Tôi là một nhà đầu tư chứng khoán thất bại!
  • Thông báo


    Kết quả 1 đến 20 của 55

    Threaded View

    1. #25
      Ngày tham gia
      Mar 2014
      Bài viết
      3
      Được cám ơn 5 lần trong 3 bài gởi

      Mặc định

      Năm 2006 - 2007 khi thị trường tăng điểm như điên như dại, cả khối người kiếm tiền trong nháy mắt với chứng khoán. Em còn đang là một thằng học sinh phổ thông. Chẳng hiểu gì về chứng khoán nhưng mấy thằng bạn học cấp 3 cũng ngồi nói chuyện chứng khoán như thật.

      Năm 2008, vào học đại học FPT chuyên ngành Kĩ nghệ phần mềm, với nhiều mối quan tâm khác em cũng không còn để ý xem chứng khoán hay thị trường lâu nay nó thế nào. Nhưng với việc nạp học phí bằng tiền USD thì đó là lần đầu tiên em cảm nhận được lạm phát và sự mất giá của tiền Đồng nó ảnh hưởng đến bản thân như thế nào. Giá USD kỳ học trước còn đang 16000, kỳ học sau bật tăng lên 19000 làm tăng thêm gánh nặng cho gia đình.

      Năm 2011, tình cờ em có mượn về đọc cuốn "Chiến tranh tiền tệ". Em học được ở đó rằng khi tiền mất giá thì vàng là thứ tài sản đảm bảo nhất để bảo vệ sức mua, vàng là hầm trú ẩn của lạm phát. Em bắt đầu quan tâm đến giá vàng và nhận thấy các ngân hàng ở Việt Nam vào thời điểm đó đang lao vào một cuộc đua lãi suất. Người dân thấy lãi cao thì thích thú đem tiền gửi ngân hàng nhưng em thì không nghĩ mình sẽ làm vậy. Với ít tiền còm cõi của mình, em mua vào vàng.

      Khi ngân hàng nhà nước hạ trần lãi suất huy động để cố gắng dập tắt cuộc đua lãi suất, cộng với đưa ra thông báo sẽ bán ra một triệu lượng để bình ổn thị trường vàng. Em biết chắc chắn rằng giá vàng sẽ không còn có thể tăng được nữa. Em đã bán toàn bộ số vàng hiện có và thu một món lợi nhuận đầu tiên trong cuộc đời đầu tư của mình.

      Bài học 1 : Lạm phát cao thì vàng tăng mạnh

      Với mong muốn tìm một kênh để tái đầu tư số tiền bán vàng cộng với số tiền tiết kiệm có được lâu nay, em bắt đầu quan tâm đến Chứng khoán. Vào thời điểm đó, ngân hàng nhà nước đã ép lãi suất xuống dưới 9%. Nhìn quanh, lãi suất ngân hàng thì ngày một giảm, bất động sản thì đóng băng, vàng chắc chắn sẽ giảm giá, tỷ giá thì được ngân hàng nhà nước cam kết giữ ổn định. Chỉ còn duy nhất một kênh là chứng khoán để dòng tiền tìm đến. Lúc đó em quan tâm đến GAS, VNMDPM.

      Em chọn cổ phiếu với tiêu chí ROE ROA cao, nợ thấp, dòng tiền kinh doanh ổn định, là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trong ngành. Vào thời điểm đó DPM chỉ có P/E là 5, còn VNMGAS thì cao hơn. Suy nghĩ ngây thơ rằng P/E thấp là mình đang mua được giá rẻ. Em đã mua tất tay vào DPM. May mắn đến với em khi chỉ trong 1 tháng DPM đã tăng gần 30%. Có lẽ suy luận về hướng đi của dòng tiền phía trên là đúng đắn. Toàn thị trường đầu năm 2013 đều tăng mạnh, lúc đó muốn đầu tư lỗ còn khó hơn lãi. Tuy nhiên em đã nhận ra sự ngây thơ của mình khi VNM còn tăng mạnh hơn DPM. Không mua VNM là một sai lầm lớn của em vào thời điểm đó.

      Sau khi nhà máy Đạm Cà Mau đưa vào hoạt động, nguy cơ cạnh tranh với DPM tăng lên, giá phân bón trên thị trường thế giới lại đang giảm, giá khí từ GAS thì tăng làm ảnh hướng đến chi phí sản xuất và lợi nhuận. Cộng thêm với thông tin DPM đã thất bại khi muốn mua lại 50% cổ phần của Đạm Cà Mau. Em đã bán DPM. Tuy thu lợi nhuận từ DPM, nhưng em đã học ra được bài học.

      Bài học 2 : mua một công ty chỉ vì P/E của nó thấp là một sai lầm. Tuy nhiên không nên mua các mã có P/E quá cao.

      Sau đó em tìm ra mã TCT - công ty cáp treo núi Bà Tây Ninh, nó đáp ứng mọi tiêu chí chọn chứng khoán của em cộng thêm lại là công ty có tính chất độc quyền. Em lại dồn toàn bộ tiền vào TCT. Tuy nhiên vào thời điểm đó ngân hàng nhà nước lại ra thông báo tiếp tục hạ lãi suất. Em cho rằng càng hạ lãi suất thì dòng tiền vào chứng khoán càng tăng. Thị trường chứng khoán tăng thì các công ty chứng khoán là những công ty hưởng lợi đầu tiên. Em đã bán TCT và chuyển qua mua SSI. Tuy sau đó em đã thu loại nhuận lớn từ SSI nhưng TCT còn tăng mạnh hơn nhiều. Tiếp tục là một bài học thấm thía.

      Bài học 3 : Qua thời gian, các khoản đầu tư vào các cổ phiếu tốt có chọn lọc sẽ thu lợi lớn hơn đầu cơ.

      Thị trường đầu năm 2014 tăng mạnh, và dẫn dắt là các mã Chứng khoán. Đến cuối quý 1, Tài khoản của em thời điểm đó đang lãi hơn 90% thì các nhà đầu tư đua nhau chốt lời. Tài khoản của em bốc hơi ầm ầm. Em vẫn quyết không bán vì tin tưởng vào một chu kì tăng trong trung hạn của thị trường.

      Và một sự kiện lớn nhất trong năm 2014 xảy ra. Trung Quốc đặt giàn khoan vào biển Đông. Lần đầu tiên em chứng kiến toàn thị trường nằm sàn cả loạt như vậy. Tuy nhiên cũng chưa có bao giờ em lại cảm thấy phấn khích đến như thế. Nhìn tài khoản bốc hơi 50% chỉ trong vài ngày nhưng em vui như tài khoản tăng 50% vậy. Em đã gọi điện, nhắn tin cho tất cả những bạn bè, người thân mà em nghĩ có thể cho mình vay tiền. Em đã có thể mua vào những cổ phiếu mà mới chỉ cách đó tầm 1 tháng thôi, Em đã nghĩ là không bao giờ còn cơ hội nó giảm xuống đến mức đó để mua thêm được nữa. Em đã đúng khi vài tháng sau, thông tin về giàn khoan qua đi. Các mã cổ phiếu chứng khoán lại tăng ngược trở lại mức cũ.

      Bài học 4 : Thị trường sụt giảm vì nguy cơ chiến tranh là một cơ hội trời cho để mua chứng khoán.
      Bài học 5 : Không margin thì chẳng có gì phải xoắn khi thị trường sụt giảm.

      Một năm 2014 đầy biến động vừa qua cũng đã giúp cho em có thêm nhiều góc nhìn về thị trường chứng khoán. Ngồi xem lại một số mã đầu tư mà em đã bỏ qua thì thấy thậm chí còn tăng mạnh hơn các mã đầu cơ như các mã Chứng khoán. Không những thế, khi thị trường trải qua những cơn đau tim như Trung Quốc đặt giàn khoan, hay giá dầu sụt giảm, bắt bầu Kiên, Hà Văn Thắm ... thì thậm chí nó không hề giảm theo thị trường, hoặc có giảm cũng giảm rất ít. Em dần dần thấm thía được sự khác nhau giữa đầu tư và đầu cơ.

      Bài học 6 : Khi bạn đang nắm giữ cổ phiếu, nếu nó lên đừng quá vui mừng, khi nó xuống đừng quá thất vọng. Nếu không, cuộc sống của bạn sẽ biến động và bạn sẽ chết vì đau tim mất thôi. (Peter Lim)

      Chính về thế em đã bán tất cả số cổ phiếu Chứng khoán đi và chuyển sang đầu tư dài hạn vào một số mã bên mảng Nông nghiệp. Có thể đầu năm 2015, sẽ có sóng mới cho thị trường chứng khoán, và cổ phiếu các công ty Chứng khoán lại tăng ầm ầm nhưng em chắc chắn sẽ không hối hận vì đã bán nó đi vì em đã không còn quan tâm đến nó nữa rồi.

      Có thể các bác sẽ cho rằng em đã gặp may mắn liên tục suốt từ thời sinh viên đến giờ. Em quan tâm đến vàng thì vàng tăng, em quan tâm đến Chứng khoán thì Chứng khoán tăng. Nhưng em nghĩ em cũng chỉ là một nhà đầu tư nhỏ lẻ, tiền ít, vốn mỏng, nếu bản thân em không có một tinh thần vững vàng khi tài khoản tăng 90%, rồi giảm đột ngột 50% (chính là mất hết phần lãi chứ không phải em còn lãi 40% nha các bác) thì có lẽ em cũng đã theo gót bác kia rồi.

      Em chỉ là một lập trình viên, học chuyên ngành Lập trình khô khan, chẳng được ai đào tạo gì về kinh tế hay tài chính. Em không margin, không có tin nội bộ hay ngoài luồng nào, không biết đội lái làm gì hay họ là những ai, không cần biết tay to với cá mập là ai, chẳng cần biết Phân tích kĩ thuật là cái quái gì, mấy cái đường vớ vẩn như MA, Fibonacci nó chỉ về đâu. Chẳng cần quan xem Dow Jones, S&P500, Nasdaq nó tăng hay giảm. Em chỉ đọc những thông tin đăng đầy rẫy trên khắp các mặt báo. Chỉ với những kiến thức rất cơ bản về kinh tế và chứng khoán cùng với những suy tính còn quá ngây thơ kia. Em vẫn có thể thu lợi từ chứng khoán.

      Qua câu chuyện của bác, không biết là chuyện thật hay cánh nhà báo vẽ ra để câu view nhưng em cũng muốn chia sẻ quan điểm của mình thế này : đối với các công ty hay tổ chức đầu tư chuyên nghiệp thì không nói đến làm gì. Nhưng với những nhà đầu tư nhỏ lẻ và không chuyên như chúng ta thì em nghĩ bác không nên bỏ việc làm ở cơ quan cũ của bác. Bác cứ đi làm và tập trung vào chuyên môn của mình. Tiền lương và tiền tiết kiệm có được sau khi trừ chi phí sinh hoạt hằng tháng bác hẵng cho vào chứng khoán. Bác cứ giữ tỷ lệ tiền mặt ở mức cao. Nói chung là bác nên dùng tiền nhàn rỗi mà trong một thời gian dài trước mắt bác chưa cần dùng đến. Chỉ có những pha trời cho ăn chắc như vụ giàn khoan em nêu ở trên thì hẵng đi vay. Vì khi bác đi vay để chơi chứng khoán, bác cực kì bị áp lực. Bác cứ đi làm như bình thường, tối về cơm nước xong xuôi , thảnh thơi thì ngồi đọc báo cũng một số tin tức liên quan đến các mã mình quan tâm. Không cần biết ngày hôm nay nó tăng hay giảm thế nào. Đến lúc thị trường trải qua một tin tức cực xấu nào đó đại loại như những gì bác kể : nào là thông tư 36, giàn khoan, giá dầu... thì bác hẵng xuống tiền. Bác cứ yên tâm chờ đợi, vì chẳng có năm nào là thị trường không có tin xấu cả.

      Trên đây là những ý kiến và trải nghiệm cá nhân hoàn toàn thật của em. Em nghĩ giữ được bản thân mình không bị cuốn theo sự trồi sụt biến động của thị trường cần phải có một tinh thần thép, và một cái đầu lạnh. Tách mình ra khỏi thị trường, không "ngồi đồng" nhìn bảng điện tử như bác giúp em có thể cân bằng được cuộc sống hơn. Có thời gian thoải mái cho gia đình, yên tâm đi chơi với bạn bè mà đầu óc không bị phân tán về cổ phiếu của mình đang tăng hay giảm...

      Em hoàn tất bài viết này vào ngày cuối cùng trước khi về nghỉ Tết. Chúc bác cũng như tất cả các nhà đầu tư trên thị trường có một cái Tết ấm cúng bên gia đình và một năm mới gặp nhiều may mắn !

    2. Những thành viên sau đã cám ơn :
      TienTuoiThocThat (14-02-2015)

    Thông tin của chủ đề

    Users Browsing this Thread

    Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)

       

    Similar Threads

    1. Trả lời: 0
      Bài viết cuối: 05-06-2012, 10:07 PM
    2. Trả lời: 3
      Bài viết cuối: 31-05-2012, 11:38 PM
    3. Trả lời: 0
      Bài viết cuối: 19-05-2012, 04:06 PM
    4. Trả lời: 0
      Bài viết cuối: 20-09-2010, 02:39 PM
    5. Trả lời: 0
      Bài viết cuối: 20-09-2010, 02:37 PM

    Bookmarks

    Quyền viết bài

    • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
    • Bạn Không thể Gửi trả lời
    • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
    • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình