Trích dẫn Gửi bởi traderviet Xem bài viết
Kiến thức về quỹ ETF

Quỹ hoán đổi danh mục (Exchange-Traded Fund), gọi tắt là quỹ ETF, là quỹ mở được hình thành từ việc tiếp nhận, hoán đổi danh mục chứng khoán cơ cấu lấy chứng chỉ quỹ. Trong đó, danh mục chứng khoán cơ cấu là danh mục bao gồm các chứng khoán được thiết kế nhằm mô phỏng biến động của chỉ số tham chiếu và được công ty quản lý quỹ chấp nhận trong giao dịch hoán đổi lấy lô chứng chỉ quỹ ETF. Quỹ ETF không chỉ mô phỏng chỉ số chứng khoán mà có thể là hàng hóa hay một rổ cổ phiếu. Việc hoán đổi danh mục chứng khoán cơ cấu lấy lô chứng chỉ quỹ hoặc ngược lại thường được thực hiện bởi các nhà đầu tư tổ chức, sau đó các lô chứng chỉ quỹ có thể được chia nhỏ ra và bán lại cho các nhà đầu tư khác trên sàn giao dịch.

Đối với các quỹ ETF mô phỏng chỉ số, nếu có bất kỳ chỉ số nào được tạo ra thì có thể có từng ấy loại quỹ ETF được hình thành. Những quỹ ETF phổ biến nhất trên thế giới là các quỹ ETF trên các chỉ số cổ phiếu, mô phỏng các chỉ số cổ phiếu phổ biến như các chỉ số MSCI và FTSE. Ở Việt Nam, quỹ ETF đầu tiên là quỹ ETF VFMVN30 mô phỏng chỉ số VN30, bao gồm 30 công ty niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), có giá trị vốn hóa và thanh khoản lớn hàng đầu.

Các loại hình Quỹ ETF:

Phân loại theo cách quản lý quỹ: chủ động hay thụ động:

Quỹ ETF thụ động: hầu hết các quỹ ETF hoạt động trên thế giới mô phỏng theo các chỉ số tham chiếu của một thị trường nào đó đều là quỹ ETF thụ động. Các công ty quản lý quỹ không phải trực tiếp lựa chọn danh mục và can thiệp vào hoạt động mua bán chứng khoán cho quỹ mà chỉ việc thực hiện quản trị quỹ sao cho quỹ ETF mô phỏng chính xác chỉ số tham chiếu mà quỹ hướng tới. Do vậy, công ty quản lý quỹ cũng sẽ không can thiệp vào điều hành quỹ kể cả trong trường hợp chỉ số tham chiếu giảm mạnh, hay nói cách khác là công ty quản lý quỹ sẽ thụ động trong việc quản trị quỹ, để sao cho quỹ được mô phỏng chính xác nhất chỉ số mà quỹ theo đuổi. Quỹ ETF đầu tiên của Việt Nam là quỹ ETF VFMVN30 do công ty VFM quản lý là quỹ thụ động mô phỏng chỉ số VN30.

Quỹ ETF chủ động: trong vài năm trở lại đây, loại hình quỹ ETF chủ động đã xuất hiện và được chào bán cho các nhà đầu tư. Quỹ ETF chủ động được điều hành bởi một công ty quản lý quỹ với mục tiêu làm tốt hơn chỉ số tham chiếu mà quỹ hướng tới, tương tự mục tiêu của các quỹ mở hay quỹ đóng.

Phân loại theo cấu trúc danh mục của quỹ ETF: ETF thuần túy hay ETF tổng hợp:

Các nhà cung cấp sản phẩm quỹ ETF có thể sử dụng hình thức quỹ ETF thuần túy hay quỹ ETF tổng hợp để đảm bảo quỹ của họ có thể mô phỏng chính xác nhất chỉ số tham chiếu.

Quỹ ETF thuần túy: quỹ dạng này sẽ sử dụng hình thức mô phỏng thuần túy, mua và sở hữu tất cả các chứng khoán cấu thành của chỉ số tham chiếu với mục tiêu sao chép hiệu quả của chỉ số tham chiếu. Hình thức này đơn giản và minh bạch. Nhưng hình thức mô phỏng thuần túy thông qua việc mua và bán thành phần cấu thành nên chỉ số tham chiếu sẽ làm tốn nhiều công sức và chi phí cho quỹ, làm hạn chế mục tiêu tối thiểu hóa chi phí của quỹ (một trong những lợi thế của quỹ ETF). Ngoài ra, quỹ ETF thuần túy dễ gặp phải sai số mô phỏng lớn do chi phí cho quỹ lớn (chi phí quản trị quỹ), thuế áp dụng với quỹ, và thời gian lợi tức mà các chứng khoán cơ cấu có được về đến tài khoản của quỹ ETF. Chính vì những lý do trên mà các nhà quản lý quỹ đã nghĩ đến hình thức quỹ ETF tổng hợp.

Điển hình của loại quỹ ETF hoạt động theo hình thức thuần túy là các quỹ ETF do iShares quản lý.

Quỹ ETF Tổng Hợp: mô phỏng theo hình thức tổng hợp nhằm làm giảm chi phí và sai số mô phỏng nhưng sẽ tăng rủi ro cho nhà đầu tư. Nhiều nhà quản lý quỹ ETF ở Châu Âu sử dụng hình thức tổng hợp để hạn chế sai số mô phỏng và đạt được mục tiêu đầu tư (theo sát chỉ số tham chiếu). Các quỹ ETF tổng hợp thường ký kết một hợp đồng hoán đổi (swap) với một hay nhiều bên để có thể có danh mục bám sát được chỉ số tham chiếu. Nói cách khác, quỹ ETF tổng hợp sử dụng tiền của quỹ để mua lấy sự biến động của chỉ số tham chiếu do bên bán hợp đồng trả và bên bán được sử dụng tiền đó để mua chứng khoán khác nhằm tạo ra chênh lệch với biến động của chỉ số tham chiếu để có lợi nhuận. Hiện tại, chỉ có các nhà quản lý quỹ ETF ở Châu Âu và Châu Á được phép sử dụng hình thức tổng hợp. Ở Hoa Kỳ, Ủy Ban Chứng Khoán (SEC) không cho phép hình thức này hoạt động.

Trong nhiều trường hợp khi các chứng khoán cơ cấu kém thanh khoản, nhiều chỉ số khó phản ánh đúng thị trường. Khi đó, hình thức tổng hợp sẽ hạn chế bớt sai số mô phỏng và giúp các nhà quản lý quỹ ETF đạt được hơn mục tiêu của quỹ. Đó là lý do hình thức quỹ ETF tổng hợp được lựa chọn đối với các chỉ số tham chiếu tại thị trường mới nổi hay các chỉ số tham chiếu cho các ngành nhỏ của một thị trường nào đó.
Điển hình của loại quỹ ETF hoạt động theo hình thức tổng hợp là các quỹ ETF do Deustch Bank quản lý.
Bài viết hay, cảm ơn bạn nhé