Các ngành sản xuất kinh doanh của nền kinh tế có “ăn” vào cơ cấu dân số vàng được mãi hay không, hay chúng ta chỉ có một thời gian ngắn để chuẩn bị đầu tư đón thời đại “bạch kim” – một thời đại không hoàn toàn lấp lánh.

Một thực tế rất gần lại đang hiện hữu: Năm 2017, VN sẽ chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Từ già hóa, chuyển sang cơ cấu già của VN, lại có tốc độ nhanh hơn bất kì một quốc gia nào khác.

Tiêu dùng, thực phẩm, y tế – Tiềm năng bỏ ngõ

Dân số đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế, quyết định cấu trúc nhân lực và thị trường tiêu dùng. Thống kê dân số năm 2014, dân số VN chính thức là 95 triệu người, cứ 1 km2 có 273 người sinh sống. 2/3 dân số trong đó thuộc độ tuổi lao động (60 triệu người, với 15-59 tuổi). Theo đó cứ 2 người làm việc sẽ hỗ trợ một người phụ thuộc. Cơ hội này sẽ kéo dài đến 2041 và có thể biến thành lợi tức về mặt kinh tế. Nhưng ở góc nhìn khác, dân số “bạch kim” nếu chiếm 10%, sẽ tương đương tới 9 triệu người – gấp hơn 1,3 lần dân số Singapore vào năm 2014. Đến 2030, tỷ lệ này sẽ là 20% và 2050 là chiếm tới 1/3 dân số VN. Một thị trường tiêu dùng mới cho nhóm người già là điều mà các chuyên gia đã và đang phác thảo.

Theo các chuyên gia, người già là nhóm tiêu dùng quyền năng, già có hơn, khỏe mạnh hơn chịu chi hơn, có nhiều thời gian để chi tiêu. Cũng cần lưu ý rằng ở thị trường VN, các ngành tiêu dùng nói chung đều đang nhắm đến giới trẻ, từ các thiết bị điện tử cho đến các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Song, gần như chưa có một thống kê chính xác nào để xác nhận bao nhiêu người tiêu dùng trẻ có thể làm ra lợi tức, có tích lũy và chi trả được cho những hàng hóa họ tiêu dùng, hay phần lớn đều do bố, mẹ, do những người lao động trung niên và sau tuổi trung niên tích lũy, đặc biệt là ở các khoản chi trả chi tiêu cho tài sản lớn (nhà, phương tiện đi lại).

Lấy một ví dụ về sự thiếu vắng các dịch vụ, sản phẩm phục vụ cho người tiêu dùng nhóm già trong ngành sữa. Theo một thống kê, các DN ngành sữa trong nước hiện vẫn tập trung nhóm sữa bột dành cho trẻ em (dưới 12 tuổi) và sữa nước dành cho cả trẻ em lẫn người lớn (đến khoảng 29 tuổi). Phân khúc trung niên và già được tiên phong bởi Anlene, một nhãn hàng nhập ngoại từ Abbott (Mỹ) và thị phần gần như độc chiếm. Sự gia nhập của Vinamilk Sure Prevent, nhãn hàng dành cho phân khúc này của Vinamilk hay một vài nhãn khác tuy đã làm phong phú thêm lựa chọn của người tiêu dùng, song tất cả cũng mới chỉ dừng lại ở đó.

Tương tự như vậy, thực phẩm chức năng dành cho người già ở VN nói chung, phần lớn cũng vẫn đang nhập khẩu. Một thị phần vàng cho nhóm DN siêu nhỏ chuyên hàng “xách tay” thu lợi, mà lợi tức cho nguồn thuế quốc gia và việc “chảy máu ngoại tệ” vì nhập khẩu thì gần như không được ai kiểm soát.

Mở rộng từ sữa, thực phẩm dinh dưỡng, chức năng đến chăm sóc y tế – chuỗi sản phẩm dịch vụ này cũng đang gần như để ngỏ. Với khoảng 2,7 bệnh mà trung bình một người già mắc phải, theo thống kê của Bộ Y tế, và chi phí dành cho chữa bệnh của người già tốn gấp 7 lần so với người trẻ, chỉ tính riêng khoảng 150.000 người bệnh ung thu, trong đó đa phần là người trung niên và già ra đi mỗi năm, thị trường kinh doanh để chăm sóc người già, bao gồm y tế, giải trí, hộ lý phụng đưỡng… thực là những “ngách”kinh doanh mà DN nào đi trước, sẽ tới đích tốt hơn. Hiện một số DN VN bước vào khai thác lĩnh vực này nhưng cơ bản, vẫn chưa làm thay đổi được tâm lí chữa bệnh và chăm sóc y tế cho người già ở nước ngoài tốt hơn trong nước, và chưa thay thế hoặc cạnh tranh ngang ngửa được với các tập đoàn ngoại. Phát triển dịch vụ bệnh viện tư, đón đầu xu hướng chăm sóc dịch vụ y tế chuyên nghiệp và hiện đại như trường hợp Vinmec của Vingroup, thực tế vẫn quá hiếm.