Lời tựa: xin lỗi các quý nhà đầu tư/đầu cơ yêu thích HAG, chúng tôi chỉ muốn cảnh tỉnh cho những nhà đầu tư còn chưa nhiều kinh nghiệm hoặc đang định dồn toàn bộ tài sản vào HAG. Chúng tôi hoàn toàn không có ý tấn công đến niềm tin hay lập luận của quý đọc giả mà chỉ muốn đưa ra quan điểm ngược chiều. Chúc quý đọc giả luôn tự tin và gặp nhiều may mắn trên con đường đầu tư của mình.


1. Trước hết, chúng tôi thực sự cảm thấy vô cùng khó xử mỗi khi đưa ra bất kỳ nhận định hay khuyến nghị nào liên quan đến cổ phiếu HAG. Chúng tôi từng chứng kiến và cảm thông rằng: có rất nhiều cá nhân, cả những bạn sinh viên trẻ, đã dồn mô hôi nước mắt mình vào cổ phiếu HAG nên họ cảm thấy đau xót khôn cùng khi chịu mất mát – nếu tính đến cả những thua thiệt về chi phí cơ hội khi nhìn những cổ phiếu khác tăng giá (chúng tôi từng có một người bạn đã lâm bệnh trầm cảm suốt 03 năm qua vì HAGL). Song lần này chúng tôi vẫn quyết định đưa ra khuyến nghị để tránh lặp lại tình huống tương tự với những người mới tham gia thị trường khác.

2. CTCP Hoàng Anh Gia Lai (“HAGL”, hay “HAG”) là một trong những ví dụ kinh điển về câu chuyện doanh nghiệp “sa ngã trong chiến thắng”. Cách đây 10 năm, HAG là một ông lớn trong ngành chế biến gỗ và bất động sản với lợi nhuận nghìn tỷ mỗi năm, đem lại ROE 30% – 40% cho nhà đầu tư. Song sau cơn sóng bất động sản chấm dứt, ông Đoàn Nguyên Đức đã đa dạng hóa mô hình kinh doanh quá mức, dẫn đến việc quản trị dòng tiền và quản trị rủi ro gặp vấn đề nghiêm trọng – giá cổ phiếu bốc hơi hơn 60% kể từ đỉnh 2014 và vẫn chưa thể phục hồi lại được.

3. Nói chuyện với nhiều cá nhân trên thị trường và đọc báo chí, chúng tôi nhận thấy rằng có nhiều người bắt đầu kỳ vọng hơn vào HAGL nhờ vào điểm sáng chiến lược trồng cây ăn trái ngắn ngày & kế hoạch giãn nợ của các chủ nợ cho công ty thông qua việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phần.

4. Song xét trên góc độ cơ bản – dù chúng tôi có thể sai, chúng tôi không đưa ra định giá và khuyến nghị mạnh rằng rất khó để HAG có thể trở thành một đối tượng đầu tư cho bất kỳ nhà đầu tư phòng thủ/năng động nào. Đó là bởi vì:
(1) dòng tiền kinh doanh của HAG đang trên bờ vực nguy hiểm – tiền mặt của công ty chỉ còn chưa đầy 0.4% tổng tài sản cộng với chi phí lãi vay mỗi năm gần 1600 tỷ
(2) đòn bẩy tài chính rất lớn – 240% vốn chủ sở hữu – sẽ dẫn đến việc thu hút dòng tiền trong tương lai khó khăn hơn quá khứ
(3) mô hình kinh doanh liên tục thay đổi & phụ thuộc nhiều vào khách hàng B2B, dẫn đến nguồn doanh thu không chắc chắn (chẳng hạn như việc Michelin, Vissan & Nutifood rút ra khỏi các hợp đồng bao tiêu trước đây)
(4) nhiều uất khúc nghiêm trọng trên bảng cân đối kế toán, đặc biệt là khoản phải thu cho vay các bên liên quan lên đến 9,800 tỷ đồng (!) – gần 70% vốn chủ sở hữu
(5) khả năng pha loãng cổ phiếu trong tương lai rất cao, xét đến sự lệch chiều giữa dòng tiền giảm dần và hơn 2000 tỷ trái phiếu chuyển đổi

5. Nhiều nhà đầu tư năng động trong tương lai sẽ xem xét HAG như một trường hợp “vực dậy” ( turnaround) nổi tiếng. Tuy nhiên, như nhiều bậc thầy Graham hay Martin Whitman đã can ngăn, khi xem xét một tình huống khó khăn ( distressed), việc mua trái phiếu sẽ an toàn và đem lại lợi nhuận hơn nhiều so với cổ phiếu – thứ luôn mang tính đầu cơ rất cao và dễ bị pha loãng/mất vốn khi công ty phá sản. Do đó, khi mua cổ phiếu của một công ty nợ nần, rủi ro sẽ cao hơn nhiều so với lợi nhuận – thứ xác suất mà nhà đầu tư thông minh sẽ chẳng bao giờ lựa chọn.

Skopos & Angelos
Trích từ Golden Newsletter Vietnam