Bên cạnh những công ty chứng khoán kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận tăng mạnh trong quý II, vẫn có những đơn vị doanh thu hoạt động chính rất thấp, thậm chí vài chục nghìn đồng.
Theo thống kê của VnExpress.net và đối tác cung cấp dữ liệu VNDirect, trong số hơn 30 công ty đã công bố báo cáo kết quả tài chính quý II. Đa số các công ty có doanh thu tự doanh tăng so với cùng kỳ, đặc biệt doanh thu môi giới cũng có phần nổi trội hơn so với năm ngoái.
Trong bức tranh sáng màu của khối chứng khoán vẫn còn những mảng tối. Năm nay, số lượng công ty chứng khoán có kết quả kinh doanh èo uột khá cao, thậm chí có công ty doanh thu môi giới chỉ vỏn vẹn vài chục nghìn đồng.

Vẫn còn nhiều công ty chứng khoán sống lay lắt. Ảnh: HH.
Công ty cổ phần chứng khoán Kenanga Việt Nam (Mã CK: KVS) trong báo cáo tài chính quý II của công ty này cho thấy, doanh thu đạt 821,5 triệu đồng, trong đó doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán chỉ vỏn vẹn 50.000 đồng. Một số hoạt động khác như đầu tư, tư vấn, lưu ký, phát hành chứng khoán không hề phát sinh doanh thu. 821,4 triệu đồng có được phát sinh từ doanh thu khác. Chính vì doanh thu èo uột, nên quý II năm công ty này tiếp tục lỗ sau thuế 1,1 tỷ đồng. Tính đến 30/6, tổng tài sản của công ty là 103 tỷ đồng, nợ phải trả 1,26 tỷ đồng.
Ông Lê Hồng Sơn, đại diện công ty cho biết, nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh quý II biến động vì công ty đã ngừng tư cách giao dịch thành viên tại 2 sở chứng khoán nên chi phí phục vụ hoạt động môi giới hầu như không có.
Tuy nhiên, quý II năm trước công ty chưa bị ngừng tư cách thành viên thì doanh thu hoạt động kinh doanh cũng chỉ vỏn vẹn 944 triệu đồng, trong đó, môi giới chỉ chiếm khoảng 0,3%, một con số quá khiêm tốn.
Top 5 công ty lỗ nặng nhất quý II (Đvt: triệu đồng) STT Mã CK LNST II/2014 LNST quý II/2013 1 AGR
-34.582 7.523 2 WSS
- 11.452 - 533 3 -2.438 -8.421 4
GLS
-1.660 104 5 -1.286 4.139 Còn tại Công ty cổ phần chứng khoán Thành Công (TCSC), báo cáo tài chính quý II cho thấy doanh thu đạt 6,2 tỷ nhưng doanh thu khác cũng chiếm tới 90%, 10% còn lại đến từ hoạt động môi giới và đầu tư chứng khoán. Điều đáng chú ý, doanh thu quý II năm nay của doanh nghiệp này khá ổn định so với cùng kỳ, nhưng lãi sau thuế lại âm 338,7 triệu đồng, trong khi đó lãi cùng kỳ năm trước 2 tỷ đồng.
Công ty này cho hay nguyên nhân khiến công ty giảm lãi là do lãi suất giảm, chi phí hoạt động tăng. Điều này càng chứng tỏ rằng, doanh thu cũng như lãi của công ty không đến từ hoạt động kinh doanh chính mà đến từ các mảng phụ. Trên thực tế, các quý trước đó, lãi công ty này có được cũng chủ yếu đến từ tiền gửi ngân hàng và đầu tư trái phiếu.
Doanh thu cũng ổn định và cao nhưng lại lỗ nặng nhất trong nhóm ngành này là Công ty chứng khoán nông nghiệp và phát triển nông thôn (AGR).
Theo báo cáo tài chính quý II, công ty này có doanh thu 99,9 tỷ đồng, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi phí cho hoạt động kinh doanh của công ty này tới 136,7 tỷ đồng, cho nên lợi nhuận trước thuế của đơn vị này âm 44,7 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận sau thuế cũng âm 34,5 tỷ đồng.
Lý giải về nguyên nhân giảm lãi, công ty này cũng cho hay do doanh thu giảm mà chi phí tăng, trong đó, doanh thu hoạt động đầu tư chứng khoán và tư vấn giảm mạnh khiến doanh nghiệp lỗ nặng.
Trong quý II này, ngoài Chứng khoán Agriseco kinh doanh không có lãi thì có tới cả chục công ty khác lỗ từ vài trăm triệu đến vài chục tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số khác doanh thu cao nhưng lãi chỉ vài trăm triệu đồng. Cụ thể, Công ty cổ phần chứng khoán đầu tư Việt Nam (Mã CK: IVS) doanh thu quý II là 7 tỷ nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ 839 triệu đồng, hay Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông (Mã CK: ORS) doanh thu 4,4 tỷ nhưng lợi nhuận 16 triệu đồng…
Trao đổi với VnExpress.net, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho hay, 7 tháng đầu năm thị trường tuy có biến động thất thường nhưng mức tăng trưởng vẫn tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt so với các nước trong khu vực chỉ số chứng khoán Việt Nam vẫn phát triển tốt. Tuy nhiên, việc còn nhiều công ty chứng khoán làm ăn èo uột trong suốt thời gian dài là tình trạng chung từ năm 2011 đến nay.
"Tình trạng kinh doanh theo phong trào không chỉ diễn ra ở một số ngành nghề khác mà cả ngay trong lĩnh vực chứng khoán. Thời điểm 2006-2007, thị trường chứng khoán bùng nổ 'ông' nào cũng muốn tham gia kinh doanh nên số lượng doanh nghiệp ở lĩnh vực này mọc ra như nấm", ông Lực nói. Tuy nhiên, ông cho hay trên thực tế số lượng đơn vị kinh doanh hiệu quả không nhiều, đa phần vẫn lay lắt sống. Công ty chứng khoán ở Việt Nam đang có 3 nhóm khác nhau. Nhóm làm ăn hiệu quả vào khoảng 20 công ty, 50 công ty tiếp theo đang trong diện hoạt động cầm chừng, số còn lại thuộc nhóm cực kỳ khó khăn.
Do vậy Ủy ban chứng khoán đang đưa nhóm làm ăn kém hiệu quả vào diện kiểm soát đặc biệt. Cuối 2012, Bộ tài chính, Ủy ban chứng khoán cũng đã duyệt đề án tái cơ cấu công ty chứng khoán cũng như bảo hiểm. Tuy nhiên, theo ông Lực, việc tái cơ cấu các công ty chứng khoán vẫn còn khá chậm chạp. Mặc dù, tái cơ cấu công ty chứng khoán còn khó hơn ngành ngân hàng bởi chúng liên quan khá nhiều bên, trong đó có cả ngân hàng, các công ty, tập đoàn... "Tuy nhiên, tôi thấy cơ quan quản lý vẫn chưa có động thái quyết liệt trong vấn đề này. Nhưng có lẽ Nghị quyết 15 của Chính phủ ra đời sẽ phần nào thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu công ty chứng khoán", ông Lực nhấn mạnh thêm.