Đằng sau khối lượng mua lớn của khối ngoại tại PVD vẫn là mức bán ra còn lớn hơn. Đó là nguyên nhân khiến cổ phiếu này không thể tăng được.


Nhóm cổ phiếu dầu khí đã có sự phân hóa nhất định về giá. Một số mã không quan trọng tăng khá như PGS, PVB, PVG. Tuy nhiên những mã hàng đầu là GAS, PVD, PVS tiếp tục bị xả lớn.


PVD là cổ phiếu đáng chú ý nhất với lượng mua lớn phiên sáng, tới 212.250 đơn vị. Chiều nay nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua thêm 208.540 PVD nữa, chiếm khoảng 42% lượng giao dịch phiên chiều ở mã này. Tổng thể PVD được mua vào gần 26,7 tỷ đồng giá trị cổ phiếu. Đây là lực mua đáng kể nhất của khối ngoại kể từ khi nhóm dầu khí gặp hạn.


Tuy nhiên sau giao dịch, số liệu bán ra được xác nhận là còn lớn gần gấp đôi số mua vào. Khối ngoại đã xả ra tổng cộng 799.360 cổ phiếu, tương đương 50,6 tỷ đồng. Lượng bán ra này chiếm 69% thanh khoản của PVD.


Áp lực bán lớn, lại hoàn toàn ở các mức giá dưới tham chiếu đã khiến PVD không thể phục hồi được, trong khi vài mã khác có tiến triển về giá. Phiên chiều, đã có lúc PVD tăng lên mức 64.000 đồng, từ mức 63.500 đồng cuối phiên sáng. Đóng cửa PVD lại lùi xuống 63.000 đồng, giảm 3,08% so với tham chiếu.


Như vậy sau phiên bắt đáy mạnh ngày 10/12 khi giá thấp nhất chạm tới 60.500 đồng, PVD đang rơi trở lại đáy cũ. Lượng hàng bắt đáy hôm đó vẫn chưa về đến tài khoản và đó là khối lượng có lãi duy nhất tính đến thời điểm này trong suốt quá trình rơi 3 tháng qua của PVD.


PVS phiên chiều bị khối ngoại bán ra thêm khoảng 830.000 cổ phiếu nữa, nâng tổng lượng bán cả phiên lên 2,13 triệu cổ phiếu. Lượng bán này cũng chiếm hơn 59% thanh khoản của PVS trong phiên chiều. Tuy nhiên PVS lại có cải thiện giá một chút, đóng cửa giảm 1,12% so với 1,5% của phiên sáng.


GAS là cổ phiếu lớn nhất trụ lại được tham chiếu hôm nay, đóng cửa tại 71.000 đồng. So với phiên sáng, GAS đã tăng lên được một bước giá. Khối ngoại mua thêm 109.970 cổ phiếu trong phiên chiều nhưng tổng hợp lượng bán là 250.750 cổ phiếu, chiếm 38% thanh khoản.


Lực bán của khối ngoại giảm đi với GAS đã tạo điều kiện cho giá không biến động xấu thêm. GAS tạm dừng giảm đã giúp VN-Index bớt đi ảnh hưởng nghiêm trọng. Chỉ số này chốt phiên tăng so với phiên sáng 0,45%, mức cải thiện đáng kể.


Dĩ nhiên việc GAS tham chiếu đã khiến sức mạnh của các cổ phiếu khác được phát huy đầy đủ. Các blue-chips của HSX cũng khá tốt ở phiên chiều mà đặc biệt là VIC, VNM không còn giảm nữa. Rổ VN30 có 19 mã tăng giá cao hơn phiên sáng, trong khi 5 mã giảm thấp hơn. Như vậy nhìn chung là blue-chips đã có cải thiện. VN30-Index đóng cửa tăng 0,75% so với tham chiếu, tốt hơn phiên sáng.


Sàn Hà Nội cũng có cải thiện giá tốt, HNX-Index chốt phiên tăng 0,18%. Đặc biệt là HNX30 tăng 0,65% trong khi phiên sáng mới tăng 0,26%. PVS bớt giảm dù chỉ một chút cũng đã làm giảm gánh nặng cho HNX. Bù thêm vào là khá nhiều mã dầu khí, chứng khoán và bất động sản tăng cao hơn.


Điểm yếu vẫn tồn tại trong phiên chiều là giao dịch quá thận trọng. Nhà đầu tư mua vào không nhiều thêm và điểm số cải thiện do thay đổi về tác động vốn hóa là chính. Tổng giá trị khớp lệnh phiên chiều chỉ đạt 843,8 tỷ đồng, giảm 27% so với chiều hôm qua và là phiên chiều ảm đạm nhất kể từ đầu tháng 8.


Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay giảm khá mạnh của mua vào lẫn bán ra ở HSX. Giá trị mua còn 181,7 tỷ đồng, giảm 28% trong khi bán ra 202,3 tỷ đồng, giảm 27%. Số đầu cổ phiếu bị bán ròng không nhiều, nhưng lại tập trung quy mô lớn tại KDC, PVD, VIC, SAM, SSI, GAS. Rổ VN30 bị bán ròng 50,6 tỷ đồng. Giao dịch mua ròng thỏa thuận đóng góp 22,9 tỷ đồng nhờ VNS. Nếu tính chung tổng thể giao dịch ở HSX thì khối ngoại đã mua ròng nhẹ. Sàn Hà Nội có PVS bị bán ra quá nhiều, dẫn đến mức bán ròng 47,5 tỷ đồng.