Hy Lạp cư xử y như Chí Phèo – chính xác là những gì mà mình nghĩ đến khi theo dõi tin tức về Hy Lạp dạo gần đây.

Bởi vì Hy Lạp đến cuộc họp với lãnh đạo Liên Minh Châu Âu và IMF mà không có phương án trả nợ hợp lý nào cũng như kiên quyết không chấp nhận những điều kiện “thắt lưng buộc bụng” mà EU đưa ra. Tóm lại là, không khác gì muốn được hỗ trợ vô điều kiện.

Tại sao Hy Lạp “ăn vạ” như vậy nhưng EU và IMF vẫn cố gắng tìm cách cứu Hy Lạp – không để nước này bị vỡ nợ và phải rời khỏi Liên Minh Châu Âu EU?

Bởi vì để Hy Lạp rời khỏi EU sẽ có những hậu quả “ khôn lường”. Chính quyền Hy Lạp có vẻ nắm rất rõ những “điểm yếu” này của EU và tận dụng triệt để chúng nhằm đạt được mục tiêu của mình.

Trước hết với Hy Lạp, tình huống tệ nhất khi họ phá sản và rời khỏi EU là gì?

Lúc này có thể Hy Lạp sẽ quay về với đồng tiền cũ của mình – đồng Drachma (hay cũng có thể sẽ là một đồng tiền mới được đặt tên ABC gì gì đó). Lúc này trong ngắn hạn Hy Lạp sẽ có rất nhiều khó khăn,

Tiền sẽ được rút ồ ạt ra khỏi hệ thống ngân hàng khiến cho hệ thống ngân hàng có khả năng sụp đổ – (Hy Lạp có thể tìm cách ngăn chặn việc này xảy ra bằng luật pháp ).

Lạm phát tăng nhanh, nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả nợ…

Uy tín quốc gia giảm sút …

Tuy nhiên nếu rời khỏi EU Hy Lạp sẽ giành lại một quyền quan trọng của họ mà khi gia nhập EU họ đã mất quyền này đó là “quyền in Tiền”. Cùng với việc vận hành những chính sách tài khóa, tiền tệ và thúc đẩy phát tiển kinh tế,theo thời gian Hy Lạp được hưởng lợi khi có một tỷ giá hối đoái cạnh tranh và sẽ dần khôi phục lại – cái giá phải trả có thể rất đắt với chính quyền và chất lượng đời sống của người dân hiện tại.

Với EU – nếu Hy Lạp phá sản và rời khỏi thì sẽ có ảnh hưởng ra sao?


Thứ nhất Hy Lạp rời khỏi EU sẽ giống như hiệu ứng domino, về dài hạn có thể khiến liên minh Châu Âu tan rã – bởi các nước tương tự Hy Lạp trong EU không ít (ví dụ như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha …). EU tan rã đồng nghĩa với đồng tiền chung Châu Âu sụp đổ.

Nền kinh tế Châu Âu sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên và nghiêm trọng, dòng vốn đầu tư có thể rút chạy do tính bất ổn tăng, lãi suất cho vay theo đó sẽ tăng lên, tăng trưởng giảm sút…

Khi đồng tiền này sụp đổ, thương mại của tất cả các nước có liên quan đều sẽ rơi vào tình trạng khó khăn. Điều này gần như đồng nghĩa với việc thương mại toàn cầu sẽ ngừng trệ và hoàn toàn có thể Kéo theo đó là một cuộc Đại khủng hoảng toàn thế giới. – Với rủi ro này không chỉ Pháp, Đức mà có lẽ cả Mỹ cũng không hy vọng Hy Lạp rời EU.

Đấy mới chỉ là những ảnh hưởng về kinh tế. Đáng lo hơn là ảnh hưởng về chính trị kéo theo. Có thể là biểu tình, là bạo động …

Với những nguy cơ tiềm ẩn trên, Có lẽ Hy Lạp tin rằng EU và Mỹ sẽ không dám mạo hiểm để nước này rời khỏi Liên Minh Châu Âu khi chưa có một kịch bản hoàn hảo. Và họ hoàn toàn có cơ sở để tiếp tục làm “Chí Phèo” cấp quốc gia.

Với nhưng phân tích trên đây mình cũng tin rằng lần này EU sẽ tiếp tục “đạt được thỏa thuận” với Hy Lạp và trước mắt Hy lạp sẽ chưa rời khỏi EU. Tuy nhiên về lâu dài tình huống này sẽ lặp lại và không biết EU sẽ tiếp tục nuôi các “con nghiện” để tránh đổ vỡ Liên Minh đến bao giờ.

Với những ai không theo dõi thì mình tóm tắt sự kiện như sau:

Sau khi chi tiền đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tổ chức Thế vận hội Athens năm 2004 ngân sách của Hy Lạp trở nên trống rỗng với tỷ lệ bội chi khoảng 8%.

Mặt khác, vào năm 2008, khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, các ngành công nghiệp chủ đạo của Hy Lạp như du lịch hay vận tải quốc tế bị ảnh hưởng mạnh. Nguồn thu cho ngân sách chính phủ bị suy giảm, hơn nữa nhà nước Hy Lạp lại buộc phải tăng chi tiêu công nhằm kích thích tăng trưởng.

Những ngày cuối năm 2010, thâm hụt ngân sách ngày càng trầm trọng. Định mức tín nhiệm của Hy lạp bị đánh tụt về mức BBB- của S&P. Từ đây, Hy Lạp rơi vào thời gian dài bất ổn xã hội do làn sóng biểu tình phản đối của người dân.

Vào thời điểm căng thẳng này, các nhà lãnh đạo EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã ra tay cứu giúp Hy Lạp, tránh cho nước này vỡ nợ. Họ công bố gói cứu trợ kỳ hạn 3 năm trị giá 110 tỷ euro dành cho Hy Lạp. Ngoài ra, IMF cho Hy Lạp vay thêm 3,3 tỷ USD, nâng tổng giá trị các khoản vay khẩn cấp mà IMF dành để ngăn chặn khả năng vỡ nợ của nước này lên 13,98 tỷ USD.

Tình hình sau đó không có gì khởi sắc, Hy Lạp không có hy vọng gì trả được số nợ của mình vào 2013.

Tháng 3/2012, các chủ nợ tư nhân đồng ý hoán đổi 85% nợ cho Hy Lạp, giúp cắt giảm khoảng 100 tỷ EUR nợ khỏi nghĩa vụ nợ của quốc gia này. Ngay lập tức, ngày 9/3, Fitch và Moody’s đồng loạt tuyên bố Hy Lạp đã vỡ nợ. Trước đó, vào ngày 28/2, Athens cũng bị một hãng định mức tín nhiệm hàng đầu khác là S& P xem là đã vỡ nợ một phần.


Trong suốt các năm 2013 và 2014 Hy Lạp đã cố gắng thực hiện một kế hoạch ngân sách “khắc khổ” với các khoản chi tiêu công bị cắt giảm mạnh nhằm giành được cứu trợ tài chính của quốc tế. Tuy nhiên khi thực thi chính sách “thắt lưng buộc bụng” khắc khổ này thì chính quyền Hy Lạp vấp phải những làn sóng biểu tình phản đối mạnh mẽ của người dân do tỉ lệ thất nghiệp tăng và phúc lợi xã hội (y tế, giáo dục, hưu trí…) của họ bị ảnh hưởng.

Bước ngoặt xảy ra vào cuối 2014 – đầu 2015 khi Hy Lạp có thủ tướng mới – trẻ nhất trong vòng 150 năm trở lại đây. Tân Thủ Tướng Alexis Tsipras – người giành được ủng hộ với cam kết chấm dứt chuỗi thời gian thắt lưng buộc bụng khắc khổ và đối mặt với các chủ nợ một cách cứng rắn.

Cho đến hiện nay, nếu trước 30/6 này Hy Lạp không đạt được thỏa thuận với EU và IMF thì nước này sẽ mất khả năng chi trả các khoản nợ cũng như hết tiền trang trải các kinh phí của hoạt động đời sống.

Nguồn: http://giaodichquyenchon.com/hy-lap-...cho-tuong-lai/