Báo NanYang của Malaysia vừa có bài viết đánh giá Việt Nam đã trở thành một trong 5 quốc gia hàng đầu thế giới có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất và đang là địa chỉ thu hút sự ủng hộ của giới đầu tư trên thế giới, trong đó có các nhà đầu tư từ Malaysia.


Bài báo viết: Với sự ổn định của kinh tế vĩ mô, tỉ lệ tăng trưởng bền vững và tình hình lạm phát ổn định, trong 5 năm vừa qua Việt Nam đã duy trì được tỉ lệ tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,9%. Sự tăng trưởng kinh tế tuyệt vời đó đã đưa Việt Nam trở thành một trong 5 quốc gia hàng đầu thế giới có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất.
Theo thống kê của Bloomberg News, trong 25 quốc gia có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cao nhất, Việt Nam đứng thứ 12. Trong tương lai Việt Nam được coi là một nơi hấp dẫn nhất cho những nhà đầu tư trên thế giới.

Số liệu thống kê 6 tháng đầu năm nay, có thể thấy rằng, sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế Việt Nam vẫn đang được tiếp tục duy trì. Trên hầu hết các lĩnh vực và kinh tế đều đạt được những thành tựu lớn về tăng trưởng. Cụ thể, sản lượng công nghiệp tăng 13,6%, lợi nhuận từ xuất khẩu tăng 15,7% đạt 32,1 tỷ USD.

Ông Cheewin Radar, Hiệp hội Công Thương Australia cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã có những phản ứng nhanh trong việc điều hòa sự ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, đồng thời đã có những hành động hữu hiệu trong việc khống chế chính sách tài chính, làm giảm tỉ lệ lạm phát. Tốc độ phục hồi kinh tế sau suy thoái của Việt Nam đang nhanh hơn so với nhiều quốc gia đang phát triển khác trong khu vực châu Á.

Còn Tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) tin rằng, mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt tới khoảng từ 7% đến 7,5%. Khoảng cách phát triển kinh tế giữa Việt Nam và những nền kinh tế phát triển trên thế giới đang được thu hẹp dần. Những trở ngại trong hoạt động đầu tư ở Việt Nam cũng sẽ giảm thiểu nhiều.Ông Ken Atnkinson, giám đốc tập đoàn Grant Thornton Việt Namcho rằng kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh chóng từ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Cuộc khảo sát mới đây của Grant Thornton Việt Nam cho thấy, có đến 67% nhà đầu tư nước ngoài nhận xét rằng Việt Nam hiện là điểm đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực ASEAN.

Grant Thornton Việt Nam cho biết thêm, hoạt động góp vốn đầu tư tư nhân (PE) tại Việt Nam hiện không còn bị giới hạn bởi số lượng nhà đầu tư, mà đã được mở rộng sang nhiều cộng đồng đầu tư tư nhân khác nhau nhờ vào sự tăng trưởng tốt của nền kinh tế. Đối với các PE nước ngoài, các công ty tư nhân Việt Nam đang mang lại cơ hội cho họ quay lại và tập trung vào các khoản đầu tư dài hạn.

Đài phát thanh Hoa Kỳ (VOA) dẫn lời Giám đốc ngân hàng Commonwealth (Úc) tại Việt Nam, ông Danny Armstrong, cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã an toàn từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, ông nói: “Năm ngoái, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,3%; trong khi tình hình tại hầu hết các nền kinh tế phát triển không tốt. Có thể nói, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá lạc quan”.

Theo báo cáo Cạnh tranh toàn cầu 2010/2011 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ,chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tăng 16 bậc, từ vị trí thứ 75 của năm ngoái lên hạng 59, với số điểm đạt được là 4,27 điểm.

Mới đây nhất, ngày 18/10, đoàn doanh nghiệp Thụy Sỹ do ông Baumgartner, Giám đốc khối hỗ trợ doanh nghiệp của Tập đoàn hàng đầu ngân hàng, dịch vụ tài chính- Credit Suisse AG đã dẫn đầu đại diện của 22 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xuất nhập khẩu, quản lý đầu tư, du lịch, sản xuất công nghiệp, bất động sản… đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào thành phố Hà Nội.

Tập đoàn JAKS của Malaysia cho biết, họ đang chuẩn bị xây dựng một nhà máy nhiệt điện tại Hải Dương với công suất 1200MW gồm 2 tổ máy hoạt động độc lập vào quý IV/2010. Dự kiến, tổ máy đầu tiên sẽ đưa vào sử dụng vào quý IV/2014, tổ máy số 2 sẽ bắt đầu hoạt động vào quý II/2015.