BẢN TIN THỊ TRƯỜNG NGÀY 03/10/2016​

Dear anh/chị,

Em gửi anh/chị một số thông tin khuyến nghị đầu tư, anh/chị có thể xem xét ạ.

1. Thông tin nổi bật:

- Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến 20/9 đạt 10,46%. Cụ thể, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,76% so với cuối năm 2015 (cùng kỳ năm trước tăng 8,88%). Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12,02% (cùng kỳ năm 2015 tăng 8,9%). Cũng theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,46% (cùng kỳ năm trước tăng 10,78%). Lãi suất huy động hiện nay tương đối ổn định (chỉ tăng khoảng 0,2%-0,3% trong khoảng thời gian từ giữa tháng 2 đến tháng 3/2016). Về Ngân sách, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2016 ước tính đạt 665,2 nghìn tỷ đồng, bằng 65,6% dự toán năm. Bội chi ngân sách tính đến thời điểm 15/9/2016 ước tính 154 nghìn tỷ đồng. (nguồn: ndh.vn)

- HSBC: "Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn bao giờ hết". Báo cáo nhận định của HSBC về kinh tế vĩ mô vừa được đưa ra đánh giá sản xuất và xuất khẩu tiếp tục là hai điểm sáng của nền kinh tế, phản ánh năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn được duy trì. Chỉ số PMI cho thấy lĩnh vực sản xuất đã tiếp tục tăng trưởng tháng thứ tám liên tiếp trong bối cảnh một số nước châu Á và hầu hết các nền kinh tế phương Tây đang phải vật lộn để có mức tăng trưởng. Theo đó, chỉ số PMI của ngành sản xuất đã tăng lên 52,2 điểm từ 51,9 điểm của tháng trước. Đáng chú ý, nguồn vốn FDI cũng tiếp tục chảy đều đặn vào nền kinh tế. Từ đầu năm đến tháng 8, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã đạt 9,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015. Các lĩnh vực sản xuất và chế biến thu hút dòng vốn FDI lớn nhất chiếm 73% trong tổng số, tiếp theo là bất động sản chiếm 6% và lĩnh vực khoa học và công nghệ chiếm 4,3%. (nguồn: Tri thức trẻ)

- Kỳ vọng lãi suất cho vay trung, dài hạn giảm. Ngày 26/9, hàng loạt TCTD lớn, trong đó có các NHTM Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn dưới một năm với mức giảm từ 0,3-0,5%/năm. Đây là cơ hội kỳ vọng lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn có thể giảm thêm. Sau khi giảm, mức lãi suất phổ biến áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng được công bố ở mức 0,3-0,5%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng ở mức 4,2-4,3%/năm. Các kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 5 tháng ở mức 4,8%/năm. Các kỳ hạn dài hơn, từ 6 tháng đến dưới 9 tháng ở mức 5,3%/năm, và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm… (nguồn: Thoibaonganhang.vn)

- GDP quý 3 tăng 6,4%, 9 tháng đầu năm ước tăng chưa tới 6%. Mặc dù tăng trưởng kinh tế quý III đạt 6,4%, đã tăng mạnh so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ. GDP 9 tháng đầu năm ước tăng 5,93%, còn cách khá xa mục tiêu 6,7% đề ra. Trong đó, GDP quý I tăng 5,48%, quý II tăng 5,78% và ước tính quý III tăng 6,4%. GDP quý III mặc dù tăng trưởng so với các quý trước nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ (6,53%). Nguyên nhân chủ yếu do ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm sút và nông nghiệp tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ. Trừ ngành nông nghiệp và khai khoáng, các ngành khác đều có mức tăng trưởng tốt. (nguồn: ndh.vn)

- Số doanh nghiệp Việt Nam “cải tử hoàn sinh” tăng mạnh. Trong 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam có 20.510 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 59,6% so với cùng kỳ (9 tháng năm 2015 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014), nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm lên con số gần 102.000. Số liệu này được trích từ báo cáo về tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 9 và 9 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê. "Điều này cho thấy khung khổ pháp lý mới cùng với các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển đã phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp tìm thấy hướng đi, cơ hội phát triển mới", báo cáo nêu. (nguồn: VnEconmy.vn)

*) Nhận định về thông tin và tình hình kinh tế vĩ mô:

- GDP 9 tháng đầu năm tăng trưởng 5,93% vẫn thấp hơn cùng kỳ (6,53%) và còn cách khá xa mục tiêu 6,7% của Chính Phủ. Điều này cho thấy những khó khăn vẫn còn tồn tại với nền kinh tế Việt Nam. Nguyên nhân chính cho sự tăng trưởng chậm lại của GDP so với cùng kỳ là khó khăn ở hai lĩnh vực nông nghiệp và khai khoáng, các lĩnh vực khác vẫn tăng trưởng tốt. Khó khăn này bắt nguồn từ tình trạng hạn hán, ngập mặn … của ngành nông nghiệp và giá hàng hóa giảm đối với ngành công nghiệp khai khoáng. Với việc giá hàng hóa có xu hướng tăng trở lại gần đây và tình trạng hạn hạn bớt căng thẳng đi thì nhiều khả năng GDP quý 4 sẽ có sự tăng tốc. Tuy vậy, mục tiêu GDP 6,7% là khó có thể đạt được. Theo quan điểm người phân tích, GDP năm nay nhiều khả năng chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 6.2 – 6.3%.

- Về xu hướng lãi suất, theo quan điểm của người phân tích thì lãi suất sẽ có xu hướng giảm nhưng sẽ không nhiều. Các lý do cho việc giảm lãi suất là: tình trạng dư thừa thanh khoản ở các ngân hàng thương mại (được thể hiện bằng lãi suất liên ngân hàng thấp), Chính Phủ quyết tâm trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP và tình trạng GDP đang tăng trưởng chậm lại còn cách khá xa mục tiêu, lạm phát 9 tháng đầu năm có xu hướng ổn định và trong tầm kiểm soát. Mặt ngược lại, các trở lực cho việc giảm lãi suất có thể kể đến là: nhu cầu về vốn các tháng cuối năm tăng cao, tốc độ xử lý nợ xấu vẫn khá chậm, lạm phát có thể tăng mạnh vào các tháng cuối năm … Nhìn chung, nếu lãi suất giảm cho dù là không nhiều sẽ vẫn có tác động tích cực đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp từ đó tác động tốt đến thị trường chứng khoán.

2. Nhận định thị trường:



- Thị trường ngày 30/09 giảm rõ hơn trên chỉ số và các blue-chips điều chỉnh rộng hơn. Mức độ phân hóa trên toàn thị trường vẫn được duy trì và đây chỉ là nhịp điều chỉnh bình thường. Ảnh hưởng của một số cổ phiếu lớn hôm nay lấn án nét tích cực trong phân hóa cổ phiếu. Việc cổ phiếu tăng giảm là bình thường, nhưng xét trên toàn thị trường, xác suất tăng giá vẫn được duy trì, chỉ là cổ nào tăng cổ nào giảm mà thôi.

- Dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật, VN - Index đã xuất hiện mô hình nến Doji báo hiệu khả năng điều chỉnh trong ngắn hạn của thị trường. Khối lượng giao dịch giảm dần ủng hộ thêm cho kịch bản này. Nhiều khả năng VN – Index sẽ có sự điều chỉnh trong 1 – 2 phiên tới để kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ 680 điểm trước khi tăng điểm trở lại. Quan điểm của người phân tích vẫn không thay đổi, mục tiêu của sóng tăng này là vùng 720 – 750 điểm. Động lực cho sóng tăng này đến từ 3 lý do chính: kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 3 của doanh nghiệp, lãi suất có xu hướng giảm nhẹ, kế hoạch thoái một phần vốn của SCIC khỏi VNM trong năm nay.

- Sóng tăng này của thị trường có thể kéo dài đến khoảng tầm giữa tháng 10, thời điểm mà hầu hết các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý 3. Sau thời gian đó nhiều khả năng thị trường sẽ giảm điều chỉnh trong khoảng 1 – 2 tháng vì thiếu thông tin hỗ trợ và cũng để cho định giá cổ phiếu trở về mức hợp lý hơn. Người phân tích luôn cố gắng tìm kiếm các cổ phiếu cơ bản tốt và định giá còn hợp lý để khuyến nghị đầu tư, nhưng công việc này càng lúc càng khó khăn hơn vì số mã đạt hai tiêu chuẩn này ngày càng ít đi. Điều này cho thấy cổ phiếu trên thị trường hiện đang được định giá khá không còn hấp dẫn và một đợt điều chỉnh để giá cổ phiếu về mức phù hợp hơn hoàn toàn có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Nhà đầu tư nên lưu ý chi tiết này!

3. Khuyến nghị đầu tư:

*) Chiến lược đầu tư: Nhà đầu tư nên tận dụng các phiên điều chỉnh của thị trường để tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. Ưu tiên giải ngân vào các cổ phiếu có cơ bản tốt, kết quả kinh doanh tăng trưởng và đang được định giá hợp lý.

Nhà đầu tư có thể tham khảo một số mã cổ phiếu sau:



Cảm ơn anh/chị đã quan tâm theo dõi! Nếu cần hỗ trợ gì vui lòng liên hệ với em theo thông tin bên dưới.

Chúc anh/chị đầu tư thành công!
Em Thành.