Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt...

Jese Livermore là con nhà nghèo, bố mẹ là nông dân ở tỉnh lẻ, gần Boston. Đến thành phố phồn hoa New York lập nghiệp, Livermore không tránh khỏi bị kỳ thị. " Eo ơi, chơi với thằng hai lúa Livermore làm gì cho ôi người. Quê một cục!". Ông gặp không ít khó khăn trong việc thiết lập các mối quan hệ làm ăn, đồng nghiệp, bạn bè v.v...
Livermore biết thế, nhưng không mấy bạn tâm vì chuyện này. Hàng ngày ông đến phòng làm việc, ngồi một mình im lặng nhìn lên bảng giá chứng khoán, với niềm tin thần thánh:"Mọi thông tin đều phản ánh vào giá". Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, ngồi nhà cũng có tin.

Phần lớn thời gian giá các cổ phiếu nhảy múa lung tung trong một khoảng không gian hẹp, giới hạn bởi 2 đường thẳng song song. Ông gọi khoảng không gian đó là " Kênh xu thế" (Trend Band). Đường giới hạn phía dưới ông gọi là "Đường xu thế hỗ trợ" (Trend Line Support). Đường giới hạn phía trên ông gọi là "Đường xu thế kháng cự" (Trend Line Resistance).

Kênh xu thế lúc đi lên, khi đi xuống, có lúc lại đi ngang. Ông đặc biệt chú ý đến các kênh xu thế đi ngang. Nếu đột nhiên giá của một cổ phiếu nào đó nhảy vọt lên trên đường kháng cự, ông lẩm nhẩm một mình:"Sắp có tin quan trọng đây". Ông không vội mua vào, mà tiếp tục theo dõi thêm một, hai ngày. Nếu giá cổ phiếu không giảm về kênh xu thế ban đầu, ông quyết định mua vào cổ phiếu đó.
Nếu nhiều cổ phiếu đồng loạt nhảy qua đường kháng cự, ông lẩm bẩm:"Tin quái gì mà kinh khủng thế? Không nhẽ vợ Tổng thống Mỹ sắp đẻ?". Ông chọn những cổ phiếu tốt nhất thị trường để mua vào.
Mỗi lần TTCK Mỹ có bão, tiền chảy vào tài khoản của Livermore như nước sông Trường Giang.

PTKT đưới dạng nguyên khai, thực chất là cách tiếp cận thông tin độc đáo, do Livermore nghĩ ra, để kiếm tiền trên thị trường chứng khoán.
(Còn nữa)