Phân tích kỹ thuật (PTKT) có đúng với TTCK VN? (Tiếp theo)

Càng ít học, càng kiếm được nhiều tiền.

Tổ sư của nghề "Đầu cơ, lướt sóng chứng khoán" là Jese Livermore - Thần đồng chứng khoán Mỹ. Ông cũng là người đầu tiên sử dụng phân tích giao dịch thị trường để tìm ra xu hướng giá, cái mà ngày nay mọi người gọi là "Phân tích kỹ thuật" (PTKT). Jese Livermore nổi tiếng chủ yếu vì 3 lần đánh sập TTCK Mỹ và phải ra hầu tòa.
Nhà nghèo, Jese phải bỏ học, lên thành phố Boston kiếm sống từ năm 14 tuổi. Cậu bé Jese được nhận vào làm việc ở một cửa hàng cá cược chứng khoán.

Lúc bấy giờ (cuối thế kỷ thứ 19) cả nước Mỹ chỉ có một sàn GDCK duy nhất ở phố Wall New York. Muốn mua bán chứng khoán chuyên nghiệp, phải mua một cái ghế trên sàn GD với giá rất đắt, để hàng ngày đến sàn theo dõi. Chỉ những người giàu và rất giàu mới đủ tiền tham gia TTCK. Còn dân nghèo, tỉnh lẻ thì chịu bó tay. Vì vậy, lúc đó trên đất Mỹ, các cửa hàng, công ty cá cược chứng khoán mọc lên như nấm sau mưa, để thỏa mãn sự hiếu kỳ của những người bình dân, và tham vọng làm giàu nhanh của các con bạc.
Cá cược chứng khoán đại loại như sau: Bạn đặt cược 1 đô-la (bao nhiêu tùy ý) vào cổ phiếu XYZ nào đó. Nếu giá cổ phiếu giảm >10%, bạn mất trắng. nếu giá cổ phiếu tăng 10%, bạn được nhận 2 đô la; tăng 20 % bạn được nhận 3 đô la v.v... từ nhà cái.
Lúc đó cũng chưa có Internet, điện thoại. Phương tiện truyền tin duy nhất là máy điện tín. Máy điện tín giống như máy FAX, nhưng thô sơ hơn nhiều. Thông tin được mã hóa, truyền đi bằng đường dây. Người nhận phải làm công việc ngược lại là khôi phục thông tin mã hóa thành ngôn ngữ thông dụng.
Công việc của Jese là nhận điện tín từ sàn GDCK New York, dịch ra tiếng Anh thông dụng rồi viết lên trên một cái bảng để mọi người theo dõi. Thông tin chủ yếu bao gồm, giá và khối lượng giao dịch của các mã cổ phiếu niêm yết.
Nhờ tài năng bẩm sinh, cậu bé Jese sớm nhận ra quy luật tăng giảm giá các cổ phiếu thông qua dữ liệu giao dịch. Jese lấy lương của mình để thử vận may, không ngờ đánh đâu thắng đó. Chỉ 2 năm sau Jese đã dành dụm được đủ số tiền mua một cái ghế ở sàn GDCK New York và vốn ban đầu để khởi nghiệp.

Có một thời trong đầu tôi nảy ra một ý nghĩ điên rồ là: Tìm hiểu mọi ngõ ngách của PTKT, để tìm ra cho mình "bí quyết làm giàu". Nhưng thật là nản: càng đi sâu vào PTKT, càng cảm thấy mờ mịt, giống như đi vào một khu rừng rộng mênh mông, dễ bị lạc, khó tìm được lối ra. Tôi đành bỏ dở dự định ban đầu. Từ đó trong tôi hình thành một nguyên tắc không thay đổi: "Càng ít học, càng kiếm được nhiều tiền".
Trung thành với nguyên tắc của mình, tôi chỉ tiếp thu PTKT dưới dạng nguyên sơ mà Livermore đã sử dụng để kiếm tiền. Những thứ cao siêu hơn tôi không biết, vì chưa học.
(Còn nữa)