Sự khác biệt của ETF VFMVN30
Theo tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn (Đại học Briston, Anh) thì “ETF là một xu thế mới thay thế cho các quỹ tương hỗ có chi phí quản lý cao mà chưa hẳn đã đánh bại thị trường”. Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1993, sản phẩm ETF nhanh chóng phát triển mạnh trên toàn thế giới, đặc biệt ở Hoa Kỳ trong vòng mười năm qua. Theo công ty quản lý quỹ lớn nhất thế giới Blackrock, đến tháng 6-2014, trên thế giới có 5.217 sản phẩm ETF với tổng tài sản 2.632 tỉ USD, tăng 9,8% so với 2013 và 77% so với năm năm trước đó. Ở Việt Nam, giới đầu tư cũng đã quen với hai quỹ ETF nước ngoài quản lý, với khoảng 900 triệu USD, có ảnh hưởng khá lớn trên thị trường trong bốn năm qua.

Vậy ETF nội địa có gì hấp dẫn? Về cơ bản, ETF VFMVN30 là hình thức quỹ mở dạng chỉ số, mô phỏng chỉ số tham chiếu VN30, theo VFM 95% tài sản của quỹ là rổ chứng khoán cơ cấu tương tự chỉ số VN30 – nhóm cổ phiếu của 30 công ty có giá trị vốn hóa và thanh khoản cao nhất ở sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM. Không chỉ thế, ETF VFMVN30 còn là sản phẩm tài chính đặc biệt, một phần kết hợp các tính chất của quỹ mở và quỹ đóng, gia tăng thanh khoản của quỹ mở thông qua việc giao dịch trên sàn và làm giảm mức chiết khấu cao của quỹ đóng. Ở các thị trường tài chính phát triển, chứng chỉ ETF giúp nhà đầu tư nhỏ đa dạng hóa danh mục đầu tư một cách gián tiếp với chi phí thấp.

Một trong những điểm đặc biệt của ETF VFMVN30 so với các sản phẩm tài chính đã có mặt trên thị trường Việt Nam là giao dịch kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage). Chẳng hạn trên thị trường có thời điểm giá chứng chỉ quỹ ETF thấp hơn một cách đáng kể so với NAV (giá trị tài sản ròng), từ cơ hội này, các nhà đầu tư lớn có tiềm lực tài chính sẽ ngay lập tức thực hiện đồng thời mua đủ một hay nhiều lô chứng chỉ ETF (một lô là 100 ngàn chứng chỉ ETF) và bán danh mục chứng khoán cơ cấu trên sàn giao dịch, sau đó thông qua thành viên lập quỹ (AP) hoán đổi lấy danh mục chứng khoán cơ cấu của quỹ bù vào số lượng chứng khoán cơ cấu đã bán. Khi đó nhà đầu tư sẽ được hưởng phần lợi nhuận từ sự chênh lệch giữa giá trị danh mục chứng khoán cơ cấu và giá trị lô ETF. Tương tự, khi NAV thấp hơn đáng kể so với giá chứng chỉ ETF, nhà đầu tư sẽ thực hiện đồng thời mua danh mục chứng khoán cơ cấu và bán lô chứng chỉ quỹ ETF trên sàn giao dịch, sau đó thực hiện hoán đổi danh mục chứng khoán cơ cấu đã mua lấy các lô chứng chỉ ETF để bù vào lô chứng chỉ ETF đã bán. Nhà đầu tư cũng được hưởng lợi nhuận từ chênh lệch giữa giá chứng chỉ quỹ ETF và giá trị danh mục chứng khoán cơ cấu. Các giao dịch này giữ cho giá chứng chỉ quỹ ETF và NAV luôn theo sát nhau, giúp quỹ ETF có thanh khoản cao. Được niêm yết nhà đầu tư cá nhân có thể dễ dàng mua bán chứng chỉ ETF trên thị trường như mua bán một cổ phiếu thông thường.

Cụ thể, sau giai đoạn phát hành lần đầu ra công chúng 21-7 đến 20-8, chứng chỉ ETF VFMVN30 được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM. Nếu giai đoạn lập quỹ là thời gian dành cho các nhà đầu tư lớn và các thành viên lập quỹ như CTCK TP.HCM và CTCK Bảo Việt thì khi ETF lên sàn, tất cả nhà đầu tư quan tâm đều có thể giao dịch tự do dưới hình thức như mua bán cổ phiếu. Trong giai đoạn phát hành lần đầu, hai thành viên lập quỹ của quỹ ETF VFMVN30 đã đồng ý góp vốn bằng danh mục chứng khoán cơ cấu, với giá trị ban đầu hơn 50 tỉ đồng. Khi chứng chỉ quỹ niêm yết, các thành viên lập quỹ có thể tung ra thị trường để nhà đầu tư có thể mua được chứng chỉ quỹ ETF VFMVN30 ngay trên sàn giao dịch. Ngoài ra, các nhà đầu tư lớn có nhu cầu mua lô lớn chứng chỉ quỹ ETF có thể liên hệ với hai thành viên lập quỹ của quỹ để thực hiện giao dịch của mình.

Ông Nguyễn Chí Trung, Phó tổng giám đốc CTCK Rồng Việt, đánh giá ETF là sản phẩm tài chính còn khá mới với giới đầu tư trong nước. Nếu các thành viên lập quỹ có khả năng giúp nhà đầu tư hiểu và sử dụng, thì ETF sẽ là một công cụ tham gia thị trường rất hấp dẫn.