LỢI NHUẬN QUÝ 1 KHỦNG CỦA NOVALAND ..... ẢO HAY THỰC?
Đầu tiên phải thú nhận tôi không phải cổ đông của Novaland, quan điểm của tôi là chỉ đầu tư vào những doanh nghiệp do những người mà tôi tin tường điều hành và gia đình ông Nhơn dĩ nhiên là không nằm trong số đó. Tuy nhiên một số Blogger mà tôi quan tâm như anh Hải Lê (kiemtoanpro) có chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này, tôi hoàn toàn đồng ý với anh Hải (hoặc anh Lê, tui không rõ ), tuy nhiên anh chỉ nói một cách sơ sài nên dễ gây hiểu lầm và mơ hồ cho người đọc về thực tế lợi nhuận của Novaland lần này là ảo hay thực? Tôi xin mạn phép mổ xẻ chi tiết vấn đề này cho bạn bè và các cổ đông Novaland có cái nhìn rõ ràng hơn.
Trước tiên chúng ta nên biết về nguồn gốc câu chuyện.
Cảng Phú Định (công ty giúp Novaland ghi nhận lãi khủng) tiền thân là Công ty TNHH MTV Cảng sông TPHCM (CASOCO) – một công ty con của Tổng Công ty SAMCO, sở dĩ Novaland ngắm ông này là vì 2 mảnh đất very hot thuê dài hạn tại quận 8 mà ông này sở hữu, dĩ nhiên đó là một miếng mồi ngon mà công ty khát đất sạch như Navaland không thể bỏ lỡ. Và rồi .....
Năm 2014 CASOCO tiến hành IPO (8.4 triệu cổ phiếu, tương đương 25.39% vồn điều lệ sau cổ phần hóa), đồng thời công ty cũng chào bán cho cổ đông chiến lược đúng số lượng cổ phiếu trên. Điều gì đến thì cũng đến, cổ đông chiến lược mà CASOCO chọn chính là Novaland, thú vị tiếp nữa đó là 8.4 triệu cổ phiếu IPO theo lời của ông Đạt (phó tổng của CASOCO) tiết lộ thì 3 nhà đầu tư tổ chức trúng thầu trong phiên IPO đều là của nhóm Novaland. Như vậy trên lý thuyết Novaland đã sở hữu 51% vốn của CASOCO, số còn lại là của SAMCO, tuy nhiên thực tế khi hoạch toán thì khoản đầu tư này nằm trong phần liên doanh liên kết của Novaland. Thấy gì đó sai sai rồi đúng không .
Và giờ là đến lúc cho cổ đông bất ngờ.
Lợi nhuận sau thuế quý 1/2017 của Novaland công bố đạt 408.5 tỷ đồng, tăng 164% so với số lãi gần 155 tỷ đồng đạt được quý 1 năm ngoái, cổ đông chỉ biết tròn mắt thán phúc tài kinh doanh của ban lãnh đạo Novaland. Tuy nhiên, điều làm cổ đông bất ngờ hơn nữa lại là phần lớn lợi nhuận này lại đến từ hoạt động tài chính khi hoạt động này đóng góp tới 464.5 tỷ đồng doanh thu. Và ngay lập tức sau đó Novaland đã có giải trình lợi nhuận đó đến từ đâu, rất minh bạch và nhanh chóng: "Do quý 1 năm nay Novaland ghi nhận thêm 347 tỷ đồng đánh giá lại khoản đầu tư khi hợp nhất kinh doanh từng giai đoạn. Đây là khoản đầu tư ban đầu vào Cảng Phú Định vào ngày có được quyền kiểm soát". Một cổ đông không phải nhà nghề chỉ biết "há miệng" không hiểu công ty đang nói cái gì, còn thị trường thì ngay lập tức râm ran những câu nói thật thật giả giả về khoản lợi nhuận này. Vậy cục lợi nhuận này là ảo hay thực?
Là "thực" theo chuẩn mực
Vì nếu theo sổ sách thì Novaland đã mua CASOCO 2 lần, lần đầu là 25.39%, như vậy lần này Novaland sẽ hoạch toán khoản đầu tư này vào "liên doanh liên kết", lúc này sẽ không có cục lợi nhuận, lần 2 khi Novaland mua chi phối CASOCO với 83.45% thì câu chuyện lại khác, lúc này sẽ có một cục chênh lệch giữa giá gốc và giá hợp lý, lợi nhuận tài chính sẽ từ đây mà ra. Điều này là hoàn toàn hợp lý, Novaland mua giá rẻ lúc trước và bây giờ khi đánh giá lại có sự chênh lệch, công ty ghi nhận lại là điều chuẩn xác, ngay cả chuẩn chuẩn mực kế toán cũng ủng hộ điều này.
Theo điều 15-16 thông tư 202: "Trường hợp trước ngày kiểm soát, công ty con là công ty liên kết của công ty mẹ, khoản đầu tư được trình bày theo phương pháp vốn chủ sở hữu: Khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất, công ty mẹ đánh giá lại khoản đầu tư trước đây theo giá trị hợp lý tại ngày đạt được quyền kiểm soát và thực hiện các điều chỉnh. Tròn đó nếu giá trị hợp lý cao hơn giá gốc khoản đầu tư, kế toán sẽ ghi nhận lãi tài chính trên Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất".
Tuy nhiên, "thực" lại là "ảo"
Cái thứ nhất: Hãy nhớ lại "cái gì sai sai" mà tôi đã bỏ ngỏ ở trên, chúng ta đều biết rằng thực tệ Novaland đã nắm 51% và có quyết định chi phối đến CASOCO, chính vì thế việc chuyển giao cổ phần giữa nội bộ Novaland có chút tham gia của SAMCO chỉ là một vở kịch được đặt ra để được áp dụng cái gọi là: "Hợp nhất kinh doanh qua nhiều giao đoạn" hòng che mắt cổ đông, kiểm toán và cơ quan quản lý.
Cái thứ hai: Cái Giá trị hợp lý (Fair Value) là điểm mấu chốt để Novaland phải vất vả làm 2 vòng và ghi bàn thắng ngoạn mục. Lợi nhuận chính là khoản chênh lệch giữa giá gốc và giá hợp lý, nhưng ai là người quyết định giá hợp lý khi CASOCO chưa niêm yết và chỉ có 2 cổ đông duy nhất là Novaland và Samco? Dĩ nhiên là nội bộ của chính họ. Chính vì vậy việc quyết định giá chuyển giao bao nhiêu, ghi nhận thế nào đều quyền sinh sát của ban lãnh đạo Novaland, cổ đông chỉ nhìn thấy con số, một con số đã được tô vẽ có chủ đích.
Cái thứ ba: Là cái mà ít người quan tâm hơn nhưng lại là cái một nhà đầu tư thực sự phải quan tâm, đó chính là dòng tiền và cổ tức. Thực tế lợi nhuận này không phát sinh dòng tiền cho doanh nghiệp và hiển nhiên không khó hiểu là sẽ không có cổ tức được trả từ lợi nhuận này.
Như vậy để đầu tư thực sự có quá nhiều biến số chúng ta cần phải nắm trong tay trước khi ra quyết định, trong đó xác định mức độ chính xác của báo cáo tài chính luôn là một biến số quan trọng. Rất tiếc với một nhà đầu tư chuyên nghiệp chứ chưa nói đến nghiệp dư thì điều này cũng là cả một vấn đề cực kỳ nan giải. Vậy biện pháp giải quyết ở đây là gì?
.........................................
........................................
Đó chính là đầu tư vào những doanh nghiệp được sở hữu bởi những người mà bạn tin tưởng điều hành, nếu bạn không làm như vậy, một ngày nào đó những doanh nghiệp như CII, FLC, NVL, TTF, JVC ..... sẽ dễ dàng "dắt mũi" và đưa bạn vào thế nguy hiểm lúc nào mà chính bạn không hay.
P/s: Sắp tới sẽ viết về "bàn tay tạo tiền của CII", hy vọng sẽ nhận được nhiều trao đổi!