Ngày 27/11/2014, OEPC quyết định giữ nguyên sản lượng (30 triệu thùng/ngày) mặc cho giá dầu giảm sâu khiến cả thế giới ngạc nhiên và nghi ngờ mục đích của động thái này.

Vào tháng 1 vừa qua, Tổng thư ký OPEC Abdalla el-Badri đã khẳng định lại quyết định của tổ chức này có ý nghĩa về mặt chi phí sản xuất. Những nước nào có chi phí sản xuất cao hơn như Mỹ sẽ phải nhường đường cho những nước có chi phí sản xuất thấp hơn, như hầu hết các nước thành viên OPEC.

Dường như kịch bản này sắp trở thành sự thật.

IEA hạ dự báo tăng trưởng cung dầu ở Mỹ

Hôm qua (10/2), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ dự báo tăng nguồn cung từ các nước ngoài OPEC trong năm 2015 do các công ty phải cắt giảm đầu tư để đối phó với giá dầu sụt giảm, và hạ dự báo đối với sản lượng của Mỹ trong năm nay.

IEA cho biết, việc cắt giảm vốn đầu tư đã khiến Cơ quan này phải hạ dự báo tăng nguồn cung của các nước ngoài OPEC trong năm 2015, từ mức dự báo 950,000 thùng/ngày trong báo cáo tháng trước, xuống còn 800,000 thùng/ngày.

Đặc biệt, IEA đã hạ dự báo tăng trưởng sản lượng của Mỹ trong 2015 xuống còn 12.4 triệu thùng/ngày, giảm 200,000 thùng so với dự báo trước đó.

IEA cũng dự đoán hầu hết sẽ cắt giảm vào nửa cuối năm nay.

Ai cũng có thể nhận thấy OPEC được lợi rất nhiều nếu Mỹ giảm sản lượng, nhất là vào thơi điểm đặc biệt này.

IEA nâng mức dự báo nhu cầu dầu thô đối với OPEC trong nửa cuối năm 2015, tăng 400,000 thùng/ngày lên 30.2 triệu thùng/ngày, cao hơn mức sản lượng trần của OPEC là 30 triệu thùng/ngày.


Chiến lược của OPEC có thực sự hiệu quả?

Thông thường, phản ứng của cung và cầu đối với giá giảm nếu không mất tới hàng năm thì cũng phải mất tới hàng tháng mới có thể thấy rõ ràng được. Nhưng dường như mọi thứ đều có thể nhanh chóng thay đổi trong bối cảnh giá dầu biến động mạnh như hiện nay. IEA cũng cho rằng, phản ứng của thị trường đối với giá dầu giảm có thể ngắn hơn thông thường, do giá dầu giảm sâu trong một thời gian ngắn và Mỹ cũng bắt đầu cắt giảm đầu tư.

IEA cho biết: “Nguồn cung của các nước ngoài OPEC đã phản ứng với giá nhanh hơn so với đợt khủng hoảng giá dầu trong quá khứ.”

Cơ quan này cũng cho biết thêm, việc Mỹ cắt giảm nguồn cung có thể giúp giá dầu ở trên mức sàn và đảo chiều phục hồi, nhưng dự đoán, nguồn cung trong nửa đầu năm nay sẽ chưa thay đổi đáng kể. Số liệu mới nhất trong tháng 12/2014 vẫn chưa cho thấy sự giảm sút trong sản lượng so với dự đoán về nguồn cung cho quý IV/2014.

IEA nhận định việc cắt giảm chi tiêu và đầu tư của các công ty cũng sẽ phải mất một thời gian mới có thể khiến nguồn cung suy giảm: “Mặc dù kỳ vọng là cung cầu cuối năm 2015 sẽ cân bằng, nhưng áp lực đi xuống của thị trường có thể sẽ chưa đi theo hướng như vậy.”

Và các dữ liệu về lượng dầu dự trữ mới nhất cũng đưa ra dấu hiệu “thị trường con gấu” như vậy. Lượng dầu dự trữ đang tiến gần mức cao kỷ lục và lượng dầu thô tồn kho có khả năng ngày một nhiêu thêm.

IEA công bố: “Ngoại trừ bất kỳ những gián đoạn không lường trước được thì dầu dự trữ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào giữa năm 2015 có thể đạt đến mức cao nhất từ trước đến giờ là 2.83 tỉ thùng đạt được hồi tháng 8/1998.”

Vì vậy, trong khi giá dầu đã phục hồi đôi chút trong vài tuần qua, IEA dự đoán sản lượng của Mỹ có giảm đi trong năm nay thì vẫn còn rất nhiều dầu chưa được khai thác, kể cả ở các nước thành viên OPEC.

Có thể dễ dàng thấy rằng, thị trường tự do sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nhiều trong tương lai mà không cần OPEC “nhúng tay” vào. Và động thái để “thị trường tự cân bằng” của OPEC đã phần nào cho thấy tổ chức này đang phần nào mất đi vai trò làm chủ cuộc chơi trong ván bài về giá.

Alice Vũ