Ông Nguyễn Đình Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank), chia sẻ với TBKTSG về những thách thức và cơ hội đặt ra sau gần hai tháng ngân hàng này chính thức hoạt động trên cơ sở hợp nhất Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank)

TBKTSG: Ông đánh giá như thế nào về hình hình hoạt động của ngân hàng mới?
Ông Nguyễn Đình Lâm: PVcomBank đang hoạt động ổn định theo đúng định hướng của Tập đoàn Dầu khí cũng như của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Thực ra, PVFC và WesternBank (WTB) trước khi hợp nhất đều đã tự tái cấu trúc toàn diện và trong trạng thái lành mạnh, phù hợp với quy định của NHNN khi hợp nhất. Với thực trạng nền kinh tế như hiện nay, chúng tôi quan tâm chủ yếu đến mục tiêu an toàn, tỷ trọng nợ xấu sẽ được giảm dần đến năm 2015.
Hiện PVcomBank có cơ hội thực hiện đầy đủ các giao dịch huy động vốn, dịch vụ thanh toán, phát triển mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên cơ sở tận dụng những điểm mạnh của PVFC và WTB trước đây, đồng thời mở rộng khả năng phục vụ các khách hàng doanh nghiệp lớn trước kia. Đến nay, các chỉ số huy động vốn ở các chi nhánh đang trên đà phát triển tốt. Tăng trưởng huy động hàng ngày ở mức cao so với thị trường nói chung.
TBKTSG: Trong các phát biểu của ông tại đại hội đồng cổ đông sáp nhập và lễ ra mắt PVcomBank, ông đều nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn ý thức được những khó khăn để tiến tới phát triển bền vững”. Vậy những khó khăn lớn nhất mà PVcomBank đang phải giải quyết là gì?
Ông Nguyễn Đình Lâm: Thực ra, trong giai đoạn hiện nay, cái khó khăn chung nhất của các ngân hàng là đào tạo nhân lực và xử lý nợ xấu. Riêng với PVcomBank, chúng tôi còn phải đầu tư lại toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin. Mục tiêu của PVcomBank là có hệ thống công nghệ hiện đại bậc nhất trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển được một đội ngũ chuyên nghiệp, hoạt động đúng với câu Slogan “Ngân hàng không khoảng cách”
TBKTSG: Liên quan đến giải quyết các khoản nợ xấu Vinashin, Vinalines, lộ trình cụ thể của PVcomBank như thế nào?
Ông Nguyễn Đình Lâm: Chúng tôi đã chuẩn bị vấn đề này ở giai đoạn trước khi hợp nhất khoảng một năm, vào lúc hai tổ chức tiến hành tái cấu trúc. Về định hướng xử lý nợ của Vinashin với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, NHNN đã có chỉ đạo cụ thể. Chúng tôi trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ. Như vậy, về nguyên tắc khoản nợ này đã xử lý xong. Nợ của Vinalines cũng đã có lộ trình xử lý cụ thế đến năm 2015. Các khoản vay của Vinalines có tài sản đảm bảo đầy đủ. Chúng tôi đang cùng Vinalines tháo gỡ dần khó khăn.
TBKTSG: Có ý kiến cho rằng dù có hướng đẩy mạnh tỷ trọng tín dụng cá nhân (20% vào năm 2015) nhưng PVcomBank vẫn đặt mục tiêu phát triển dựa trên những lợi thế sẵn có của PVFC trước đây là tập trung tín dụng vào Tập đoàn Dầu khí và các ngành nghề liên quan đến dầu khí. Nếu sự hậu thuẫn của Tập đoàn Dầu khí giảm đi thì nền tảng hoạt động của PVcomBank sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Ông Nguyễn Đình Lâm: Ngành Dầu khí có rất nhiều doanh nghiệp và họ là những doanh nghiệp tốt trên thị trường. Chúng tôi tập trung vào các doanh nghiệp là khách hàng trước đây, hỗ trợ đem lại hiệu quả ngày càng tốt hơn cho họ. Nhưng không chỉ các doanh nghiệp dầu khí, tất các những khách hàng tốt ngoài ngành dầu khí cũng sẽ được PVcomBank phục vụ tận tình.
Ngoài ra, chúng tôi cũng xác định thúc đẩy mô hình bán lẻ để thay đổi tỷ trọng đối tượng khách hàng so với mô hình hoạt động trước đây của cả hai tổ chức tín dụng.
TBKTSG: Cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng gay gắt và lợi nhuận thu được của ngành ngày một giảm đi so với những năm trước. Trong bối cảnh không mấy thuận lợi như thế, liệu sau khi xử lý nợ xấu, PVcomBank có thể trở thành ngân hàng thuộc tốp dẫn đầu hệ thống ngân hàng TMCP ở Việt Nam như các lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng?
Ông Nguyễn Đình Lâm: Đội ngũ PVcomBank hiện có đủ tự tin để làm điều đó. PVFC có quy mô tài sản lớn nhưng chỉ với đối tượng khách hàng là các tổ chức thôi thì chưa đủ. WTB tuy có quy mô tài sản không lớn nhưng mạng lưới hoạt động khá rộng. Các lợi thế này sẽ được bổ sung cho nhau tạo điều kiện hình thành một tổ chức ngân hàng tốt hơn, phát triển lên một tầm mức cao hơn. Bối cảnh kinh tế hiện nay khó khăn cho các ngân hàng nhưng chúng tôi nhìn thấy guồng quay tích cực giải quyết các khó khăn. Đó là chính phủ đã chỉ đạo NHNN và các tổ chức tín dụng tích cực cơ cấu lại nợ, nâng cao chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đồng thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. PVcomBank cũng nhìn ra những cơ hội thuận lợi để nâng cao chất lượng bộ máy, tạo đà phát triển nhanh và bền vững hơn.