Nhiều người nói dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai khi thực hiện phải lấp sông, tôi nghe thấy rất phản cảm. Thực ra, ở đây chủ yếu là trả lại phần đất mà trước đây bờ sông bị lở mà không tác động về dòng chảy - Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Khương Văn Mười nói.

Biên Hòa là đô thị sông nước, nên khi phát triển cần phải thể hiện được bản sắc sông nước. Khu vực sông Đồng Nai rất lớn nhưng phát triển đô thị ven bờ sông vẫn chưa có công trình kiến trúc nào tạo được diện mạo, ấn tượng cho thành phố.

Tuổi trẻ của tôi gắn bó với vùng sông nước này nên tôi còn nhớ rõ, ngày xưa ven sông còn có một con đường nhỏ, người dân vẫn đi dọc theo sông hàng ngày. Sau này vì bờ sông sạt lở mất cả con đường này nên các hộ dân ở đây vô tình được sở hữu mặt tiền con sông. Tuy nhiên, khi đường bị lở mất thì cộng đồng dân cư không còn ra bờ sông được nữa. Theo tôi, tạo ra một không gian chung để người dân có thể ra đó sinh hoạt, vui chơi là điều cần thiết.

Hơn 3 năm trước, khi được Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật tỉnh Đồng Nai mời tham gia tư vấn, phản biện cho đề án này, tôi ủng hộ quan điểm phải cải tạo, chỉnh trang lại bờ sông Đồng Nai. Tôi còn nhấn mạnh: phải quy hoạch lại diện mạo đô thị khu vực này bằng cách mở ra những không gian dọc sông; tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử hiện có; kết nối và khai thác các tiện ích công cộng, đồng thời lưu ý các công trình kiến trúc phải phù hợp với cảnh quan thì dự án mới đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển của TP.Biên Hòa.

Để thực hiện một công trình như dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, tôi nghĩ không phải ai cũng đồng thuận, nhưng phải nghĩ đến cái chung lớn hơn. Nếu ngân sách tỉnh có đủ để làm bờ kè và công viên ở đây thì quá tốt, nhưng vấn đề về vốn đầu tư eo hẹp nên việc thực hiện xã hội hóa cũng đang là một xu hướng phù hợp với tốc độ phát triển của địa phương.

Việc dư luận xã hội quan tâm đến dự án là các công trình kiến trúc phải đảm bảo hoạt động công cộng của người dân, phải tạo được diện mạo cho đô thị như một tác phẩm nghệ thuật để nhắc đến Đồng Nai là mọi người nghĩ ngay đến công trình đó. Ngoài ra, việc quản lý và khai thác dự án này như thế nào để vừa đảm bảo tính công ích cho người dân Biên Hòa, đồng thời phải hài hòa lợi ích cho nhà đầu tư. Dĩ nhiên, việc chọn lọc để thực hiện một dự án có giá trị kiến trúc, thẩm mỹ và mang lại hiệu quả cao thì người dân sẽ chấp nhận.

Báo Đồng Nai