Mặc dù giá cổ phiếu đã về mặt bằng khá rẻ, nhưng giới phân tích cho rằng, cơ hội vẫn chỉ dành cho nhà đầu tư dài hạn, trong khi dân “lướt sóng” cần phải thận trọng bởi khả năng bùng nổ trong ngắn hạn là rất mong manh.


Giữa tháng 10, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 1875/2010/CT-TTg chỉ đạo thực hiện các biện pháp đồng bộ nhằm bình ổn giá, trong đó có giải pháp Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng chính sách, cơ chế phù hợp cho phép ngân hàng thương mại rút nhanh tiền ra khỏi lưu thông.
Theo các nhà phân tích, với bối cảnh kinh tế hiện nay, vấn đề kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu được Chính phủ chú trọng ưu tiên trong những tháng cuối năm, đặc biệt khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng khá mạnh trong tháng 9 và theo chu kỳ, CPI thường tăng khá mạnh trong giai đoạn cuối năm, nhất là thời điểm gần Tết Nguyên đán.
Theo các chuyên gia phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), để rút tiền ra khỏi lưu thông, theo lý thuyết, cần thắt chặt chính sách tiền tệ và các biện pháp thường được áp dụng là tăng lãi suất, tăng dự trữ bắt buộc, hoặc phát hành trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu bắt buộc… Điều này có thể sẽ khiến nhà đầu tư e ngại về dòng tiền trong nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, đặc biệt khi các ngân hàng, doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn cao điểm huy động vốn.
“Do vậy, trong ngắn hạn, tâm lý nhà đầu tư trong nước vẫn duy trì quan điểm thận trọng, tiếp tục chờ đợi các thông tin vĩ mô, như chỉ số CPI tháng 10, mặt bằng lãi suất thị trường…, từ đó đánh giá động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước, cũng như tương quan cung cầu trên thị trường”, các chuyên gia thuộc SHS nhận định.
Hiện nay, sự kỳ vọng lớn nhất của thị trường chính là sức cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Với mức giá hiện tại, hệ số P/E (chỉ số giá trên thu nhập đối với mỗi cổ phiếu) của Việt Nam đã ở mức hấp dẫn nhất trong khu vực và dòng tiền có xu hướng luân chuyển đến các nước mới nổi, tận dụng cơ hội đầu tư. Do vậy, sức cầu từ nhà đầu tư nước ngoài nhiều khả năng vẫn là động lực hỗ trợ xu hướng thị trường trong giai đoạn hiện tại.
Theo các nhà quan sát thị trường, trong những phiên thị trường giao dịch buồn tẻ giữa tháng 10, thì nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục giải ngân mạnh và tập trung vào các mã blue-chips. Nhóm phân tích thị trường thuộc Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, đối với động thái giải ngân của khối ngoại, việc mua ròng của khối này, bên cạnh mục đích đầu tư giá trị, còn hướng tới mục tiêu kích thích tăng trưởng của chỉ số VN-Index. “Điều này được phản ánh khá rõ nét qua lượng cầu khá mạnh tập trung vào các blue-chips có vốn hóa lớn, đã giúp những cổ phiếu này đi ngược thị trường trong thời gian gần đây”, BVSC nhận xét.
Theo các nhà phân tích, thực chất, ảnh hưởng của động thái giao dịch của khối ngoại thời gian gần đây chưa thể hiện xu hướng rõ ràng và ổn định. Tuy nhiên, nếu động thái này tiếp tục duy trì với tốc độ giải ngân hiện tại thêm từ 1 đến 2 tháng tới, thì khối ngoại có thể sẽ tạo ra những đột biến nhất định đối với xu thế của thị trường.