Điểm mặt những tập đoàn Thái rót hàng trăm triệu USD vào Việt Nam

Thái Lan hiện nay là một trong 10 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam theo số liệu của Tổng cục thống kê. Lĩnh vực mà người Thái quan tâm nhiều nhất gồm vật liệu xây dựng, xây dựng và thực phẩm.

Trong đó có những tập đoàn lớn rót hàng trăm triệu USD vào nước ta cần phải nhắc đến như Siam Cement Group (SCG), Amata Corp và Charoen Pokphand (C.P.).
Cả ba tập đoàn kể trên đều đã đầu tư vào Việt Nam từ những năm đầu của thập kỷ 90, cho đến nay những thành công của họ là không thể phủ nhận. Cả ba đều tạo được nền tảng vững chắc ở lĩnh vực khai thác và vẫn đang rót hàng trăm triệu USD đầu tư vào thị trường Việt Nam.
SCG ôm mộng thâu tóm lĩnh vực vật liệu xây dựng
Siam Cement Group (SCG) là một tập đoàn lớn có lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm, được thành lập năm 1913 theo Sắc lệnh Hoàng gia do Vua Rama VI ban hành với mục đích sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng chính cho các dự án cơ sở hạ tầng có đóng góp lớn vào sự phát triển của quốc gia lúc bấy giờ.
Trong 100 năm qua, SCG liên tục mở rộng và đa dạng hóa hoạt động trong 5 lĩnh vực kinh doanh cốt lỗi, đồng thời cũng là hoạt động của 5 công ty: Công ty Hóa chất SCG (SCG Chemicals), Công ty sản xuất Giấy SCG (SCG Paper), Công ty Xi măng SCG (SCG Cement), Công ty Vật liệu xây dựng SCG (SCG Building Materials) và Công ty Phân phối Vật liệu Xây dựng và Vận tải SCG (SCG Distribution).
SCG niêm yết và giao dịch phiên đầu tiên trên Sở GDCK Thái Lan (SET) với mã SCC vào ngày 30/04/1975. Thông tin từ website SCG cho biết, Tập đoàn có vốn điều lệ 1.6 tỷ baht (tương đương 50.67 triệu USD), cổ đông lớn nhất là The Crown Property Bureau Group nắm giữ xấp xỉ 31.94%.
SCG bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1992 và hiện đã có 19 công ty thành viên với tổng giá trị tài sản hơn 615 triệu USD tính đến cuối quý 3/2013. Các công ty này hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xi măng, giấy, nhựa tổng hợp PVC, bê tông tươi, ngói bê tông; trưng bày; thương mại quốc tế và phân phối nội địa; dịch vụ hậu cần.
Một trong những khoản đầu tư đáng chú ý của SCG tại Việt Nam là thương vụ mua lại 85% vốn của Prime Group với giá 239.6 triệu USD Mỹ, tương đương 5,000 tỷ đồng vào tháng 12/2012. Prime Group là doanh nghiệp tư nhân hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng ở nước ta, chuyên sản xuất gạch ốp lát.
Bên cạnh đó, SCG thông qua đơn vị thành viên là The Nawaplastic Industries (Saraburi) nắm giữ số lượng lớn cổ phần trong hai doanh nghiệp nhựa thuộc “top” của ngành nhựa Việt Nam là Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HOSE: NTP) và Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP). Saraburi đã tiến hành gom mua cổ phần hai doanh nghiệp nhựa niêm yết trên thông qua thị trường chứng khoán và chiến lược được xúc tiến từ tháng 3/2012. Hiện nay, Saraburi đã nâng tỷ lệ sở hữu tại NTPBMP lên lần lượt 20.4% và 23.84% vốn.
Saraburi là một trong 3 công ty con của Nawaplastic – nhà chế tạo các sản phẩm PVC hàng đầu Đông Nam Á. Bắt đầu hoạt động năm 1970, Saraburi chế tạo và phân phối đường ống và ống nối PVC với nhãn hiệu “Elephant” (con voi). Đây là doanh nghiệp do Thai Plastic and Chemicals PCL (TPC) sở hữu 100% vốn. Trong đó, Thai Plastic and Chemicals PCL lại là doanh nghiệp có Siam Cement Group (SCG) làm cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 45%.
Không dừng ở đó, SCG vẫn đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội đầu tư nhiều hơn nữa tại Việt Nam và đặc biệt là dự án Tổ hợp hóa dầu tại miền Nam với tổng vốn đầu tư trên 4.5 tỷ USD Mỹ. Dự án do liên doanh gồm PetroVietnam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty Hóa chất Vina SCG và Công ty TNHH Nhựa và Hóa chất Thái Lan phụ trách.
Được biết, quý 3/2013, SCG công bố doanh thu 3.62 tỷ USD, trong đó doanh thu tại Việt Nam đạt 155 triệu USD (tương đương 3,247 tỷ đồng), tăng 75% so với cùng kỳ 2012. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu tại thị trường Việt Nam của SCG đạt 386 triệu USD (8,184 tỷ đồng), tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu từ hoạt động của Prime Group, Công ty Nhựa và Hóa chất PVC Vina (TPC Vina) và AP Packaging (Hà Nội).
C.P. bành trướng trong lĩnh vực thực phẩm
Trước cả SCG và Amata Corp, Charoen Pokphand Group (C.P.) đầu tư vào Việt Nam từ năm 1988 dưới hình thức mở văn phòng kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh. Đến năm 1993, C.P. thành lập Công ty TNHH Chăn nuôi C.P. Việt Nam (tên tiếng Anh là C.P. Vietnam Livestock Co.,Ltd.) và xây nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai, đồng thời là trụ sở chính của công ty cho tới ngày nay.
Năm 2009, Công ty TNHH Chăn nuôi C.P. Việt Nam hợp nhất với Công ty TNHH Charoen Pokphand Việt Nam trở thành Công ty C.P. Vietnam Livestock Corporation và đến năm 2011 đổi tên thành CTCP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (C.P. Vietnam Corporation).

Chuỗi sản xuất thực phẩm tích hợp của C.P. Việt Nam

C.P. Việt Nam hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là thức ăn chăn nuôi, trang trại và thực phẩm. Hiện nay, trong ngành thức ăn chăn nuôi, C.P Việt Nam có 8 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, được phân thành 4 nhà máy chuyên thức ăn gia súc gia cầm, 3 nhà máy chuyên thức ăn thủy sản và 1 nhà máy sấy ngô. Ở lĩnh vực trang trại, công ty cũng có trang trại chăn nuôi hiện đại với các loại như , gà thịt, gà đẻ, tôm và cá để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy sản xuất thủy sản đông lạnh phục vụ xuất khẩu. Cuối cùng ở ngành thực phẩm, C.P Việt Nam có 1 nhà máy đặt ở Đồng Nai để chế biến thủy sản, 2 nhà máy (1 ở Đồng Nai, 1 ở Hà Nội) sản xuất các loại thực phẩm tiêu dùng.
Không chỉ sản xuất, C.P Việt Nam còn có chuỗi cửa hàng thực phẩm C.P. Fresh Mart và chuỗi thức ăn từ thịt gà Five Star Chicken để phục vụ người tiêu dùng Việt.
Được biết, Charoen Pokphand Group (C.P.) là một tập đoàn đa quốc gia của Thái Lan với hoạt động kinh doanh chính là nông sản, thực phẩm, bán lẻ và viễn thông. Được thành lập năm 1921, C.P. hiện có hơn 280,000 nhân viên và đã đầu tư vào 15 quốc gia trên toàn thế giới với doanh thu hàng năm hơn 33 tỷ USD. C.P. cũng là tập đoàn lớn nhất Thái Lan không thuộc sở hữu của nhà nước với doanh thu tương đương hơn 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của nước này.
Amata Corp với thương hiệu Amata
Được thành lập năm 1989, Amata Corporation Public Company Ltd là nhà phát triển thành phố công nghiệp lớn của châu Á. Công ty có trụ sở tại Băng Cốc, Thái Lan, Giám đốc điều hành là Vikrom Kromadit. Năm 1997, Amata bước vào một giai đoạn mới khi niêm yết thành công trên Sở GDCK Thái Lan (SET).
3 dự án lớn nhất của Amata là Amata Nakorn Industrial Estate (Thái Lan), Amata City Industrial Estate (Thái Lan) và Khu công nghiệp Amata tại Biên Hòa (Amata City Bien Hoa Industrial Park) tại Đồng Nai (Việt Nam).
Khu công nghiệp Amata tại Biên Hòa

Việt Nam là nước đầu tiên Amata Corp hướng đến sau thành công với các khu công nghiệp mang thương hiệu Amata tại Thái Lan. Đích nhắm đầu tiên chính là khu công nghiệp tích hợp Amata diện tích 700ha tại Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai được khởi công vào năm 1994. Nằm ở vị trí chiến lược trên Quốc lộ 1 kết nối hai miền Nam Bắc, KCN Amata Biên Hòa là “ngôi nhà” của các tập đoàn đa quốc gia với tổng vốn đầu tư hơn 1.9 tỷ USD và tổng lực lượng lao động hơn 33,000 công nhân.
Đơn vị đầu tư hạ tầng cho KCN Amata Biên Hòa là Công ty Liên doanh Phát triển Khu công nghiệp Long Bình hiện đại, liên doanh giữa Công ty Sonadezi và Amata Corporation Public Company Ltd.
Sau Amata Biên Hòa, năm 2011, Amata Corp quyết định đầu tư qua dự án Amata City 1,245 ha tại Long Thành, Đồng Nai. Đến tháng 01/2013, Amata tiến ra Quảng Ninh lập dự án Future City 3,000 ha (khu công nghiệp kết hợp đô thị) để thu hút các nhà đầu tư Thái.
Manh nha ở thị trường năng lượng
Hiện nay các nhà đầu tư Thái Lan đã nhắm đến thị trường năng lượng Việt Nam tại các khu vực Miền Trung mà trọng điểm là 3 tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi và Quảng Nam. Cả đại diện của Thái Lan và Việt Nam đã có những buổi tiếp xúc để thúc đẩy hợp tác thương mại.
Bước tiến đầu tiên trong quá trình hợp tác này là hợp đồng ký kết giữa Tập đoàn Điện lực EGAT (Thái Lan) và Viện Năng lượng Việt Nam về tư vấn đề xuất đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị, tổng trị giá 45,000 USD được thực hiện trong 7 tuần từ ngày ký kết. Đến tháng 8/2013, UBND tỉnh Quảng Trị đã đồng ý cho EGAT đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện 1,200 MW tại xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, tổng vốn đầu tư cho dự án ước tính 2.26 tỷ USD.
Cùng thời gian này, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) cùng với UBND tỉnh Bình Định đã khởi động dự án đầu tư tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội tại khu kinh tế Nhơn Hội. Với dự án này PTT sẽ đầu tư khoảng 30-40% trên số vốn dự kiến 27-28 tỷ USD.