Khép lại năm 2013, giá dầu thô Brent của Châu Âu ít thay đổi so với đầu năm.

Trong khi giá dầu West Texas Intermediate (WTI) lại có năm tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, khiến cho chênh lệch giá giữa 2 loại dầu này giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2006.


Giá dầu Brent trên sàn ICE Futures tại Luân Đôn kết thúc năm tại mức 110,80 USD/thùng, giảm 31 cent, tức 0,28% so với cuối năm 2012.
Mức giá nội phiên cao nhất của dầu Brent trong năm 2013 được ghi nhận vào ngày 8/2 tại 119,15 USD/thùng, trong khi giá thấp nhất ghi nhận vào ngày 18/4 tại 99,82 USD.


Giá dầu WTI trên sàn Giao dịch Hàng hóa New York chốt năm 2013 tại mức 98,42 cent, tăng 6,6 USD, tức 7,19% so với cuối năm 2012. Đây là năm tăng nhiều nhất kể từ năm 2011 và là năm tăng thứ tư trong vòng 5 năm của dầu WTI.


Chỉ riêng trong tháng 12, dầu WTI đã tăng tới hơn 6%.


Mức giá nội phiên cao nhất của dầu WTI trong năm 2013 được ghi nhận vào ngày 28/8 tại 112,24 USD/thùng, trong khi giá thấp nhất ghi nhận vào ngày 18/4 tại 88,51 USD.


Thị trường dầu mỏ Châu Âu tương đối cân bằng trong năm qua khi nguồn cung bị từ Trung Đông và Bắc Phi bị gián đoạn do bất ổn chính trị tại khu vực này được bù đắp bằng việc sản lượng tại Mỹ tăng mạnh.


Trong khi đó, thị trường dầu mỏ của Mỹ lại hoạt động tốt hơn khi giới đầu tư kỳ vọng vào khả năng sức cầu cải thiện, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ rút lại chương trình kích thích tiền tệ.


Với sự tăng mạnh của giá dầu WTI, chênh lệch giữa giá của loại dầu này và dầu Brent đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2006.


Trong năm 2013, bạo lực tại Nam Xu-đăng đã khiến sản lượng dầu thô của nước này giảm khoảng 1/5 xuống còn 200.000 thùng/ngày. Tại Libya, sản lượng đã giảm từ 1,5 triệu thùng/ngày xuống còn chưa đầy 250.000 thùng/ngày vào tháng 7 do các cuộc biểu tình gây gián đoạn hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu mỏ.


Bênh cạnh đó, bất ổn tại Iraq và sự căng thẳng giữa Iran và các cường quốc phương Tây về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của chính quyền Tehran cũng hỗ trợ giá dầu trong suốt năm 2013.


Tuy nhiên, sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ tăng mạnh giúp bù đắp lo lại về nguồn cung. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo Mỹ sẽ vượt qua Nga và Arập Xêut để trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất vào năm 2015 và sẽ gần đạt được mức tự chủ về năng lượng trong 2 thập kỷ tới khi sản lượng khai thác dầu đá phiến tại nước này bùng nổ.