Cho vay ứng trước là hình thức CTCK cho NĐT vay chứng khoán đã mua nhưng chưa về (T+4) để bán ngay trong ngày T+0, T+1, T+2, T+3. Chứng khoán được cho vay lấy từ nguồn tự doanh của CTCK. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, CTCK có thể lợi dụng chứng khoán trong tài khoản của khách hàng này để cho khách hàng khác sử dụng.

Cho vay "bán xuống" là việc CTCK cho NĐT vay khống chứng khoán để bán, nhằm mục đích kéo giá cổ phiếu xuống một mức giá nào đó và mua lại để hưởng chênh lệch giá. Chứng khoán được cho vay lấy từ nguồn tự doanh của CTCK, hoặc một số tổ chức lớn không có nhu cầu mua bán cổ phiếu trong ngắn hạn. Đặc điểm của cho vay "bán xuống" là NĐT thường phải có tiềm lực tài chính mạnh, vay một lượng lớn cổ phiếu đủ để áp đặt giá cổ phiếu đó trên thị trường.
Hiện nay, hai hình thức này được khá nhiều CTCK sử dụng để thu hút NĐT, nhất là trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt để chiếm thị phần môi giới. Tuy nhiên, do bị cấm nên hầu hết đơn vị chỉ thông báo miệng cho NĐT qua hệ thống môi giới, chứ không có thông tin chính thức. Điều đáng nói là hoạt động này ngày càng công khai hơn.
Mấy ngày qua, trong một email gửi đồng loạt cho NĐT, nhân viên CTCK A. đã quảng cáo về những tiện ích như sau: nhận và làm các thủ tục mở tài khoản, lưu ký tận nơi theo yêu cầu; tổ chức hướng dẫn giao dịch, đầu tư chứng khoán cho những nhà đầu mới bắt đầu tham gia vào thị trường; hỗ trợ cho giao dịch T+0, T+1, T+2; cho vay "bán xuống"; hỗ trợ các nghiệp vụ repo, cầm cố cổ phiếu…; hỗ trợ margin trong giao dịch… (tăng sức mua cho tài khoản lên gấp 2, 3 lần) và nhiều quyền lợi đặc biệt khác...
Việc một số CTCK công khai quảng cáo cho phép NĐT thực hiện các nghiệp vụ chưa được cơ quan quản lý cho phép không chỉ tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, mà còn gián tiếp tiếp tay cho các hình thức "thao túng giá cổ phiếu". Sự "ngang nhiên" này rất cần đến các cơ quan quản lý điều tra, làm rõ.