Thời báo Kinh doanh đăng bài:

Xi măng La Hiên: Ba năm không chia cổ tức
15/04/2014

(Thời báo Kinh Doanh) - Ngày 10/4 vừa qua, Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của Công ty CP xi măng La Hiên, công ty "cháu" của Tập đoàn Vinacomin, diễn ra căng thẳng vì kết quả kinh doanh 3 năm liền bị lỗ hoặc lãi rất ít. Năm 2013, công ty đã không hoàn thành kế hoạch và thêm một lần nữa, cổ đông lại thất vọng vì không nhận được đồng cổ tức nào.

Báo cáo của Ban Giám đốc cho hay doanh thu năm qua chỉ đạt hơn 590 tỷ đồng, bằng gần 85% kế hoạch đề ra, lợi nhuận trước thuế vỏn vẹn… 1,55 tỷ đồng.
Cổ tức là 0%, dù mục tiêu là 5%. Số liệu trên có sự "vênh" đáng kể so với báo cáo của đơn vị kiểm toán, theo đó, doanh thu sau kiểm toán đã giảm xuống còn 584 tỷ đồng, giảm 10% so với năm trước.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bị âm 1,15 tỷ đồng, nhưng nhờ bán thanh lý tài sản, thu về hơn 2,7 tỷ đồng nên tính chung vẫn lãi 1,55 tỷ đồng. Tương tự, năm 2012, nhờ có khoản thu khác bù lỗ thuần từ kinh doanh (-20,3 tỷ đồng) nên số lỗ giảm xuống còn 9,96 tỷ đồng.

Lỗ do… khách quan?

Do vậy, Ban Kiểm soát đánh giá: "Năm 2013, bộ máy điều hành đã không hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh theo nghị quyết của ĐHCĐ thường niên…".

Lý giải kết quả kinh doanh thấp, ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty, cho rằng có nhiều nguyên nhân, như: tiêu thụ khó khăn, chỉ đạt 85,4% sản lượng tiêu thụ và gần 85% doanh thu đề ra, cạnh tranh sản phẩm xi măng gay gắt hơn…

Tuy nhiên, một số cổ đông không đồng tình với báo cáo của HĐQT và báo cáo Ban Kiểm soát. Cổ đông cũng phê bình HĐQT, trong đó có Chủ tịch HĐQT Ngô Ngọc Sơn và Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Dũng về việc không hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh trong 2 năm 2012, 2013, kiến nghị Đại hội ra nghị quyết phê bình HĐQT. Và, tuyên bố sẽ cân nhắc việc kiến nghị Tập đoàn Vinacomin kiểm điểm, phê bình HĐQT công ty vì các nội dung này. Với việc không hoàn thành kế hoạch, cổ đông cho rằng các lãnh đạo Công ty không xứng đáng nhận thưởng và thù lao. Nhưng ý kiến này đã bị chủ tọa bác bỏ.
Một cổ đông chất vấn: "Công ty chốt danh sách cổ đông dự ĐHCĐ là ngày 7/4, tức là chỉ 3 ngày trước cuộc họp, thì căn cứ vào đâu để gửi Thông báo mời họp và đây là trái với quy định Luật Doanh nghiệp và Thông tư 121 của Bộ Tài chính về quản trị công ty đại chúng". Hơn thế, Công ty không chỉ hoạt động kém hiệu quả mà còn thiếu minh bạch, đơn cử, năm 2013 đã bị UBCK phạt 25 triệu đồng do vi phạm công bố thông tin…

Xi măng La Hiên không chỉ hoạt động kém hiệu quả mà còn thiếu minh bạch

Trước sự lúng túng của Chủ tịch đoàn, ông Lê Quang Bình, Chủ tịch Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc (công ty mẹ), phải "đỡ lời", rằng: việc chốt danh sách cổ đông để đủ điều kiện mở đại hội chứ không phải "đóng cửa" với tất cả. Đến thời điểm này, cổ đông nào xuất hiện vẫn có quyền biểu quyết, ví dụ, một số nội dung biểu quyết có đảm bảo đủ tỷ lệ 65% hay 75% theo quy định của điều lệ không (!?). Tuy nhiên, lập luận này tiếp tục bị cổ đông phản đối.

Phải quản lý chặt đầu tư
Hàng năm, Xi măng La Hiên chi đầu tư, mua sắm nguyên vật liệu, vật tư, thiết bị rất lớn, lên tới hàng trăm tỷ đồng, nhưng các báo cáo không nêu cụ thể (mua của những đối tác nào, giá trị hợp đồng bao nhiêu, khối lượng, đơn giá ra sao, hình thức đấu thầu…). Cổ đông đề nghị Công ty giải trình rõ cho Đại hội được biết việc mua sắm này có thực hiện đúng các quy định nhà nước về đấu thầu và quản lý vốn nhà nước hay không?

Những thắc mắc này được lãnh đạo Công ty giải thích ngắn gọn: "Tất cả việc mua sắm thiết bị, vật tư đều thực hiện theo đúng quy định".
Chị Linh, một cổ đông từ Hà Nội, đề nghị Công ty kiểm soát chặt chẽ các chi phí bán hàng, chi phí quản lý… đang chiếm tỷ lệ lớn, ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh.
Lãnh đạo Công ty cho biết đã áp dụng các biện pháp quản lý, tiết kiệm chi phí, nhưng trong năm, Công ty có gặp sự cố và quan trọng là vì sản lượng tiêu thụ không đạt kế hoạch nên phần chi phí có tỷ trọng lớn. Do việc kinh doanh xi măng cạnh tranh gay gắt nên đòi hỏi chi phí bán hàng cao.

Tình hình vay nợ của Xi măng La Hiên năm 2013 không có biến động lớn. Tính đến cuối năm 2013, tổng nợ vay của Công ty còn hơn 406 tỷ đồng (gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu). Đáng chú ý, Công ty có khoản nợ vay ngoại tệ hơn 3,83 triệu USD (đầu tư dự án) có thể gặp rủi ro nếu tỷ giá thay đổi.
Ngoài 72,1 tỷ đồng vay từ Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc, Xi măng La Hiên được nhiều TCTD tài trợ vốn vay ngắn hạn và dài hạn để đầu tư nâng công suất nhà máy, bổ sung vốn lưu động…
Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2013, dư nợ gốc còn lại tại Chi nhánh Vietinbank Thái Nguyên là 34,5 tỷ đồng, MB Thái Nguyên là 2,65 tỷ đồng, BIDV Thái Nguyên là 17,9 tỷ đồng, Công ty Tài chính Vinacomin là 42,8 tỷ đồng.
Xi măng La Hiên có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, có 51% vốn nhà nước do Công ty TNHH MTV Công nghiệp mỏ Việt Bắc, công ty con của Tập đoàn Vinacomin nắm giữ. Công ty đã cổ phần hóa được gần 7 năm (từ tháng 11/2007), nhưng hiện vẫn chưa niêm yết trên sàn.

Thu Hằng

http://thoibaokinhdoanh.vn/441/news-...ia-co-tuc.html