Threaded View
-
07-02-2017 07:29 PM #11
- Ngày tham gia
- Feb 2017
- Bài viết
- 36
- Được cám ơn 2 lần trong 2 bài gởi
Sức hút dòng tiền đối với cổ phiếu nhà nước thoái vốn
Chưa bao giờ câu chuyện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lại là chủ đề nóng trên thị trường chứng khoán Việt Nam như hiện nay.
Có lẽ sau giai đoạn trồi sụt của thị trường những năm 2010 – 2014, những cổ phiếu có tính đầu cơ cao khiến nhà đầu tư mất niềm tin vì phát hành cổ phiếu quá nhiều, trong khi hiệu quả hoạt động kinh doanh sau những đợt tăng vốn lại rất thấp. Chính điều đó đã hình thành một quan điểm đầu tư mới mà phần lớn nhà đầu tư cá nhân ít quan tâm đó là đầu tư giá trị, đầu tư vào những doanh nghiệp tăng trưởng hay là những doanh nghiệp nhà nước thoái vốn có tài sản tiềm năng lớn
Chủ trương thoái vốn khỏi các doanh nghiệp mà nhà nước không nhất thiết phải nắm quyền chi phối đã được Chính Phủ xây dựng lộ trình từ nhiều năm nay nhưng việc thực hiện lại rất chậm chạp, điều đó đã khiến cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài mất niềm tin và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, kể từ năm 2015 đến nay, khi Chính Phủ quyết tâm đẩy mạnh bán vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp thì cổ phiếu của những doanh nghiệp này đã tạo nên sức hút dòng tiền thị trường rất mạnh. Kể cả những doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn như; SIC, VC3, KSB, VIS hay những doanh nghiệp mới chỉ có lộ trình thoái vốn như VNM, NTP, BMP cũng đều có mức tăng khá mạnh. Đáng chú ý là các cổ phiếu có thanh khoản rất thấp trước đây như NTP, VC3 và SIC thì hiện tại thanh khoản đã rất tốt.
Điều gì tạo nên sức hút của các cổ phiếu sau khi nhà nước thoái vốn?
Các cổ phiếu sau khi nhà nước thoái vốn như VC3, KSB, VIS và SIC đều có mức tăng giá khá mạnh trong thời gian vừa qua. Yếu tố nào khiến những cổ phiếu này trở nên hấp dẫn và thu hút dòng tiền thị trường như vậy?
Cổ phiếu VC3
Cổ phiếu VC3 đã tăng 7 lần trong hơn 1 năm trở lại đây, từ quanh mức giá 5.000 đ/cp vào tháng 4/2015 lên vùng giá 35.000 đ/cp như hiện nay, kèm theo đó là thanh khoản cũng tăng mạnh từ mức chỉ khoảng vài nghìn cổ phiếu mỗi phiên, đến nay khối lượng cổ phiếu giao dịch ở mức trên dưới 200.000 cổ phiếu mỗi phiên. Giai đoạn tăng mạnh nhất của VC3 là từ tháng 7 đến tháng 11 năm 2015 với mức tăng 200% từ quanh giá 10.000 đ/cp lên 30.000 đ/cp, khi Tổng Công ty Vinaconex thoái vốn xong.
Những điểm đáng lưu ý có thể là nguyên nhân giúp VC3 tăng giá mạnh trong giai đoạn sau khi Vinaconex thoái vốn là kết quả kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2015 rất tốt, lợi nhuận sau thuế đạt 33 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2014, ngoài ra VC3 còn thực hiện chia thưởng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:3.
Cổ phiếu KSB
Sau khi SCIC thoái vốn khỏi KSB vào tháng 3/2016, cổ phiếu này sau đó bứt phá mạnh mẽ, có thời điểm lên mức 93.000 đ/cp và hiện tại đang giao dịch ổn định ở vùng giá 70.000 – 75.000 đ/cp. Như vậy so với vùng giá 35.000 – 37.000 đ/cp khi SCIC thoái vốn thì ở vùng giá hiện nay, KSB đã tăng 100%.
Đáng chú ý là kết quả kinh doanh của KSB có sự chuyển biến rất tích cực với lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2016 đạt 154 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch lợi nhuận cả năm, đồng thời tăng mạnh 60% so với cùng kỳ năm 2015. Nếu chỉ tính trong quý 2 và quý 3 sau khi SCIC thoái vốn thì lợi nhuận sau thuế đạt 121 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2015. Điều đó cho thấy hoạt động kinh doanh của KSB hiệu quả hơn sau khi nhà nước thoái vốn.
Cổ phiếu VIS
Cổ phiếu VIS đã có mức tăng rất mạnh từ đầu năm 2016 đến nay, từ mức giá quanh 6.000 đ/cp lên mức trên 17.000 đ/cp. Cổ phiếu này bắt đầu tăng giá mạnh xuất phát từ thông tin Tổng Công ty Sông Đà thoái vốn toàn bộ 26 triệu cổ phiếu với mức giá 12.800 đ/cp và sau đó là cổ đông lớn – Công ty Thương Mại Thái Hưng chào mua công khai 12,8 triệu cổ phiếu với mức giá 13.500 đ/cp.
Mặc dù kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của VIS không thật ấn tượng so với các cổ phiếu ngành thép nhưng công ty lại có lợi thế là sở hữu nhà máy luyện phôi nên việc Bộ Công Thương ban hành Quyết định áp dụng biện pháp thuế chống bán phá giá đối với thép và phôi thép nhập khẩu sẽ giúp cho VIS có khả năng cạnh tranh tốt hơn đối với thép có xuất xứ từ Trung Quốc và những doanh nghiệp sản xuất thép trong nước nhưng nhập khẩu phôi từ nước ngoài.
Cổ phiếu SIC
Trước khi Tổng Công ty Sông Đà thoái vốn khỏi SIC vào tháng 12/2015, cổ phiếu này gần như không có giao dịch trong thời gian dài. Tuy nhiên sau đó, cổ phiếu này tăng mạnh từ vùng giá 5.000 đ/cp thời điểm đầu năm 2016 lên mức quanh 20.000 đ/cp như hiện nay với thanh khoản tăng dần lên, từ mức chỉ vài nghìn cổ phiếu mỗi phiên thì nay khối lượng khớp lệnh bình quân tăng lên gần 200.000 cổ phiếu mỗi phiên.
SIC có đặc điểm khá giống với VC3 là đều cùng ngành xây dựng, trước khi nhà nước thoái vốn thì giá trị sổ sách khá lớn, vốn điều lệ nhỏ nên sau đó cả 2 cổ phiếu này đều thực hiện chia tách cổ phiếu bằng hình thức thưởng và trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (SIC thưởng 1:1, VC3 thưởng 2:3), đồng thời đều sở hữu những dự án bất động sản tiềm năng tại TPHCM và Hà Nội.
Thống kê cho thấy, đa phần những doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn hoặc chuẩn bị thoái vốn đều là những doanh nghiệp có lợi thế nhất định nào đó. Sau khi Nhà nước thoái vốn, thông thường các doanh nghiệp cùng các cổ đông mới sẽ tái cấu trúc để hoạt động hiệu quả hơn nên giá cổ phiếu vì thế cũng tăng mạnh mẽ, thu hút được dòng tiền thị trường.
Những chuyển biến rõ nét và tích cực trong việc thực hiện tái cấu trúc của các doanh nghiệp này tập trung vào lĩnh vực chính mà doanh nghiệp có lợi thế, tái cấu trúc lại tình hình tài chính và nhân sự, tiết giảm chi phí,… nên hiệu quả kinh doanh được cải thiện rất nhiều. Với sự tham gia của những cổ đông mới, các doanh nghiệp này đã cởi bỏ được chiếc áo nhà nước và mặc vào một chiếc áo mới, tạo ra một vị thế tốt hơn trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay.
Thông tin của chủ đề
Users Browsing this Thread
Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)
Bookmarks