Nhờ nguồn thanh khoản dồi dào, các thị trường chứng khoán toàn thế giới đã hoàn thành một năm 2013 mỹ mãn với đà tăng vọt, liên tục lập các mức cao kỷ lục mới và đem lại mức sinh lời cao cho nhà đầu tư. Vậy thị trường còn gì cho nhà đầu tư trong năm 2014 này?

Chứng khoán châu Âu sẽ tiếp tục tỏa sáng nhưng chứng khoán Trung Quốc có thể bấp bênh
Nguồn: CNN Money
Theo các chuyên gia, dòng tiền rẻ sẽ suy yếu nhưng nhà đầu tư đừng vội tuyệt vọng.
Dù điều này có thể khiến rủi ro tại một số khu vực gia tăng nhưng cũng sẽ đem lại cơ hội cho nhà đầu tư. Đồng thời, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ trở thành tâm điểm của thị trường khi quy mô của các gói kích thích khổng lồ dần bị cắt giảm.
Ông John Wyn-Evans, Trưởng Bộ phận chiến lược Đầu tư tại Investec Wealth & Investment nhận định: “Mọi người ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào triển vọng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp trong ngắn hạn”.
Các nhà chiến lược cho rằng các thị trường phát triển có tiềm năng sinh lời cao hơn so với các thị trường mới nổi khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thu hồi chương trình nới lỏng định lượng (QE). Một thách thức nữa đối với các thị trường chứng khoán là sự giảm tốc tăng trưởng của Trung Quốc có thể khiến niềm tin bị xói mòn và tác động xấu đến cổ phiếu trong năm tới.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm kênh đầu tư thích hợp. CNN Money đã tổng hợp ý kiến của các chuyên gia về một số điểm đến mà nhà đầu tư cần đổ tiền vào hay cần tránh xa trong năm 2014.
1. Châu Âu

Đà phục hồi yếu ớt của châu Âu, cùng với đà tăng trưởng vẫn còn ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu và đồng EUR tương đối mạnh tiếp tục cản trở đầu tư vào khu vực này. Tuy nhiên, tình hình đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Đà xác lập kỷ lục của thị trường chứng khoán Đức đã dẫn đến sự phục hồi của các thị trường châu Âu khác trong năm 2013. Thêm vào đó, kinh tế Anh cũng hồi sinh và chỉ số chứng khoán trên Sở Giao dịch London leo dốc.
Về triển vọng thời gian tới, các nhà phân tích phần nào lạc quan về các thị trường cổ phiếu châu Âu. Các nhà phân tích của Threadneedle Investments tại London cho biết sự cải thiện của các yếu tố kinh tế cơ bản sẽ giúp lợi nhuận doanh nghiệp đạt được đà tăng trưởng bền vững.
Các chuyên viên phân tích tại Nomura thậm chí còn lạc quan hơn khi kỳ vọng các công ty tại châu Âu sẽ đạt được đà tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ với tốc độ 14% trong năm tới.
Nếu nhà đầu tư nào muốn tìm kiếm các cổ phiếu châu Âu không mang đậm nét truyền thống, Nomura khuyến nghị đầu tư vào các quốc gia có lượng vốn vào hệ thống tài chính lớn như Ba Lan. Bên cạnh đó, các nền kinh tế có liên quan chặt chẽ đến đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu như Cộng hòa Séc cũng là điểm đến đầy hứa hẹn cho nhà đầu tư.
Trong khi đó, các nhà phân tích tại Wells Fargo khuyến nghị nên bán cổ phiếu của Đức sau đà phục hồi mạnh của thị trường này trong năm 2013 và đổ tiền vào các thị trường Bỉ cũng như Thụy Sỹ để hưởng lợi từ đà phục hồi của Eurozone.
2. Châu Á

2014 có thể tiếp tục là một năm thắng lợi của TTCK Nhật Bản. Chỉ số Nikkei 225 đã bay cao gần 60% trong năm 2013, đánh dấu đà tăng trưởng mạnh nhất trong hơn 40 năm. Các nhà đầu tư cổ phiếu dự báo thị trường này sẽ tiếp tục leo dốc trong thời gian tới.
Cuộc cải cách kinh tế quan trọng tại Nhật Bản (Abenomics) đã đem lại cho thị trường chứng khoán nước này đà tăng ngoài mong đợi. Chưa dừng ở đó, hiệu quả của Abenomics được dự báo sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường trong một năm tới. Các chuyên viên phân tích tại Nomura, Threadneedle Investments và Wells Fargo đều kỳ vọng thị trường chứng khoán Nhật Bản sẽ mang sắc xanh trong năm 2014.
Đối với các quốc gia còn lại của châu Á, sự cải thiện của nhu cầu toàn cầu có thể hỗ trợ các nền kinh tế vốn phụ thuộc vào xuất khẩu. Niềm tin ngày càng cải thiện có thể lan sang cổ phiếu nhưng khu vực này còn đang đối mặt với hai trở ngại lớn, đó là đà tăng trưởng ngày càng chậm tại Trung Quốc và lãi suất trên đà gia tăng.
Vậy đâu là thị trường mà nhà đầu tư cần tránh? Các nhà phân tích của UBS cho biết Ấn Độ và Indonesia là hai thị trường mà ngân hàng này ít quan tâm nhất tại châu Á. Cả hai quốc gia này đều rất dễ bị tác động bởi động thái cắt giảm kích thích tiền tệ của Fed.
Chiến lược gia cổ phiếu châu Á của UBS, Niall MacLeod, cho biết các thị trường Đông Nam Á khác như Malaysia, Indonesia và Singapore có thể “tụt hậu” so với các thị trường còn lại trong khu vực khi Fed thu hồi kích thích.
3. Các thị trường mới nổi

Không chỉ các thị trường đang phát triển của châu Á mới tìm cách ngăn chặn những rủi ro từ động thái thu hồi QE của Fed. Công ty môi giới CLSA kỳ vọng cổ phiếu của các thị trường mới nổi sẽ đạt được đà tăng trưởng mạnh hơn so với các khu vực phát triển, ít nhất là trong nửa cuối năm.
Nhà đầu tư có thể xa lánh Brazil khi Fed thu hồi kích thích trong khi tình hình tại Mexico có thể khả quan hơn do các yếu tố kinh tế cơ bản tương đối tốt và mối quan hệ chặt chẽ hơn với đà tăng trưởng của Mỹ.
Các nhà phân tích tại Threadneedle Investments quan tâm đến Mexico trước triển vọng tăng trưởng khả quan và lĩnh vực sản xuất mang tính cạnh tranh cao của nước này. Nếu nhà đầu tư muốn tăng cường rót vốn vào khu vực mới nổi, các nhà phân tích Threadneedle gợi ý đầu tư vào những công ty có liên quan chặt chẽ đến đà phục hồi của các thị trường phát triển.


http://vietstock.vn/2014/01/dau-la-d...773-327256.htm