SGO: Ẩn số “nồi cơm” Phúc Quang – Hồng Anh
Công ty TNHH Phúc Quang – Hồng Anh cũng không phải là đơn vị xa lạ mà chính là sân sau của CTCP Dầu thực vật Sài Gòn (HNX: SGO).

* Kỳ 1: Nỗi đau mang tên SGO!

2 tháng, tăng vốn từ 1 tỷ lên… 200 tỷ đồng


SGO là Công ty được thành lập từ năm 2010, với vốn điều lệ 1 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu là thương mại, tư vấn công nghệ trong lĩnh vực sản xuất, chế biến dầu thực vật và chất béo. Đến nay, sau 5 năm hoạt động, vốn điều lệ của SGO đạt 200 tỷ đồng và đang tiếp tục kế hoạch tăng vốn trong năm 2016.

Quá trình tăng vốn của SGO khá đặc biệt. Sau 4 năm “im hơi lặng tiếng” duy trì vốn điều lệ 1 tỷ đồng, hai lần tăng vốn lớn của SGO diễn ra rất chóng vánh, chỉ cách nhau chưa đầy 2 tháng.

Câu chuyện bắt đầu từ cuối năm 2014, khi SGO phát hành 9.9 triệu cp cho cổ đông hiện hữu (lúc đó chỉ có 5 người), tăng vốn điều lệ từ 1 tỷ lên 100 tỷ đồng. Hơn 1 tháng sau, vào đầu tháng 2/2015, SGO tiếp tục hoàn tất phát hành 10 triệu cp cho 5 cổ đông trên theo tỷ lệ 1:1, tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, chạm mức 200 tỷ đồng.
Tỷ lệ nắm giữ của 5 cổ đông sau 2 lần tăng vốn

Như vậy, sau hai lần tăng vốn, 5 cổ đông đã chi tổng cộng 199 tỷ đồng để mua cổ phần phát hành thêm của SGO. Trong đó, ông Lê Thiên Thạch đã chi 119.5 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Lệ Hằng chi 19.8 tỷ đồng và 3 cá nhân còn lại mỗi người bỏ ra 19.9 tỷ đồng.

Vòng tròn khép kín của dòng tiền tăng vốn


Sau 2 lần tăng vốn với tổng số tiền thu được là 199 tỷ đồng, SGO đã chi 25 tỷ đầu tư thêm vào Nhà máy dầu thực vật Sài Gòn tại Vĩnh Long, bổ sung vốn kinh doanh 59 tỷ đồng, đầu tư 25 tỷ đồng vào Nhà máy sản xuất dầu thực vật tại Vĩnh Long và toàn bộ 115 tỷ còn lại đầu tư liên quan đến Công ty TNHH Phúc Quang – Hồng Anh (gồm 20 tỷ đồng đầu tư vào nhà máy xây xát lúa gạo – dự án hợp tác với Phúc Quang – Hồng Anh và 95 tỷ đồng mua cổ phần nắm giữ 47.5% vốn của doanh nghiệp này).

Điều đáng chú ý là bên bán vốn góp tại Phúc Quang – Hồng Anh cho SGO chính là các thành viên HĐQT của SGO, và đặc biệt hơn nữa, họ cũng chính là những cổ đông đã rót tiền vào hai đợt tăng vốn khủng, mà một trong các mục tiêu lớn của đợt phát hành là để mua Phúc Quang – Hồng Anh. Theo đó, ông Lê Thiên Thạch đã thu về 53 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Lệ Hằng thu về 12 tỷ đồng từ chuyển nhượng vốn góp tại Phúc Quang – Hồng Anh cho SGO.
Dòng tiền vào và ra qua hai đợt tăng vốn khủng của SGO



Giải mã “nồi cơm”

Công ty Phúc Quang – Hồng Anh, tiền thân là Công ty TNHH Phúc Quang (thành lập năm 1994), hoạt động trong lĩnh vực buôn bán vật tư, phụ liệu cung cấp trong ngành chế biến nông sản, thực phẩm. Vào cuối năm 2004, Công ty mở rộng sang ngành sản xuất dầu ăn thực vật và đang sở hữu một số thương hiệu dầu ăn như "Tràng An", "Bếp Việt", “Cooking oil”. Vốn điều lệ của Phúc Quang – Hồng Anh ở mức 200 tỷ đồng, trong đó SGO hiện đang sở hữu 47.5% phần góp vốn, tương đương 95 tỷ đồng.

Thành phần ban lãnh đạo của Phúc Quang – Hồng Anh cũng không xa lạ, khi Chủ tịch HĐTV - Tổng Giám đốc của đơn vị này là ông Lê Thiên Thạch, kế toán trưởng là bà Lê Thị Kim Trinh, trưởng phòng tài chính là bà Hoàng Thị Thúy Hà - các cá nhân trên đều là thành viên HĐQT của SGO.

Phúc Quang – Hồng Anh ra đời từ sớm, SGO tuy là công ty mẹ nhưng chỉ mới thành lập vào năm 2010, hoạt động gắn liền và phụ thuộc vào Phúc Quang – Hồng Anh. Phúc Quang - Hồng Anh không chỉ hợp tác với SGO trong dự án Nhà máy xay xát lúa gạo, mà đơn vị này còn là nguồn tiêu thụ sản phẩm chính của SGO. Trong hai năm 2013, 2014, toàn bộ doanh thu của SGO đều đến từ giao dịch, bán hàng cho Phúc Quang - Hồng Anh. Năm 2015, con số này mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức khá cao, doanh thu bán hàng cho Phúc Quang - Hồng Anh gần 277 tỷ đồng, chiếm 70% tỷ trọng doanh thu bán hàng của SGO. Mặt khác, khoản phải thu từ đơn vị này cũng tăng dần tại SGO. Cuối năm 2014, khoản phải thu đối với Phúc Quang - Hồng Anh xuất hiện với giá trị gần 6.6 tỷ đồng, đến cuối năm 2015 con số này đã tăng lên 16 tỷ và tính đến cuối quý 1/2016, giá trị khoản phải thu này đang ở mức 19.2 tỷ đồng.

Năm 2015, Phúc Quang - Hồng Anh đạt doanh thu hơn 421 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại chỉ vỏn vẹn hơn 20 triệu đồng, tương đương với tỷ suất lợi nhuận chưa tới 0.005%. Dù lợi nhuận thấp là vậy, Phúc Quang - Hồng Anh vẫn “mạnh tay” chia phần lãi 4.75 tỷ đồng cho SGO, cao hơn rất nhiều so với khoản lãi mà đơn vị này có được.

Tất cả các mắt xích trên cho thấy mối liên hệ sâu sắc giữa 2 doanh nghiệp SGO và Phúc Quang – Hồng Anh, từ hoạt động kinh doanh, chủ sở hữu đến dàn lãnh đạo cả giai đoạn trước và sau M&A. Với tình hình hiện tại, không quá để nói SGO hiện vẫn đang “sống nhờ” vào Phúc Quang- Hồng Anh. Tuy SGO đang sở hữu đến 47.5% vốn góp tại Phúc Quang – Hồng Anh nhưng tỷ lệ này vẫn chưa đủ quá bán đế thắng thế trong các quyết định tại “nồi cơm” nếu những thành viên góp vốn còn lại cùng “phe”./.