Trong mùa công bố kết quả kinh doanh quý III/2010, nhóm CTCK trở thành "hiện tượng" khi phần lớn có kết quả kinh doanh nghèo nàn và kém cỏi. Xét bối cảnh thị trường đìu hiu, đây là kết cục đã được dự báo trước. Tuy nhiên, một yếu tố bất thường gây ngạc nhiên lớn là khoản "doanh thu khác" của nhiều CTCK bỗng tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước. Đâu là bí mật ẩn chứa sau các con số khô khan?

Bất ngờ từ vùng "mờ"
Trong quy định hướng dẫn sổ sách kế toán không có các tiểu khoản cho tất cả nghiệp vụ phát sinh. Bởi vậy, khoản mục "doanh thu khác" ra đời nhằm bao quát nhiều hoạt động thuộc về tiểu tiết. Tuy nhiên, ở một thái cực khác, một số nhà quản trị doanh nghiệp đã khéo léo sử dụng các tiểu khoản này để che dấu những điều không muốn "nói thật" về bức tranh tài chính đang diễn ra tại doanh nghiệp.
Bởi vậy, thông thường, nếu các con số trong "vùng mờ" nằm trong giới hạn bình thường (chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu và lợi nhuận) sẽ không gây chú ý, ngược lại sẽ tạo ra nhiều hoài nghi cho người đọc.
Trong BCTC quý III vừa công bố, phần lớn CTCK đều có doanh thu giảm so với cùng kỳ năm trước và với quý liền kề. Điều này logic và phản ánh đúng thực trạng diễn biến giao dịch của thị trường: Sự trầm lắng khiến hai mảng hoạt động chính của các CTCK là môi giới và tự doanh đều gặp khó. Nhưng trái lại, doanh thu khác của nhiều CTCK tăng rất cao so với cùng kỳ năm trước, thậm chí con số này ở một số công ty lên tới gần 70% - một dấu hiệu không bình thường cần lý giải.

Nhận xét về điều này, ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Môi giới CTCK MHBS cho biết, thực sự thì đó chính là các khoản thu nhập dịch vụ chứng khoán mà không thể hạch toán vào khoản mục nào trên bảng cân đối kế toán. Đó là các khoản thu ngoài phí giao dịch mang lại trong mảng môi giới, ví dụ như lãi các hợp đồng margin (mua ký quỹ), repo (mua bán lại), ủy thác... Điều này không có gì là bí mật, chỉ có điều, trong quy định hướng dẫn sổ sách kế toán của CTCK từ Bộ Tài chính không có các tiểu khoản cho các mục đó.
Tại CTCK HSC, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc HSC xác nhận với ĐTCK, khoản doanh thu khác tăng cao tại Công ty là các thu nhập xuất phát từ một số nghiệp vụ mà HSC hỗ trợ NĐT, chẳng hạn như ứng trước tiền mua chứng khoán…
Điều này là hợp lý nếu xét trên bình diện chung của thị trường hiện nay, hầu hết CTCK đã và đang triển khai các nghiệp vụ gia tăng cho NĐT. Tuy nhiên, sẽ xuất hiện một số ngoại lệ khó giải thích như tại sao nhiều CTCK tập trung vào tự doanh vẫn thờ ơ đứng bên lề cuộc đua thị phần môi giới (thực chất khá gần với việc tài trợ vốn cho NĐT sử dụng đòn bẩy) hay một số CTCK có khoản doanh thu khác cao hơn nhiều so với doanh thu từ môi giới. Có thể thấy điều bất thường này qua phí margin của các CTCK hiện nay áp dụng là trên dưới 0,05%/ngày, tương đương 0,3 - 0,4% trong một chu kỳ mua bán T+4 từ 6 - 8 ngày. Trong khi đó, phí mua và bán hai đầu từ 0,3 - 0,7% tính theo tổng giá trị giao dịch.
Lãnh đạo một CTCK cho biết, doanh thu khác của các CTCK không chỉ giới hạn ở dịch vụ đòn bẩy tài chính, mà ở cả hợp đồng hợp tác giữa NĐT với CTCK và tự doanh bằng tài khoản ngoài, thường được các yếu nhân của CTCK đứng tên hộ. Có 3 lý do chính để CTCK thực hiện điều này. Thứ nhất, đôi khi bộ phận tự doanh của CTCK mua bán vượt quá 5% số cổ phần của DN nhỏ - giới hạn phải công bố thông tin giao dịch, điều các CTCK muốn né. Thứ hai, tính chất của nghiệp vụ này đòi hỏi trong một số tình huống cần có tài khoản đối ứng để "nâng lên, đặt xuống" một giá mã cổ phiếu nào đó. Thứ ba, thị trường vẫn chưa quên chuyện rò rỉ danh mục tự doanh của các CTCK cách đây nửa năm, một số CTCK muốn cẩn trọng "giấu mình".

Những điều đọng lại
Qua bộc bạch từ chính các CTCK, một mảng khuất trong hoạt động của CTCK đã được lộ diện. Dù trên góc độ nào thì "lát cắt" nêu trên cũng gợi nên một vài suy nghĩ. Trên góc độ CTCK, tiểu khoản "doanh thu khác" vốn dùng để ghi nhận các phát sinh lặt vặt không tên đang trở thành nguồn thu chính của công ty cho thấy mức độ thử thách của ngành trong năm 2010. Sự khó khăn sẽ còn tiếp diễn nếu TTCK không có các bước ngoặt bất ngờ trong 2 tháng còn lại của năm. Trên góc độ cơ quan ban hành chính sách, con số doanh thu khác từ báo cáo tài chính của các CTCK một lần nữa cho thấy, cần thiết phải sớm luật hóa, tạo một hành lang pháp lý cho các công cụ, nghiệp vụ mới trên TTCK. Không có lý khi nhiều thu nhập "chính" xét trên phương diện thực tế lại trở thành "kép phụ" trên báo cáo tài chính chỉ vì chính sách phát triển thị trường không theo kịp thực tế chung.