Sau đây là câu chuyện của một doanh nghiệp có thật nhưng đã được đổi tên, về tầm quan trọng của ban lãnh đạo trong việc giữ gìn giá trị doanh nghiệp.

Paperclip Partners, một doanh nghiệp thương mại điện tử chuyên ngành văn phòng phẩm đang trải qua thời kỳ sụt giảm doanh số, một phần do tính chu kỳ của ngành. Tuy nhiên, ban lãnh đạo đã không thuyết minh về vấn đề này trong bản dự tính kết quả kinh doanh mới nhất cung cấp cho thị trường chứng khoán, vì cho rằng một trong những bộ phận mới sẽ tạo ra lợi nhuận gộp cao hơn bình quân và nhờ đó sẽ khắc phục được sự sụt giảm theo chu kỳ.

Không may là doanh nghiệp đã không tính đến việc thiếu hụt tiền mặt để thanh toán các nghĩa vụ nợ và đã vi phạm một vài điều khoản tín dụng ngân hàng. Thêm vào đó, thị trường nhận ra rằng ban lãnh đạo đã không thẳng thắn trong quá trình truyền thông. Ngay lập tức, cổ phiếu của doanh nghiệp đối mặt với áp lực giảm giá ngày càng cao.

Các chuyên viên ngân hàng đã đề xuất với ban lãnh đạo một số giải pháp. Giải pháp đầu tiên là Paperclip nên thực hiện một vụ thâu tóm để củng cố hoạt động kinh doanh. Giải pháp thứ hai là ban lãnh đạo nên tái cấu trúc nợ ngân hàng bằng cách phát hành trái phiếu lãi suất cao. Đề xuất cuối cùng là bán luôn doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tiến hành đánh giá IR và thảo luận với các chuyên viên Bên bán và Bên mua. Cả chuyên viên phân tích và nhà đầu tư đều cho rằng ban lãnh đạo đang có thái độ chống lại thị trường và không chịu lắng nghe ý kiến phản hồi, họ thường phản bác khi các chuyên viên phân tích chia sẻ nhận xét hoặc cấm cửa nhà đầu tư có ý kiến phàn nàn. Hết quý này đến quý khác, thị trường chứng khoán liên tục cảm nhận rằng doanh nghiệp cố tình giữ lại tin xấu, kể cả khi doanh nghiệp bất ngờ gặp phải tin xấu khiến lợi nhuận giảm mạnh.
Ban lãnh đạo đang phải vật lộn với việc giữ gìn uy tín của mình. Trong nội bộ doanh nghiệp không có trách nhiệm rõ ràng, số liệu không minh bạch, ban lãnh đạo không dự báo được tình huống và thị trường chứng khoán hầu như không biết gì về doanh nghiệp. Thị trường chứng khoán không quan tâm đến việc định giá bởi vì lãnh đạo doanh nghiệp không có chỗ đứng trong cộng đồng đầu tư.



IR phản hồi thông tin này đến ban lãnh đạo. Điều đáng mừng là thị trường chứng khoán cảm thấy giá cổ phiếu có thể rất hấp dẫn nếu ban lãnh đạo thay đổi. Ngược lại, việc mất niềm tin vào ban lãnh đạo đã khiến giá cổ phiếu xuống thấp đến nỗi mỗi bước đi để tác động vào định giá chỉ đem lại sự hòa hoãn tượng trưng; không một giải pháp nào, kể cả việc bán đi doanh nghiệp, có thể đem lại cho cổ đông mức giá trị mà hội đồng quản trị nghĩ là phù hợp.
Paperclip cần tái định hình câu chuyện và giành lại niềm tin của thị trường chứng khoán. IR đề nghị doanh nghiệp thực hiện những thay đổi sau và đem ra thảo luận ở buổi hội thoại tiếp theo với cộng đồng đầu tư:

• Thay đổi giọng điệu trong tất cả các kênh truyền thông – từ phòng vệ và kiêu ngạo sang hòa giải.
• Trau chuốt hình ảnh doanh nghiệp nhằm thể hiện một mô hình kinh doanh đơn giản nhưng có tổ chức.
• Tổ chức đánh giá nội bộ để nâng cao trách nhiệm cho từng phòng ban.
• Định giá trực tiếp theo EBITDA, không theo lợi nhuận.
• Thực hiện các sáng kiến cắt giảm chi phí.

Mỗi thay đổi đều gửi đến thị trường chứng khoán một thông điệp rằng ban lãnh đạo Paperclip đã có trách nhiệm, minh bạch, đáng tin cậy và cởi mở với cộng đồng đầu tư. Các ngân hàng trở lại và nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu hoặc bắt đầu mua vào.

Tinh thần của câu chuyện: Doanh nghiệp này có hoạt động kinh doanh tốt, một câu chuyện hay và một kế hoạch hiệu quả. IR giúp họ điều chỉnh các mục tiêu ngắn hạn để phù hợp với chiến lược dài hạn và giữ uy tín với thị trường chứng khoán. Việc truyền tải câu chuyện này đến thị trường chứng khoán giúp doanh nghiệp được các chuyên viên phân tích phát hành báo cáo, được Bên bán quan tâm nhiều hơn và Bên mua tăng cường nắm giữ.

Vietstock