Ngày 12/2/2015

HY LẠP VÀ CHÂU ÂU KHÔNG ĐẠT ĐƯỢC THỎA THUẬN NÀO

Chính phủ mới của Hy Lạp và những chủ nợ quốc tế đã không thể đi đến đồng thuận về món nợ của nước này. Cuộc đàm phán sẽ lại bắt đầu vào thứ 2 tới, trong khi thời gian đang cạn dần đến lúc các khoản nợ đáo hạn.

Trong cuộc đàm phán kéo dài 7 tiếng tại Brussels, các Bộ trưởng Tài chính của Euro zone đã không thể đạt được một thỏa thuận nào, dù là giải pháp về bước tiếp theo cần làm cũng không có.

Chứng khoán Hy Lạp mất điểm do thất vọng về việc, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis đã bỏ lại bản thỏa thuận sơ bộ để gia hạn các điều khoản của món nợ hiện tại. sau khi đã tham vấn ý kiến của các chính trị gia Hy Lạp.

Jeroen Dijsselbloem, Chủ tịch Hội đồng các Bộ trưởng Tài chính châu Âu, phát biểu trong cuộc họp báo đêm qua: “Chúng tôi đã buổi bàn luận căng thẳng, mang tính xây dựng về nhiều vấn đề; cũng có những tiến triển, nhưng không đủ để đi đến kết luận chung cuối cùng.”

“Chúng tôi không thực sự đi vào chi tiết bản đề xuất, chúng tôi vẫn chưa thể đi vào thảo luận về nội dung của chương trình. Chúng tôi chỉ đơn giản là cố gắng tìm ra bước tiếp theo nên làm là gì cho vài ngày tới, nhưng không thành công.”

Hy Lạp sẽ lại họp mặt với các chuyên gia của Ủy ban châu Âu, IMF và ECB vào thứ 2 tới.

Ông Varoufakis tuyên bố một cách tự tin: “Chúng tôi hy vọng sau khi kết thúc phiên họp thứ 2, sẽ có một giải pháp cuối cùng tối ưu cho cả Hy Lạp và các đối tác châu Âu.”

Ông giải thích rõ về lý do tại sao cử tri Hy Lạp lại phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của các chủ nợ quốc tế, khi cho Hy Lạp vay tiền giải quyết khủng hoảng nợ công. Ông cũng nhấn mạnh rằng, dù còn nhiều việc phải bàn nhưng “không đạt nổi một thỏa thuận nào không nằm trong mục đích của chúng tôi.”

Bản dự thảo về một thỏa thuận chung đã bị bác bỏ sau khi ông Varoufakis tham vấn các quan chức trong chính phủ. Theo Reuters, châu Âu đã muốn đồng ý gia hạn chương trình nợ hiện tại cho Hy Lạp, một tín hiệu tích cực cho Hy Lạp.

Thủ tướng Alexis Tsipras, cùng với Phó Thủ tướng Yannis Dragasakis, vẫn quyết giữ vững quan điểm. Ông hiểu rằng cử tri đã bầu cử cho ông muốn ông phải kết thúc chương trình cho vay kham khổ mà người dân coi là nguyên nhân của đói nghèo.

Ông Tsipras bác bỏ bất cứ sự gia hạn nào cho khoản nợ 240 tỷ Euro sẽ đáo hạn vào 28/2 này. Ông từ chối hợp tác với bộ 3 EU, ECB, IMF và yêu cầu xóa bớt nợ cho Hy Lạp. Vào thứ 5 tới, ông sẽ có cuộc họp với giới lãnh đạo châu Âu tại Brussels.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble đã nói rằng nếu Hy Lạp không muốn gia hạn gói cho vay lớn nhất trong lịch sự tài chính này thì “cũng được thôi”, ông dường như loại bỏ khả năng xóa nợ và bất cứ hỗ trợ nào thêm cho Hy Lạp.

Thị trường tài chính đang trên bờ vực sụp đổ do lo sợ Hy Lạp sẽ vỡ nợ, rời khỏi Euro zone, gây ra xáo trộn lớn trên thị trường.

Khi được hỏi về khả năng “rời khỏi Euro zone” ông Varoufakis phản đối: “Hoàn toàn không.”

Trước sự ngạc nhiên các Bộ trưởng tại cuộc họp, ông thể hiện quan điểm của chính phủ Hy Lạp về bước tiếp theo trong tái cấu trúc nợ, nhưng không có văn bản chính thức nào.

“Vị thế và quan điểm của các bên đã rõ ràng hơn, nhưng để đạt được đồng thuận thì còn một chặng đường khá dài.”

Chủ tịch ECB Mario Draghi trong cuộc họp chú ý rất kỹ đến vấn đề đã gây ra khủng hoảng hệ thống tài chính ngân hàng 3 năm trước.

Các Bộ trưởng cảnh báo rằng thời gian sắp hết, mà muốn có bất cứ thay đổi nào về gói cứu trợ này cần phải có sự phê chuẩn của Quốc hội các quốc gia chủ nợ.

Ông Varoufakis đã có cuộc gặp mặt trước với Giám đốc IMF, bà Christine Lagarde. Bà đã trả lời phóng viên về cuộc gặp trên: “Họ thông minh, tài giỏi, họ đã cân nhắc về vấn đề của mình. Chúng ta phải lắng nghe họ, chúng ta đang hợp tác với nhau để đi đến tận cùng.”

Tại Athens, ông Varoufakis đã bàn bạc với bà Lagarde và ông Dijsselbloem một số dạng “thỏa thuận bắc cầu” nhằm hướng đến gói cứu trợ tiếp theo, khi khoản nợ cũ đáo hạn.

Theo khảo sát của Reuters trong tuần này, 25% khả năng Hy Lạp sẽ rời Euro zone trong năm nay.

James McCormack của công ty xếp hạng tín dụng Fitch Ratings nhận định: “Chúng tôi cho rằng châu Âu và Hy Lạp sẽ thỏa hiệp để EU vẫn là liên minh của 19 nước.”

Giới lãnh đạo EU sẽ tiếp tục bàn luận vấn đề này trong cuộc họp thứ 5. Cuộc họp sẽ thảo luận ngắn gọn về vấn đề nợ, nhưng sẽ không có đám phán, bởi cuộc họp này tập trung chủ yếu vào xung đột Nga-Ukraine và chống khủng bố.

Có ít nhất 10,000 người dân Hy Lạp đã xuống đường hôm thứ 4 để ủng hộ chính phủ của ông Tsipras, với khẩu hiệu “Phá sản nhưng tự do”, “Phản đối thắt lưng buộc bụng”. Một số nhỏ cử tri ủng hộ ông sẽ tổ chức các cuộc meeting tại Brussels, ở bên ngoài ECB tại Frankfurt và London.

Ông Tsipras đã tweet lại hình ảnh những người ủng hộ: “Tại các thành phố của Hy Lạp và châu Âu, người dân đang đấu tranh cho cuộc đám phán. Họ là sức mạnh của chúng tôi.”

Ông Varoufakis đã đề xuất một thỏa thuận kéo dài 6 tháng, mà theo đó Hy Lạp sẽ được phát hành thêm các khoản nợ ngắn hạn, đi vay nhờ vào những trái phiếu Hy Lạp mà ECB đang nắm giữ, và rút các quỹ cứu trợ ngân hàng chưa được sử dụng, trong khi đó vẫn tiếp tục đàm phán. Athens sẽ hoán đổi các khoản nợ châu Âu với trái phiếu gắn với GDP, đổi các khoản nợ mà ECB đang giữ lấy trái phiếu có lãi vĩnh viễn (không có ngày đáo hạn) mà không phải bồi hoàn.

Giới chức châu Âu cũng tỏ ra cứng rắn, thỏa thuận tốt nhất mà Hy Lạp có thể có là gia hạn thời gian trả nợ, hạ lãi suất, và có lẽ là kéo dài thời gian trả cả tiền gốc lẫn lời, đổi lại là tiếp tục cải cách dưới sự giảm sát của các tổ chức quốc tế.

Theo Reuters
Bài dịch của nhóm IF24h
Link: http://if24h.com/hy-lap-va-chau-au-k...hoa-thuan-nao/