Tăng vốn khủng có tin không?

(ĐTTCO) - Trong một chừng mực nào đó, việc huy động vốn của doanh nghiệp khi chưa niêm yết (dưới sàn) sẽ gặp nhiều thách thức hơn khi đã niêm yết (trên sàn). Tuy nhiên, có những doanh nghiệp (DN) dù ở dưới sàn nhưng cũng có tốc độ tăng vốn khủng đến mức các DN trên sàn cũng phải chạy dài. Điều này không hẳn sai nhưng NĐT phải cẩn trọng khi đầu tư.

Từ SGO đến MTM

Ngày 8-2-2010, CTCP Dầu thực vật Sài Gòn (SGO) được thành lập với vốn điều lệ (VĐL) 1 tỷ đồng. Đến 29-12-2014, VĐL của SGO được tăng lên 100 tỷ đồng thông qua việc phát hành 9,9 triệu CP cho 5 cổ đông. Đến 2-2-2015, SGO tiếp tục có đợt tăng VĐL lên 200 tỷ đồng cũng thông qua việc chào bán cho cổ đông hiện hữu. Nghĩa là chỉ trong vòng 5 năm, VĐL của SGO đã tăng lên 200 lần dù DN này chưa niêm yết. Thử so sánh tốc độ tăng vốn của SGO với CTCK Kim Long (KLS) - một công ty niêm yết có tốc độ tăng vốn khủng. Tháng 1-2006, KLS được thành lập với VĐL 18 tỷ đồng, sau một số lần tăng vốn, đến tháng 5-2010, VĐL của KLS đạt 2.025 tỷ đồng, tăng gấp 112,5 lần so với khi mới thành lập, vẫn kém xa so với SGO. Cũng cần lưu ý, giai đoạn KLS tăng vốn có rất nhiều thuận lợi, từ thị trường cho đến sức hút của CP trên sàn.

Một trường hợp cũng tăng vốn với tốc độ rất khủng khiếp khác là CTCP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (MTM), một trong những CP được xem là “lầy” nhất hiện nay. Năm 2012, VĐL của MTM từ mức 2,3 tỷ đồng đã được tăng lên 10 tỷ đồng. Đến cuối năm 2013, MTM lại tăng tiếp VĐL của mình lên 100 tỷ đồng và ngày 31-10-2014, VĐL của công ty này tăng lên 310 tỷ đồng. Tính ra chỉ trong vòng 2 năm, VĐL của MTM đã tăng đến gần 135 lần mà không cần lên sàn.

Trong 2 đợt tăng vốn của mình, SGO chào bán chủ yếu cho 5 cổ đông, còn MTM đến khi tăng được VĐL lên 310 tỷ đồng mới trở thành công ty đại chúng. Nghĩa là những đợt phát hành của SGO hay MTM phần lớn thực hiện trong phạm vi hẹp với số ít NĐT.


Trước tiên cần làm rõ, việc huy động vốn trên sàn sở dĩ thuận lợi hơn dưới sàn bởi trên sàn tập trung nhiều dòng tiền, DN cũng dễ được các NĐT chú ý hơn và tất nhiên những DN lên sàn có tính chọn lọc cao hơn. Nhưng thực tế, để huy động được số vốn tính bằng mức trăm tỷ đồng, DN phải có rất nhiều hoạt động từ PR đến IR, rồi công bố những chiến lược, kế hoạch để thuyết phục bằng được các NĐT. Tiềm năng của DN, cũng là cơ hội sinh lời trong tương lai, chính là mấu chốt để hút vốn của NĐT. Thực tế, cũng có những trường hợp DN chưa niêm yết nhưng với mô hình kinh doanh hấp dẫn, có vị thế trên thương trường cũng thu hút được nguồn vốn, nhưng con số này khá ít và có tính chọn lọc rất cao.

Thực tế cho thấy, huy động vốn dưới sàn từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng thông qua phát hành CP là không hề đơn giản. Tổng giám đốc Công ty TNHH BVOT Trần Hồng Ninh chia sẻ: “Tôi cũng đã tính đến kế hoạch huy động vốn để phát triển DN của mình thông qua việc chuyển đổi thành công ty cổ phần và gọi vốn. Và mặc dù có những NĐT ngỏ ý, nhưng đáp ứng được yêu cầu của họ không đơn giản. NĐT không dễ gì bỏ vốn vào DN cho dù DN đó có nhiều điểm thuyết phục và chứng tỏ được phần nào tiềm năng trong dài hạn. Nói tóm lại, với một công ty có quy mô nhỏ gọi được vốn đã khó, còn vốn lớn có thể nói là xa xỉ”. Trong 2 đợt tăng vốn của mình, SGO chào bán chủ yếu cho 5 cổ đông, còn MTM đến khi tăng được VĐL lên 310 tỷ đồng mới trở thành công ty đại chúng. Nghĩa là những đợt phát hành của SGO hay MTM phần lớn thực hiện trong phạm vi hẹp với số ít NĐT.

-Công nghệ đẩy, xả

Nói đến đây sẽ xuất hiện một số giả thiết. Thứ nhất, những NĐT này rất am hiểu về DN, về ngành nghề, nên mới sẵn sàng bỏ hàng trăm tỷ đồng vốn vào để phát triển. Thứ hai, việc góp vốn rút vốn rất thuận lợi nên hàng trăm tỷ đồng có thể rót vào một cách dễ dàng. Với giả thiết đầu tiên, nếu thực sự các NĐT am hiểu ngành nghề, tâm huyết với DN, kết quả thu về thường sẽ rất tích cực, hoặc DN có tốc độ tăng trưởng mạnh, có thương hiệu. Với trường hợp của SGO, dấu ấn công ty này để lại trên thị trường là không mấy ấn tượng. Nói đến dầu ăn, dầu thực vật người ta nghĩ đến những cái tên như Tường An, Vocarimex, Neptune…

Còn với MTM, ngành nghề khoáng sản rõ ràng không hấp dẫn các NĐT công chúng. Ngay cả với những công ty khoáng sản đã có thời gian dài niêm yết trên sàn, việc huy động vốn cũng không dễ dàng. Ở đây còn có một ngoại lệ, tức là có những NĐT tâm huyết thật, đầu tư vào DN nhưng không gặp may và không thành công, nhưng cũng chỉ là hữu hạn. Với giả thiết thứ hai, khả năng xảy ra trong thực tế có thể dễ dàng hơn rất nhiều. Có một thực tế là không ít NĐT mua CP chỉ đơn thuần vì thấy giá có khả năng tăng, thanh khoản lớn nên mua mà không quan tâm nhiều đến việc DN có gì. Có người sẽ thành công nhờ cách này nhưng cũng có người thất bại.

Nhờ vậy, nếu một nhóm NĐT nào đó “có nghề” trong việc phát hành CP, rồi vận hành một DN ở mức bình thường, tô hồng thêm sau đó đưa lên sàn thoái vốn hoàn toàn có thể thu lời rất lớn. Cách thức thực hiện khá đa dạng. Chẳng hạn, một CP có giá trị sổ sách là 10.000 đồng/CP, nhưng giá trị thực đôi khi chỉ 3.000 đồng/CP, như vậy dù giá CP có giảm xuống 5.000 đồng hay 6.000 đồng/CP bán ra vẫn có lời. Hoặc cũng lập ra một công ty, cũng có vốn đó, giá trị thực đó nhưng đến khi đại chúng hóa những người đứng đầu có thể tìm cách để rút ruột dần, chẳng hạn đem tiền đầu tư vào những thương vụ chẳng ai biết rõ mục đích.

Nói tóm lại, việc tăng vốn khủng là bình thường nếu DN cho thấy tiềm năng tăng trưởng của mình, nhưng sẽ là bất thường nếu DN tăng vốn nhưng lại không chứng tỏ được năng lực sử dụng vốn của mình như thế nào. Như trường hợp của MTM, một công ty có vốn hàng trăm tỷ đồng nhưng trụ sở “thoắt ẩn thoắt hiện”. Trong khi đó, SGO công bố có lãi trong 2 năm 2014 và 2015 nhưng cuối cùng CP lại giảm rất sâu. Và nếu xét theo tiêu chí thị trường luôn luôn đúng, việc giảm giá của CP này đã khiến nhiều người hoài nghi về chất lượng của DN.