NGÀY 24/2/2015

GIÁ DẦU TIẾP TỤC GIẢM. OPEC KHÔNG TỔ CHỨC BẤT KỲ CUỘC HỌP KHẨN NÀO

Đại biểu từ Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết sẽ không có bất kỳ một cuộc họp khẩn nào trước phiên họp dự kiến vào ngày 5/6 tới, mặc giá dầu ngày càng giảm sút nghiêm trọng.

Kể từ tháng 6/2014 đến nay, giá dầu thô thế giới bay hơi gần 1 nửa, khi OPEC cương quyết từ chối cắt giảm sản lượng, trong khi đó, sản lượng dầu thô của Mỹ lại tăng vọt.

Giá Brent tương lai hôm nay giảm $1.32, xuống còn $58.90 trên sàn ICE Futures Europe, London. Giá dầu có lúc tăng 45 cents, khi Chủ tịch OPEC, bà Diezani Alison-Madueke, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times cho biết sẽ kêu gọi một cuộc họp bất thường nếu giá dầu tiếp tục suy giảm.

Ông Bill O’Grady, chiến lược gia thị trường tại Confluence Investment Management, St. Louis nhận định: “OPEC tổ chức cuộc họp khẩn đồng nghĩa với việc họ sẵn sàng ra tay cứu giúp thị trường. Bằng không thì chẳng có lý do gì mà vội vui mừng. Đó chính là tình thế hiện tại của chúng ta.”

Theo dự báo của Bloomberg, OPEC (cung cấp 40% sản lượng dầu thô thế giới) đã bơm ra 30.9 triệu thùng/ngày vào tháng 1/2015, vượt mục tiêu 8 tháng liên tiếp (30 triệu thùng/ngày).

Cục Thông tin Năng lượng (EIA) dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ đạt 9.3 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao nhất kể từ năm 1972. Dự trữ dầu thô của quốc gia này cũng tăng lên 425.6 triệu thùng tính đến ngày 13/2, cao nhất kể từ năm 1982.

Bà Alison-Madueke nhận định: Nếu giá dầu “tiếp tục giảm, nhiều khả năng tôi sẽ phải kêu gọi một cuộc họp nội bộ OPEC bất thường trong vòng 6 tuần nữa hoặc hơn.”

Ngoài chức vụ Chủ tịch khối OPEC, bà Alison-Madueke còn là Bộ trưởng Dầu mỏ của Nigeria, quốc gia đang chịu thiệt hại nặng nề bởi giá dầu lao dốc. Cụ thể là, đồng nội tệ Naira trượt giá xuống mức thấp nhất so với Đô-la Mỹ, các cuộc tấn công khủng bố bởi quân Hồi giáo Boko Haram ngày càng tồi tệ, những cuộc bầu cử quốc gia cũng bị hoãn lại hơn 1 tháng nay. Rõ ràng là Nigeria đang vô cùng nóng lòng đẩy giá dầu lên, bằng cách can thiệp vào những bước đi của OPEC, cho dù những động thái này là bất khả thi.

Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ thì vẫn còn khá nhiều nghi ngại xung quanh lời phát biểu của bà Alison-Madueke:

Thứ nhất, một đại biểu khác (yêu cầu giấu tên) của OPEC cho biết không có bất cứ cuộc họp khẩn nào trước tháng 6 năm nay, trừ khi có sự đồng thuận của tất cả 12 thành viên.

Thứ hai, khả năng Saudi (quốc gia lớn nhất OPEC) chấp thuận cuộchọp bất thường đã khó, chưa nói gì đến việc cắt giảm sản lượng. Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi, ông Ali Al-Naimi, cho biết OPEC sẽ không cắt giảm sản lượng ngay cả khi giá dầu chạm mốc $20/thùng. Như vậy, cho dù OPEC có họp khẩn cấp đi chăng nữa, cũng chưa thể khẳng định khối này có thể đẩy giá lên nhờ vào can thiệp sản lượng, mà còn phụ thuộc nhiều vào các quốc gia xuất khẩu dầu thô khác nữa. Hơn nữa, dù OPEC có giảm sản lượng đủ để kéo giá lên, thì phản ứng của những nhà sản xuất dầu Mỹ sẽ như thế nào? Có thể là hoạt động lại tất cả những giếng dầu đang “đắp chiếu”, tăng cường sản lượng, khiến nỗ lực của OPEC tiêu tan.

Cuối cùng, với thị trường dầu mỏ, cùng một tin tức nhưng đôi khi hơn nhau ở nhận thức. Nhiều khả năng thông tin về một cuộc họp khẩn ngày hôm nay chỉ đơn giản nhằm tái khẳng định sự bất ổn của thị trường. Và đôi khi, việc khẳng định những bước tiến tiếp theo chỉ là “mồi nhử” cho những nhà đầu tư thiếu cân nhắc. Thực tế là, việc thị trường nhanh chóng bỏ ngoài tai những lời đe dọa của OPEC cho thấy lời nói của khối này đang dần mất uy tín.


Theo Bloomberg
Bài dịch của Nhóm IF24h
Link: http://if24h.com/opec-khong-to-chuc-...-hop-khan-nao/