Chris Freund - người sáng lập quỹ Mekong Capital cho biết “Đối với những thị trường như Việt Nam, dòng vốn đi vào thành từng đợt. Hiện chúng ta đang ở giai đoạn thị trường đi lên rất chậm. Nhưng chỉ là vấn đề thời gian trước khi một làn sóng vốn mới đổ vào thị trường”.


Thị trường mới nổi của Việt Nam đầy biến động trong những năm qua. Trong năm 2006, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, chỉ số chứng khoán tại thị trường đã trở thành một trong những chỉ số tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu, đạt mức 144%.

Sức nóng của thị trường Việt Nam đã lên tới đỉnh điểm tuy nhiên sau đó thị trường phải chịu cú huých lớn của suy thoái kinh tế toàn cầu. Năm 2008 chứng kiến sự rút lui ồ ạt của các nhà đầu tư. Thị trường mất tới 66% giá trị, trở thành một trong những thị trường ảm đạm nhất thế giới.

Năm 2009, nằm trong xu hướng chung của kinh tế thế giới VN-Index tăng điểm trở lại. Tuy nhiên sự tăng điểm của thị trường chỉ duy trì trong ngắn hạn và các nhà đầu tư đổ lỗi cho sự bất ổn của kinh tế vĩ mô. Hoạt động thoái vốn cũng diễn ra mạnh mẽ. Số liệu từ công ty chứng khoán Lipper Securities cho thấy từ cuối năm 2009 đến đầu tháng 10/2010, 17/20 quỹ ghi nhận mức tăng trưởng kém nhất trên thế giới là quỹ đầu tư trọng tâm vào Việt Nam.

Tháng 9 năm ngoái, quỹ Indochina Capital quyết định giải tán do giá giao dịch chứng chỉ quỹ này trên thị trường London giảm trên 50% so với giá trị ròng NAV.

Hiện tại, rất nhiều quỹ đầu tư trong nước cho rằng đã tới thời điểm bật lên của thị trường. Tháng 8/2010, công ty chứng khoán Numis Securities công bố báo cáo 115 trang cho rằng đã đến lúc nhìn lại yếu tố vững mạnh và triển vọng sáng sủa của Việt Nam. Nhiều quỹ tại Việt Nam dự báo thị trường Việt Nam sắp hồi phục. Chuyên gia phân tích quốc tế trong khi đó thận trọng hơn.

Don Lam - người sáng lập đồng thời là Chủ tịch công ty quản lý quỹ VinaCapital cho rằng đây là thời điểm tuyệt vời cho hoạt động đầu tư do giá cổ phiếu trên thị trường hiện ở mức thấp và tình hình kinh tế vĩ mô khá ổn định sau giai đoạn bất ổn 2007 – 2009. Bên cạnh đó là các thông tin tăng trưởng doanh thu ở mức trung bình 15%.

P/E của Việt Nam đang ở mức 11,2 thấp nhất trong khu vực. Trong khi đó PE của Thái Lan là 17,2 và của Indonesia là 23,1.

Chris Freund - người sáng lập quỹ Mekong Capital cho biết “Tôi đã nhiều lần gặp mô hình thị trường như Việt Nam. Đối với những thị trường như thế này, dòng vốn đi vào thành từng đợt. Hiện chúng ta đang ở giai đoạn thị trường đi lên rất chậm. Nhưng chỉ là vấn đề thời gian trước khi một làn sóng vốn mới đổ vào thị trường”.
Khi nhà đầu tư nội địa tham gia mạnh vào thị trường, dòng vốn ngoại sẽ dâng cao thế nhưng mọi chuyện chưa thể xảy ra cho đến đầu năm 2011.

Thông tư 13 của ngân hàng trung ương đưa ra tỷ lệ dự trữ bắt buộc cao hơn cũng như yêu cầu quản lý rủi ro chặt chẽ hơn đã đẩy niềm tin của thị trường đi xuống với lo sợ nguồn vốn tín dụng từ phía ngân hàng sẽ bị thắt chặt. Mặc dù quy định này sẽ giúp củng cố hoạt động của thị trường trong dài hạn. Lãi suất vẫn duy trì ở mức cao dẫn tới việc các công ty kinh doanh trông chờ vào thị trường vốn để tăng lượng tiền mặt.

Dragon Capital trong báo cáo mới đây nhận định: “Hiện nay, giá cổ phiếu đang ở mức thấp, hoạt động cải tổ doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng được thực hiện. Thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh khi các ngân hàng hoàn thành tăng vốn. Điều này có thể diễn ra trong vài năm tới khi nhà đầu tư nước ngoài chưa trở lại”.
Chiến lược gia Jacqueline Tse thuộc HSBC, Hong Kong cho biết chính phủ đang đi đúng hướng. “Nhưng theo quan điểm của tôi, những động thái gần đây của chính phủ là chưa đủ. Một khi những nỗ lực này phát huy hiệu quả, lực cầu từ các nhà đầu tư sẽ mạnh mẽ và thị trường sẽ trở nên tươi sáng hơn”.