cam kết với cổ đông nhờ lượng cổ phần nắm giữ tương đối lớn.


3. Tuy nhiên, cũng tương tự như ngành phân bón mà chúng tôi từng phân tích, lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật, mảng kinh doanh mang lại lợi nhuận chính cho Lộc Trời, đang chịu triển vọng kém khả quan:
– Thứ nhất, lĩnh vực này đang chịu sự cạnh tranh gay gắt với hơn 200 nhà sản xuất trong nước và sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Biên lợi nhuận gộp 2016 của công ty giảm mạnh còn xấp xỉ 21% so với mức 30% của giai đoạn 5 năm trước.
– Thứ hai, rủi ro khí hậu, dư cung và hợp đồng xuất khẩu suy giảm đã làm cho đầu ra ngành nông nghiệp được dự đoán sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong 1-2 năm tới.
– Cuối cùng, dù khá ít người từng chỉ ra vấn đề này, chúng tôi cho rằng xu hướng tiêu thụ sản phẩm sạch (organic) của người tiêu dùng toàn thế giới và Việt Nam hiện nay sẽ là nguyên nhân chính cho sự suy thoái của các công ty hóa chất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong tương lai xa.


4. Hơn nữa, công ty đang có cơ cấu tài chính tương đối rủi ro với hơn 2700 tỷ nợ vay ngắn hạn – 120% vốn chủ sở hữu – và khả năng chi trả lãi vay chỉ từ 5-6 lần. Ngoài ra. dòng tiền tự do đang thâm hụt nghiêm trọng với vòng quay hàng tồn kho và khoản phải thu thấp dần qua các năm.


5. Với mức EPS trượt là 5.2 và giá trị tài sản ròng trên mỗi cổ phiếu là 33.5, chúng tôi một lần nữa khuyến nghị rằng giá chào sàn [55.0] là khá cao và không đủ biên độ an toàn cho nhà đầu tư cá nhân. Song nếu trong tương lai cổ phiếu quay về mức dưới [40.0] hay thậm chí dưới [35.0], một nhà đầu tư giá trị thông minh sẽ chớp được cơ hội nếu anh ta biết cân đong đo đếm giữa triển vọng kém khả quan và giá trị tài sản vô hình khổng lồ của công ty.

Skopos
Trích từ Golden Newsletter Vietnam